|
Ảnh: Gizchina |
Theo một báo cáo từ Wall Street Journal, dẫn nguồn tin từ UBS và Fomalhaut Techno Solutions, Huawei Mate 30 Pro đã không còn chứa các bộ phận do Mỹ sản xuất. Tạp chí Phố Wall chỉ ra rằng Huawei đã đạt được tiến bộ lớn trong việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào các linh kiện của Mỹ.
Các công ty công nghệ như như iFixit và Tech Insights Inc. đã tháo rời các bộ phận của Huawei Mate 30 để kiểm tra nguồn gốc của các thành phần này và cũng cho ra kế quả tương tự. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các điện thoại mới của Huawei vào năm tới có thể sẽ không sử dụng bất cứ thành phần nào “Made by US” nữa.
|
Ảnh: Gizchina
|
Trước lệnh cấm, Huawei mua các chip để kết nối với tín hiệu mạng từ các công ty Mỹ như hãng Qorvo. Các chip tương tự như vậy cũng được mua từ các hãng như Skyworks và công ty chip của Huawei, HiSilicon. Kể từ khi lệnh cấm xuất hiện, Huawei vẫn tiếp tục mua một số chip từ Qorvo nhưng dừng việc mua chip từ Skywork. Công ty Trung Quốc còn bổ sung thêm nguồn cung từ hãng Murata của Nhật. Huawei cũng ngừng mua chip Wi-Fi và Bluetooth từ Broadcom và hiện sử dụng chip do chính công ty sản xuất.
Báo cáo cho biết Huawei đã sớm nhận thức được những tác động tiêu cực nếu nguồn cung linh kiện bị gián đoạn từ đầu năm 2012. Vì vậy, công ty đã bắt đầu tích trữ linh kiện và điều này đã giúp họ vượt qua cơn khủng hoảng của chuỗi cung ứng do lệnh cấm vận. Bên cạnh đó, Huawei cũng bắt đầu tìm kiếm nguồn cung từ các quốc gia khác ngoài Hoa Kỳ và tự phát triển các bộ phận thay thế của riêng mình. Huawei có lợi thế về chất bán dẫn vì sở hữu công ty Hisilicon, chuyên thiết kế các chip như Kirin SoC và modem Balong. Mặc dù được thiết kế bởi HiSilicon, các con chip này lại được sản xuất bởi TSMC. Tháng trước hãng này từng cho biết sẽ tiếp tục cung cấp cho Huawei, bất chấp sức ép từ chính phủ Mỹ.
Ngoài điện thoại, mạng 5G của Huawei cũng “chia tay” các linh kiện Mỹ
|
Ảnh: Huawei Update
|
Theo báo cáo của Wall Street Journal, thiết bị mạng của Huawei cũng sẽ không còn sử dụng các thành phần của Mỹ nữa. Huawei hiện là nhà cung cấp lớn nhất toàn cầu về công nghệ 5G với 26% thị phần. Trong khi nhiều nhà khai thác khác phải chi một khoản tiền khá lớn để xây dựng mạng 5G mới của mình thì Huawei đã tự sản xuất các trạm gốc 5G mà không cần đến các linh kiện và phần mềm của Mỹ. Hiện tại, hãng mới có thể sản xuất 5.000 trạm gốc 5G mỗi tháng nhưng vào năm tới, công ty có thể sản xuất được tới 125.000 trạm mỗi tháng.
John Suffolk, một quan chức an ninh mạng cao cấp của Huawei cho biết: “Tất cả mạng 5G của chúng tôi đã không còn phụ thuộc vào Mỹ. Chúng tôi vẫn hy vọng sẽ tiếp tục được sử dụng các thành phần của Hoa Kỳ, điều này tốt cho ngành công nghiệp của Mỹ hơn là Huawei, nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác”.
Cho dù vậy, một bộ phận của Mỹ mà Huawei không thể thay thế trên smartphone của mình là hệ điều hành Android của Google và hệ sinh thái ứng dụng xoay quanh nó. Cho dù vẫn có thể cài đặt Android, nhưng các điện thoại mới của Huawei giờ sẽ không có các ứng dụng của Google như Play Store, Google Search, Gmail, Maps và nhiều ứng dụng khác. Nhưng điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường Trung Quốc, nơi vốn cấm cửa Google từ lâu.
GDP của Mỹ có thể mất tới 240 tỷ USD vì lệnh cấm Huawei
|
Ảnh: RTTNews
|
Trong một cuộc họp báo gần đây, Fan Zhiyong, phó Chủ tịch Chính sách Pháp lý và Chiến lược IP của Huawei cho biết trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến 2020, việc hạn chế Huawei sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ phải tiêu tốn thêm 20 tỷ USD chi phí. Khoản tiền này còn cao hơn cả chi phí xây dựng mạng. Cũng theo Huawei, mạng 5G ở Mỹ có thể bị chậm trễ từ 6 tháng đến 18 tháng. Điều này có thể khiến GDP Mỹ tổn thất từ 100 tỷ đến 240 tỷ USD.
Theo Gizchina