|
Ảnh minh họa (AndroidPit) |
Điện thoại thông minh giá rẻ đang trở nên tốt hơn
Những chiếc điện thoại thông minh Android giá rẻ đầu tiên thường chỉ có hiệu suất khá chậm và không đáng tin cậy nhưng với sự phát triển vũ bão của công nghệ và sự bão hòa của thế giới smartphone, ngày nay, hầu hết điện thoại thông minh nào cũng có thể đáp ứng các chức năng thiết yếu và thậm chí còn có nhiều tính năng bổ sung mới cực hữu ích.
Ngay cả các hãng điện thoại ít được biết đến của Trung Quốc thường có chất lượng thấp hơn so với đối thủ cạnh tranh cũng đã có các bước nhảy vọt về chất lượng. Những chiếc điện thoại thông minh với màn hình Full HD, hệ thống camera kép và kết nối dữ liệu LTE với giá dưới 200 USD có mặt ở khắp mọi nơi. Với số tiền này, nhiều năm trước, người ta chỉ dám hy vọng mua được chiếc điện thoại với các chức năng nghe gọi thông thường.
Điện thoại thông minh tầm trung và giá rẻ đều có kết cấu khối kim loại hoặc kính ngang với smartphone cao cấp. Thậm chí có cả smartphone giá rẻ với màn hình tràn viền, đọc dấu vân tay nhanh và RAM 6 GB hoặc 8 GB không hề hiếm. Điểm để phân biệt với smartphone cao cấp nằm ở hiệu năng, tốc độ phản ứng, chất lượng máy ảnh và độ phân giải màn hình mà chỉ người sành dùng mới nhận ra điều này.
Điện thoại thông minh tốt đang trở nên rẻ hơn
Mặt khác, chúng ta cũng có thể tìm thấy nhiều smartphone có cùng phần cứng cạnh tranh với các sản phẩm cao cấp hàng đầu với mức giá thấp hơn, như Xiaomi Mi MIX 2 và OnePlus 5T. Có thể nhiều người vẫn chưa tin tưởng vào các ưu điểm nổi bật trên các thiết bị cao cấp như màn hình cạnh trên Galaxy S8, độ siêu phân giải của Xperia XZ Premium hay nhận thấy các chức năng bổ sung tích hợp trí tuệ nhân tạo trên Google Pixel 2.
Không phải mọi mức giá chiết khấu đều là món hời
Đôi khi, đằng sau những mức giá chiết khấu siêu rẻ thậm chí là cho không là những cú sốc không hề dễ chịu. Đây không chỉ đề cập đến những lỗi phần cứng như chiếc camera giả mạo trên Doogee Mix, hiệu năng thấp, hay sự chậm trễ trong cập nhật phiên bản mới. Nghiêm trọng hơn, đó là vấn đề bảo mật dữ liệu.
Vấn đề này không hề mới, điện thoại thông minh có nguồn gốc từ các công ty ít được biết đến của Trung Quốc thường gửi dữ liệu mà không có sự chấp thuận của người dùng đến các máy chủ được thuê ở Châu Á. Điều này được thực hiện qua các ứng dụng hệ thống được cài sẵn trên máy (bạn có thể chặn các ứng dụng này bằng cách gỡ cài đặt chúng).
Đôi khi, những quá trình thu thập này thường bị ẩn và bắt nguồn từ chính hệ thống, người dùng không thể kiểm soát được. Chúng nhằm mục đích duy nhất là theo dõi việc sử dụng điện thoại thông minh và dữ liệu internet của người dùng.
Liệu rằng chúng ta luôn được an toàn với các thương hiệu uy tín nhất?
Điều đó không hề sai khi bạn quyết định từ chối bất kỳ điện thoại có nguồn gốc đáng ngờ, cho dù giá có hấp dẫn như thế nào. Nhưng đôi khi nó lại không đủ. Thậm chí, gần đây, các công ty nổi tiếng như Wiko và OnePlus cũng vướng phải một số vấn đề về sự riêng tư của người dùng. Người ta mới phát hiện ra rằng các ứng dụng được cài đặt trước của Wiko trên một số điện thoại thông minh thu thập được một số dữ liệu điện thoại thông minh để gửi chúng tới các máy chủ được đặt tại Trung Quốc mà người dùng không hề hay biết.
Vấn đề này cũng xảy ra tương tự với OnePlus? Một chuyên gia bảo mật người Anh đã phát hiện ra OnePlus bí mật thu thập thông tin cá nhân và truyền tải chúng đến một địa chỉ lưu trữ. Theo phản hồi của OnePlus, dữ liệu phân tích được chia thành hai luồng khác nhau: luồng đầu tiên là thông tin khách hàng và thứ hai là thu thập thông tin thiết bị để cải thiện dịch vụ. Họ còn cho biết là công ty sẽ ngừng thu thập dữ liệu nhạy cảm và sẽ có bản cập nhật để khắc phục sự cố. Tuy nhiên, sự việc vẫn chưa dừng lại ở đây. Cách đây vài ngày, một tài khoản người dùng thông báo rằng một ứng dụng được cài đặt sẵn bên trong OnePlus đã thu thập thêm dữ liệu như thống kê về pin và nhiều thông tin hệ thống khác gửi tới một máy chủ ở Singapore 6 giờ một lần. OnePlus vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức về vấn đề này.
Thậm chí đến cả hãng công nghệ khổng lồ bậc nhất thế giới như Google cũng không tránh khỏi “tâm bão bảo mật”. Việc thu thập dữ liệu định vị vị trí trên điện thoại Android không chỉ xảy ra khi dịch vụ bị tắt mà nó cũng áp dụng khi người dùng không lắp thẻ SIM vào điện thoại hoặc cài bất kỳ ứng dụng nào. Nó hoạt động bằng cách tìm địa chỉ của trạm phát di động gần nhất, và mặc dù không thể xác định được vị trí của người dùng dựa trên điều đó nhưng nó có thể ghi nhận họ ở trong phạm vi bán kính khoảng 1,5 km. Nếu không có dữ liệu di động, nó sẽ gửi vị trí khi có kết nối với Wi-Fi. Google đã xác nhận rằng hãng đã thu thập dữ liệu này kể từ đầu năm và nói thêm rằng không còn làm điều này nữa. Công ty cho biết việc thu thập dữ liệu này được thực hiện nhằm cải thiện tốc độ nhận và gửi thông báo của điện thoại thông minh Android trên mạng dữ liệu.
Mã Cell ID đã bị ngừng hoạt động, nhưng theo một số cơ quan chính phủ Anh và Hàn Quốc, đây là một sự xâm phạm quyền riêng tư. Dù Google vẫn chưa chính thức bị điều tra, nhưng đây chính là hồi chuông báo động về vấn đề bảo mật, làm ảnh hưởng đến niềm tin của hàng triệu người dùng trên toàn thế giới.
Một khi bạn đã chọn sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet (bất kể thương hiệu hoặc hệ điều hành) thì việc nhiều dữ liệu được chia sẻ là điều không thể tránh khỏi.
Sự riêng tư của chúng ta đang gặp nguy hiểm?
Có hoặc không, điều đó phụ thuộc vào chính quan điểm về khái niệm quyền riêng tư của bạn.
Hầu hết các công ty thu thập dữ liệu bằng cách nhóm các số liệu thống kê về pin, các ứng dụng được cài đặt, sự cố và một sô thông tin khác. Tuy nhiên, những dữ liệu này không liên kết với bất kỳ số điện thoại, tài khoản Google hoặc bất cứ thứ gì khác có thể liên kết đến dữ liệu của tài khoản người dùng cụ thể. Điều này làm cho việc thu thập và gửi dữ liệu có thể xảy ra mà không cần xác định cụ thể danh tính người dùng.
Đối với một số người, quan niệm của họ không quá khắt khe và họ sẵn sàng chia sẻ dữ liệu sử dụng và thông tin cá nhân nếu điều này có thể giúp cải thiện kinh nghiệm với vị trí là một người dùng hay giúp cải thiện các dịch vụ của các nhà cung cấp với điều kiện hỏi trước ý kiến của họ.
Việc thu thập dữ liệu một cách bí mật, im lặng mà không có sự cho phép khiến người dùng cảm thấy không được tôn trọng và bất an khi dữ liệu của họ có thể bị sử dụng vào mục đích không tốt. Do đó, bất kỳ thương hiệu nào dù cao cấp hay giá rẻ khi muốn thu thập dữ liệu đều cần có sự cho phép của người dùng và phải luôn rõ ràng, minh bạch với mục đích sử dụng chúng.