|
Điện Kremlin đưa ra phản ứng sau cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin. Ảnh: Sputnik. |
Nga nghiêm túc xem xét mọi tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng vẫn giữ mục tiêu then chốt trong cuộc xung đột tại Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết. Bình luận này được đưa ra sau khi ông Trump tỏ ra “không hài lòng” vì chưa đạt được tiến triển trong việc thúc đẩy hòa bình.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Trump đã điện đàm trong hôm 3/7 trong một cuộc gọi kéo dài hơn một giờ. Nội dung bao gồm cuộc xung đột ở Ukraine, tình hình Iran, căng thẳng rộng hơn ở Trung Đông và hợp tác song phương Nga–Mỹ, theo cố vấn cấp cao của Kremlin, ông Yury Ushakov.
Sau đó, ông Trump hôm 4/7 than phiền rằng ông "không đạt được tiến triển nào" trong việc thuyết phục ông Putin chấm dứt chiến sự, trong khi phía Kremlin cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận khả năng tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp mới giữa Moscow và Kiev.
Bình luận về phát biểu của ông Trump, ông Peskov nói với báo giới vào hôm 4/7: “Không nghi ngờ gì, chúng tôi rất chú ý đến mọi tuyên bố của Tổng thống Trump”, ông nói thêm rằng Moscow “quan tâm đến việc đạt được các mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt, và nếu có thể, bằng con đường chính trị và ngoại giao”.
“Tuy nhiên, vì điều đó hiện không khả thi, chúng tôi tiếp tục chiến dịch”, ông Peskov nhấn mạnh.
Theo ông Ushakov, Tổng thống Putin nói với ông Trump rằng Nga sẵn sàng đàm phán, nhưng sẽ không từ bỏ việc loại bỏ “những nguyên nhân gốc rễ vốn đã dẫn đến tình hình hiện tại”. Hai bên cũng khẳng định sự quan tâm chung đến một số dự án đầy tiềm năng trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là năng lượng và thám hiểm không gian.
Bất chấp sự thất vọng của ông Trump về vấn đề Ukraine, ông Ushakov mô tả cuộc điện đàm là “thẳng thắn, thực chất và mang tính xây dựng”.
Tổng thống Mỹ đã tự định vị mình là người trung gian chủ chốt trong cuộc xung đột Ukraine. Ông đã có ít nhất sáu cuộc điện đàm chính thức với Tổng thống Putin, tập trung không chỉ vào chiến sự mà còn vào việc khôi phục quan hệ Nga–Mỹ – vốn đã rơi xuống mức thấp chưa từng thấy dưới thời chính quyền tiền nhiệm.
Trong những tháng gần đây, Nga và Ukraine cũng đã tiến hành hai vòng đàm phán. Dù chưa đạt đột phá, một loạt cuộc trao đổi tù nhân đã diễn ra. Moscow tiếp tục khẳng định yêu cầu Ukraine công nhận hiện trạng lãnh thổ mới trên thực địa, đồng ý giữ vị thế trung lập, phi quân sự hóa và "phi phát xít hóa" – các điều kiện mà Kiev vẫn bác bỏ.