không chỉ Dung Quất, mà ngay cả Bộ Công thương cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị vấn đề này. Lý do vì theo cam kết trong ASEAN, năm 2015, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với diesel là 5% (áp dụng từ 1/1/2015), và từ năm 2016 sẽ về 0%. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu từ các thị trường khác cùng thời điểm đó (áp dụng cả với sản phẩm của Dung Quất) đang được điều chỉnh bằng Thông tư 03 (6/1/2015) của Bộ Tài chính, với mức thuế 30%, tức là gấp đến 6 lần.
Để giải quyết sự chênh lệch lớn này, từ tháng 1 cho đến tháng 5 năm nay, Bộ Tài chính đã 4 lần ra thông tư điều chỉnh mức thuế đối với diesel, từ 30% xuống 20% (từ 14/4), 10 ngày sau lại điều chỉnh xuống 12% (từ 4/5) và 16 ngày sau đó lại điều chỉnh xuống 10%. Dù vậy, vấn đề vẫn không được giải quyết, tại cùng 1 thời điểm vẫn có 2 mức thuế, và đương nhiên, DN nhập khẩu sẽ phải lựa chọn nhập từ nơi rẻ hơn. Theo BSR, mỗi tháng các đầu mối xăng dầu nhập khoảng 150.000 – 200.000m3 diesel từ ASEAN.
Nhà máy lọc dầu. |
Theo công văn “khẩn” từ tháng 5 của BSR, dù thuế đã được điều chỉnh, tình hình tiêu thụ của Dung Quất vẫn chưa khả quan hơn. Các đầu mối vẫn tiếp tục hạn chế mua hàng. Những khách hàng thường xuyên mua bổ sung (hợp đồng spot) của Dung Quất như “ông lớn” Petrolimex, Saigon Petro, Thanh Lễ, Petimex đã từ chối mua hàng tháng 6; nhưng Petrolimex chào mua từ ASEAN khoảng 95.000 tấn diesel cho tháng 6 và Saigon Petro cũng chào mua 10.000 tấn.
Động thái này dễ hiểu, bởi nhập từ ASEAN có giá rẻ hơn so với nhập của Dung Quất khoảng 2 – 3 USD/thùng. Đáng nói hơn, nhiều đầu mối đã có công văn gửi Dung Quất đề nghị giảm khối lượng nhập khẩu theo hợp đồng dài hạn (hợp đồng term), đẩy nguy cơ tồn kho của nhà máy này lên cao hơn.
Qua trao đổi với PV Báo CAND, đại diện Petrolimex cho biết: Thực tế, ngoài khối lượng cam kết theo hợp đồng term là 120.000m3/tháng, Petrolimex vẫn nhập bổ sung của Dung Quất 20.000 – 30.000m3 để hạn chế tồn kho cho nhà máy này. Tuy nhiên, vị này cũng thẳng thắn thừa nhận, nếu không vì các cam kết, hoặc vì “hỗ trợ”, họ sẵn sàng nhập từ ASEAN vì giá rẻ hơn. Đây chính là nguy cơ dài hạn mà BSR phải đối mặt – khi các đầu mối sẽ hạn chế tối đa lượng nhập.
Trao đổi với PV Báo CAND, đại diện của BSR cho biết: Hiện tại nhu cầu dầu diesel trong nước không cao, lượng hàng chào mua của các khách hàng thấp hơn cùng kỳ các năm trước. Nhu cầu xăng cũng đã bắt đầu giảm so với các tháng trước, cộng với giá giảm trong thời gian qua đã dẫn đến việc khách hàng từ chối mua bổ sung, giãn lịch nhận hàng, gây tồn kho cao cục bộ cho nhà máy. Với tình hình hiện tại, khả năng tồn kho của nhà máy bắt đầu từ tháng 9 sẽ lên rất cao, trên 81% đối với dầu diesel và trên 72% đối với xăng Mogas 95.
Cũng theo đại diện của BSR, hiện nhiều đơn vị đã đề nghị giảm term 2015 do nhu cầu tiêu thụ trong nước không cao, giá liên tục giảm và chênh lệch thuế. Nguồn cung của các nước châu Á, đặc biệt là các nước trong khu vực ASEAN trong các năm tới sẽ tăng, do đó, nguồn cung hàng hóa nhập khẩu từ các nước có Hiệp định thương mại vào Việt Nam sẽ tăng. Theo dự báo, giá xăng dầu 2016 sẽ tăng trở lại, do đó giá trị chênh lệch thuế sẽ càng được nới rộng, vì thế hàng hóa của Dung Quất giảm đi sự cạnh tranh rất nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến việc đàm phán khối lượng hàng term 2016.
Nếu mức chênh lệch thuế nhập khẩu không được điều chỉnh thì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ lượng sản phẩm Dung Quất sản xuất ra. Được biết, tính đến nay, BSR cũng như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có khoảng 10 công văn báo cáo về tình hình khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm của Dung Quất do chênh lệch thuế nhập khẩu cũng như kiến nghị điều chỉnh thuế để đảm bảo tính cạnh tranh, nhưng vẫn chưa nhận được hồi đáp.
Hạt nhựa và khí hoá lỏng cũng “kêu than” vì thuế
Câu chuyện tồn kho diesel chưa được giải quyết thì các sản phẩm khí hoá lỏng (LPG) và nhựa prolylen (PP) cũng đang ở trong tình trạng khó khăn tương tự.
BSR cho biết, hiện các đầu mối nhập khẩu trong nước đã sẵn sàng và bắt đầu nhập hàng LPG có chứng nhận xuất xứ theo form D/E với thuế suất 0% từ các nước khu vực ASEAN và Trung Quốc với giá thấp và thời hạn thanh toán kéo dài. Nếu không điều chỉnh thuế, LPG của Dung Quất sẽ khó tiêu thụ. Đối với PP, cũng do sức ép thị trường, khi cả giá và nhu cầu tiêu thụ đều liên tục giảm, cộng thêm chênh lệch thuế từ hàng xuất xứ ASEAN và Trung Quốc, các khách hàng của BSR đã trì hoãn lịch nhận hàng, từ chối nhận hàng bổ sung, đẩy tồn kho sản phẩm PP của BSR hiện nay lên khoảng 71% (tương đương 3.896 tấn – theo báo cáo đến 00giờ ngày 19/8).
Đồng thời, hầu hết các khách hàng đều đề nghị giảm giá bán 2% (tương đương với phần chênh lệch thuế nhập khẩu) và giãn thời hạn thanh toán thêm 90 ngày.
Theo CAND