Điểm mặt dàn xe tăng hiện đại của Nga

Các binh đoàn xe tăng hiện là thành phần quan trọng của Lục quân Nga, dùng để tác chiến độc lập hoặc hiệp đồng với các đơn vị bộ binh cơ giới và pháo binh. Năm 2011, Bộ trưởng Quốc phòng Nga hồi đó cho hay, quân đội Nga có trong biên chế và dự bị hơn 10.000 xe tăng.
Siêu tăng Armata của Nga
Siêu tăng Armata của Nga

Lục quân Nga hiện được trang bị các loại xe tăng Т-72, Т-80, Т-90 và các biến thể của chúng. Đến cuối năm 2015, quân đội Nga sẽ nhận khoảng 150 xe tăng hiện đại hóa T-72B3, năm 2016, dự định bắt đầu tiếp nhận hàng loạt xe tăng thế hệ mới Т-14 dùng khung gầm xích hạng nặng chuẩn hóa Armata. Theo chương trình vũ khí nhà nước, vào năm 2020, tỷ trọng binh khí tăng-giáp hiện đại trong bộ đội xe tăng Nga sẽ là không dưới  70%.

T-72B3

Họ xe tăng chủ lực Т-72 của Nga. Nhà sản xuất NPK Uralvagonzavod. Biến thể T72B3 được phát triển với tư cách phương án rẻ tiền thay cho Т-90А cho đến khi quân đội Nga nhận được xe tăng thế hệ mới.

Là phương án nâng cấp khá đơn giản của xe tăng Т-72B với một số tham số được nâng lên trình độ Т-90А.
 

T-72B3: Kíp xe 3 người, trọng lượng chiến đấu 44,5 tấn, tốc độ tối đa trên đường nhựa 50 km/h và 45 km/h trên địa hình chia cắt
T-72B3: Kíp xe 3 người, trọng lượng chiến đấu 44,5 tấn, tốc độ tối đa trên đường nhựa 50 km/h và 45 km/h trên địa hình chia cắt


Trong quá trình đại tu và hiện đại hóa, xe tăng sản xuất loạt Т-72B khi được nâng cấp lên T-72B3 được trang bị nhiều thiết bị mới. Trước hết, cần nhắc đến máy ngắm đa kênh của pháo thủ Sosna-U. Khí tài này cho phép pháp thủ sục sạo tìm mục tiêu bằng các kênh quang học và ảnh nhiệt. Ngoài ra, Sosna-U còn được trang bị máy đo xa laser và hệ thống điều khiển tên lửa chống tăng.

Liên quan đến máy ngắm của pháo thủ 1А40-1 từng được dùng trên mẫu cơ sở Т-72B thì ở T-72B3, nó vẫn được giữ nguyên, nhưng nay đóng vai trò phương tiện dẫn pháo bổ trợ. Vị trí công tác của trưởng xe được trang bị khí tài TKN-3MK với hệ thống Dubl. Nhờ sử dụng các khí tài này, trưởng xe cũng có khả năng dẫn pháo và tác xạ.

Các phẩm chất vận hành của T-72B3 vẫn ở mức T-72B. Trong quá trình sửa chữa và cải tạo, T-72B3 vẫn giữ động cơ diesel V-84-1 công suất 840 mã lực. Trong khi đó, bộ phận vận hành và xích xe có những thay đổi nhỏ. Xích xe nay có khớp song song cho phép cải thiện tính năng khai thác và tăng tuổi thọ. Trên thân xe T-72B3 vẫn dùng giáp phản ứng nổ lắp liền Kontakt-5.
Hệ thống vũ khí của T-72B3 có rất ít thay đổi. Pháo 2А46-5 có máy nạp đạn tự động cải tiến để sử dụng các loại đạn mới. Pháo nòng trơn 125 mm vẫn giữ nguyên. Ụ súng máy phòng không cũng không có thay đổi gì, vẫn là ụ súng máy hở NSV 12,7 mm.

Nga còn có biến thể T-72B3 cải tiến để thi đấu xe tăng. Biến thể này khác với T-72B3 cơ sở ở chỗ có khí tài ảnh nhiệt toàn cảnh của trưởng xe, động cơ công suất 1.130 mã lực, bộ tự động chuyển số và hệ thống điều khiển chuyển động với thiết bị thông báo bằng giọng nói các chế độ làm việc tới hạn của các bộ phận. Sắp tới, dự kiến bắt đầu hiện đại hóa các xe tăng cũ lên cấp độ T-72B3M.

T-80U

Họ xe tăng chủ lực Т-80 là xe tăng đầu tiên trên thế giới sử dụng động cơ turbine khí. Nhà sản xuất là Công ty “Nhà máy chế tạo máy vận tải Omsk (OZTM).

T-80U được nhận vào trang bị vào năm 1985 và là sự phát triển tiếp theo của T-80BV. Những cải tiến liên quan đến tất cả các đặc tính chiến đấu và khai thác chính.

Trước hết, khả năng sống cong của xe tăng được nâng cao đáng kể nhờ thay đổi kết cấu các bộ phận vỏ giáp, bổ sung giáp phản ứng nổ lắp liền, tăng đôi chút trọng lượng vật liệu dùng làm vỏ giáp.
 

T-80U: Kíp xe 3 người, trọng lượng chiến đấu 46 tấn, tốc độ tối đa trên đường nhựa 70 km/h và 48 km/h trên địa hình chia cắt
T-80U: Kíp xe 3 người, trọng lượng chiến đấu 46 tấn, tốc độ tối đa trên đường nhựa 70 km/h và 48 km/h trên địa hình chia cắt

Khả năng tác xạ tầm xa và tầm gần được cải thiện, nhờ sử dụng hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển mới 9K119 Refleks dẫn bằng tia laser, cho phép phóng tên lửa ở bất kỳ tốc độ nào của xe tăng. T-80U được lắp hệ thống điều khiển hỏa lực 1А45 Irtysh.

Các thông số cơ động tăng lên nhờ sử dụng động cơ turbine khí mạnh hơn, công suất 1.250 mã lực, hoàn thiện bộ truyền động và các bộ dẫn động điều khiển chuyển động.

Trong khoang chiến đấu, khác với xe tăng T-80BV, có bố trí thêm 7 phát bắn. Sự bố trí các thiết bị có sự thay đổi chút ít do bổ sung chế độ điều khiển bắn song trùng. Từ năm 1992, xe được lắp khí tài ảnh nhiệt.

T-80U được trang bị pháo nòng trơn 125 mm với súng máy đồng trục PKT 7,62 mm, ụ súng máy phòng không Utes 12,7 mm, cũng như hệ thống phòng vệ chống vũ khí có điều khiển và hệ thống phóng lựu khói Tucha. Pháo có thể dùng để bắn các loại đạn pháo thường, cũng như tên lửa có điểm khiển với tầm đến 5 km. Hệ thống vũ khí còn bao gồm một máy ngắm-máy đo xa, máy ngắm đêm và cơ cấu nạp đạn.

T-80 còn có trong trang bị của các nước như Azerbaijan, Ai Cập, Hàn Quốc, Síp và Ukraine.

Т-90 Vladimir

Xe tăng chủ lực của Nga. Nhà sản xuất là Uralvagonzavod. Được sản xuất vào cuối những năm 1980-đầu những năm 1990 và là biến thể hiện đại hóa sâu của T-72B. Ban đầu, có tên “T-72B cải tiến” và được đổi tên thành T-90 vào năm 1992. Khi công trình sư trưởng T-90 Vladimir Ivanovich Potkin qua đời, xe tăng này được đặt tên ông là Vladimir.

Những khác biệt chính của Т-90 so với T-72B là bổ sung hệ thống chế áp quang-điện tử TShU-1 Shtora, hệ thống điều khiển hỏa lực 1А45 Irtysh, bộ phận kích nổ từ xa đạn pháo phá-mảnh với ngòi đặc biệt ở điểm đã định của quỹ đạo bay, ụ súng máy phòng không điều khiển từ xa, các lá chắn sườn xe với giáp phản ứng nổ lắp liền.
 

Т-90 Vladimir: Kíp xe 3 người, trọng lượng chiến đấu 46,5 tấn, tốc độ tối đa 70 km/h
Т-90 Vladimir: Kíp xe 3 người, trọng lượng chiến đấu 46,5 tấn, tốc độ tối đa 70 km/h

Shtora cho phép tăng cường khả năng phòng vệ xe tăng bằng cách gây nhiễu ở dải quang học đối với các kênh điều khiển tên lửa chống tăng có điều khiển có kênh liên lạc quang học trở về hoặc dẫn bằng laser. Trên tháp Т-90 lắp 12 ống phóng lựu để tạo màn xon khí.

Irtysh cho phép pháo thủ và trưởng xe ngắm bắn pháo ban ngày và ban đêm ở tư thế dừng hay trong hành tiến.

Cơ số đạn dành cho pháo nòng trơn 125 mm của Т-90 được bổ sung đạn phá-mảnh có ngòi nổ điện tử từ xa.

Giáp phản ứng nổ của xe tăng T-90 Vladimir gồm 8 ngăn trên bề mặt tấm giáp đầu xe, 7 khối và 1 hộp trên mặt trước tháp xe, cũng như 20 hộp trên nóc tháp. Dọc hai bên sườn xe lắp mỗi bên 3 tấm chắn tháo lắp với giáp phản ứng nổ lắp liền.

Xe tăng được lắp động cơ diesel 1.000 mã lực.

Trong những năm 2001-2010, Т-90 là xe tăng chủ lực mới bán chạy nhất thế giới. Năm 2010, giá mua Т-90 theo các hợp đồng với quân đội Nga là 70 triệu rúp. Năm 2011, giá đắt lên 48 triệu. Từ năm 2011, quân đội Nga ngừng mua tăng Vladimir.

Khách hàng nước ngoài lớn nhất của biến thể T-90 xuất khẩu là Ấn Độ. Tính đến năm 2014, Lục quân Ấn Độ có hơn 800 xe tăng Т-90S. Xe tăng này cũng được bán sang Algeria, Azerbaijan, Turkmenistan và Uganda.

Т-14 Armata

Xe tăng chủ lực của Nga dùng khung gầm xích hạng nặng Armata. Nhà sản xuất là Uralvagonzavod.

T-14 sẽ là nòng cốt của hệ thống vũ khí trang bị tương lai của Lục quân Nga và là xe tăng thế hệ mới.
T-14 áp dụng thiết kế có tính cách mạng với tháp xe không có người ngồi, kíp xe ngồi trong cáp-xun bảo vệ đặc biệt trong thân xe với giáp phía trước được gia cường, cho phép nâng cao mạnh mẽ khả năng sống còn của kíp xe.

Tháp xe tự động hóa có thể tiếp tục bắn kể cả khi kíp xe bị loại khỏi vòng chiến. Các thùng nhiên liệu bổ sung lần đầu tiên được đặt chìm xuống dưới vỏ giáp, giúp nâng cao hơn nữa độ an toàn của xe.

T-14 Armata được lắp động cơ diesel 1.500 mã lực, bộ phận vận hành lần đầu tiên sử dụng kết cấu 7 bánh đỡ (trước đó sử dụng 6 bánh đỡ). Т-14 được trang bị hệ thống thông tin-điều khiển dùng để kiểm soát tất cả các bộ phận và tổng thành của xe tăng. Việc điều khiển bộ phận vận hành và động cơ được robot hóa một phần, nhờ đó, khi chạy, xe tăng tự động điều chỉnh cho phù hợp với tính chất của địa hình.

Т-14 là xe tăng hiện đại đầu tiên được lắp radar anten mạng pha chủ động, có thể dùng làm radar trinh sát pháo binh, tức là có thể định vị các xe tăng và pháo binh địch theo quỹ đạo của đạn pháo. Hệ thống có thể hoạt động trong điều kiện không thể quan sát do các màn xon khí đa phổ, khi mà các máy ngắm quang trở nên vô dụng.

Xe tăng còn được trang bị hệ thống điều khiển tự động hóa cấp chiến thuật, cho phép tiến hành điều khiển bắn hoàn toàn từ xa, kể cả chế độ bắt và bám mục tiêu. Thông tin từ các sensor truyền hình, laser và ảnh nhiệt của xe tăng được đưa lên các màn hình, cho phép kíp xa có khả năng bao quát 360 độ.

Do đó, Т-14 không đơn thuần là một xe tăng, mà là một phương tiện đột kích vạn năng, bao gồm trong mình đồng thời hệ thống tên lửa chiến thuật, hệ thống phòng không, hệ thống trinh sát và chỉ thị mục tiêu và cuối cùng là bản thân xe tăng chủ lực.

Т-14 Armata
Т-14 Armata

Theo VND