Điểm mặt doanh nghiệp không “cầu cạnh” vốn ngân hàng

Thống kê hơn 600 doanh nghiệp niêm yết trên 2 sàn, tính đến cuối 2014 có 96 doanh nghiệp không có khoản vay nợ ngân hàng nào. 
Điểm mặt doanh nghiệp không “cầu cạnh” vốn ngân hàng

Việc vay nợ ngân hàng để huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh là việc đương nhiên đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên có rất nhiều công ty vẫn duy trì tốt việc làm ăn trong khi không hề có khoản vay nợ ngân hàng nào. 

Theo một khảo sát của Tổng cục Thống kê năm 2014, có tới 50,5% doanh nghiệp không muốn vay vốn từ ngân hàng do không có nhu cầu, không đủ tài sản thế chấp hoặc doanh nghiệp có thể vay từ nguồn vốn khác…

Thống kê hơn 600 doanh nghiệp niêm yết trên 2 sàn, tính đến cuối năm 2014 có 96 doanh nghiệp không có khoản vay nợ ngân hàng nào. 

CTCP Phân phối Khí thấp áp dầu khí Việt Nam (PGD) là doanh nghiệp có tổng vốn trên 3.459 tỷ đồng nhưng lại không có một khoản vay ngân hàng nào kể cả ngắn hạn và dài hạn. 

PGD đã huy động vốn thông qua con đường khác. Báo cáo tài chính kiểm toán của PGD cho biết đến thời điểm 31/12/2014, nợ phải trả của PGD là 2.297 tỷ đồng, trong đó khoản mục chiếm giữ nhiều nhất là Phải trả người bán với số tiền 2.105 tỷ đồng, tăng thêm hơn 582 tỷ đồng trong năm, chủ yếu là phải trả cho Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) với số tiền 2.096 tỷ đồng. Hiện PGD đang là công ty liên kết của PV GAS. Tỷ lệ sở hữu của GAS tại doanh nghiệp này là hơn 50,5%. 

Khoản mục này cũng đang chiếm con số lớn nhất trong Nợ phải trả của CTCP Kỹ thuật điện lực dầu khí Việt Nam (PPS). Tiền phải trả người bán đến hết 2014 của PPS là 3.004 tỷ đồng, gần gấp đôi con số đầu năm.

Hoạt động chính của PPS là sửa chữa, cung cấp dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng các nhà máy điện. hoạt động này đem lại khoảng 99% doanh thu cho công ty. Hiện PPS đang là đơn vị cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, bảo trì duy nhất cho các nhà máy điên của PVN và Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power). PPS là công ty liên kết của PV Power (51%).

Hai doanh nghiệp bất động sản có nguồn vốn lớn nhưng khoản mục vay nợ ngân hàng ở mức 0 đồng chính là Lideco (NTL) và CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam (PVR). 

Tuy không vay vốn từ ngân hàng song tiền huy động được của các doanh nghiệp này chủ yếu đến từ việc khách hàng trả tiền trước cho sản phẩm bất động sản. 

Đối với NTL, chỉ tiêu Người mua trả tiền trước chiếm 251,3 tỷ đồng, tương ứng 50% nợ phải trả (505,2 tỷ đồng).

Đối với PVR, công ty có khoản nợ phải trả là 530,4 tỷ đồng, trong đó không có khoản vay vốn ngân hàng  nhưng các khoản phải trả, phải nộp ngắn hạn khác chiếm khoảng 419,4 tỷ đồng, bao gồm 229 tỷ đồng nhận tiền góp vốn vào dự án Văn Phú. Con số này chính là khoản tiền công ty nhận của các nhà đầu tư theo hợp đồng góp vốn và thỏa thuận đặt cọc. Ngoài ra công ty còn phải trả Ocean Group khoảng 40 tỷ đồng và  trả CTCP Đầu tư phát triển Bình An hơn 105 tỷ đồng. 

Theo Bizlive