Ngày 28/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN (Thông tư 06), có hiệu lực từ ngày 1/9, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (Thông tư 39) quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Thông tư 06 được ban hành nhằm áp thêm các tiêu chuẩn về an toàn vốn, nhưng có những quy định được cho là gây khó cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. Như VietTimes từng đề cập, NHNN đã ‘phanh’ việc thi hành khoản 8, 9 và 10, Điều 8 của Thông tư 39 – được bổ sung theo khoản 2, Điều 1 của Thông tư 06.
Ít được chú ý hơn, khoản 7, Điều 8 của thông tư sửa đổi này cũng được cho là sẽ gây ảnh hưởng tới nhóm công ty chứng khoán (CTCK). Theo một số chuyên gia, Thông tư 06 sẽ hạn chế các CTCK tiếp cận vốn vay, từ đó ảnh hưởng đến nguồn vốn vay margin, và gián tiếp gây khó khăn với thị trường chứng khoán.
Cụ thể, theo khoản 7, Điều 8 sửa đổi Thông tư 06, tổ chức tín dụng (TCTD) không được cho vay đối với nhu cầu vốn ‘để gửi tiền’.
Tại bản thuyết trình Dự thảo sửa đổi Thông tư 39 (được đưa ra vào tháng 6/2022), NHNN lý giải việc bổ sung quy định này trong Thông tư 06 vì “thực tiễn thời gian qua, một số TCTD đã thực hiện cho vay để chứng minh năng lực tài chính của khách hàng vay khi tham gia giao dịch dân sự với bên thứ ba, như chứng minh tài chính để đi du học, bảo lãnh, góp vốn thành lập doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, quy định tại khoản 7, Điều 8 nêu trên lại đang gây ra các cách hiểu khác nhau, có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp lớn, uy tín, trong đó có cả nhóm CTCK.
Thực tế, các CTCK hầu hết là những doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh. Việc các CTCK tham gia đầu tư/kinh doanh giấy tờ có giá do các TCTD phát hành nhằm tối ưu hóa nguồn vốn trong hoạt động kinh doanh. Do đó, đây không phải là hoạt động vay vốn nhằm ‘chứng minh năng lực tài chính của khách hàng vay khi tham gia giao dịch dân sự với bên thứ ba’.
Căn cứ vào quy định của pháp luật và thực tiễn kinh doanh, việc TCTD giải ngân cho nhu cầu vốn mua giấy tờ có giá thuộc sở hữu của bên thứ ba (mua trên thị trường thứ cấp) không thuộc trường hợp bị hạn chế như quy định tại khoản 7, Điều 8 sửa đổi Thông tư 06.
Cụ thể, Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn liên quan không có định nghĩa về “gửi tiền”.
Tuy nhiên, khoản 13, Điều 4, Luật các Tổ chức tín dụng quy định: “Nhận tiền gửi là hoạt động nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận”.
Theo đó, giao dịch được coi là “gửi tiền” tại TCTD thuộc phạm vi cấm của Khoản 7, Điều 8 sửa đổi Thông tư 06, khi tiền vay được sử dụng để chuyển trực tiếp cho TCTD nhằm xác lập giao dịch gửi tiền, gửi tiết kiệm, mua giấy tờ có giá do TCTD phát hành sơ cấp.
Việc bên vay mua giấy tờ có giá do TCTD phát hành thuộc sở hữu của bên thứ 3 (mua trên thị trường thứ cấp) không làm phát sinh giao dịch “nhận tiền gửi” hay “gửi tiền” trực tiếp giữa Bên mua/Bên vay với TCTD đã phát hành giấy tờ có giá đó.
Đồng nghĩa, không thể đánh đồng các giao dịch vay vốn phục vụ hoạt động đầu tư/kinh doanh giấy tờ có giá chính đáng của các doanh nghiệp lớn, uy tín với các trường hợp vay vốn để chứng minh năng lực tài chính của khách hàng vay khi tham gia giao dịch dân sự với bên thứ ba, như chứng minh tài chính để đi du học, bảo lãnh, góp vốn thành lập doanh nghiệp là không phù hợp với thực tiễn kinh doanh.
Đây chính điểm nghẽn mà giới phân tích cho rằng cần được tháo gỡ, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn tới việc kinh doanh nguồn vốn, sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả, của các doanh nghiệp lớn, xa hơn là sự hoạt động hiệu quả của các CTCK nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung./.