Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại đã có ít nhất 02 nhà mạng di động lớn lên tiếng công bố những ảnh hưởng kinh tế khi ZTE bị Mỹ cấm nhập khẩu linh kiện, công nghệ từ các công ty công nghệ Mỹ như Qualcomm, Intel. Ngoài ra, một số nhà mạng báo cáo bị xáo trộn các hoạt động sản xuất kinh doanh khi phải thay đổi nhà cung cấp thiết bị thay thế cho ZTE.
Mặc dù lệnh cấm đã được dỡ bỏ hồi tuần trước nhưng chỉ sau 03 tháng thi hành, lệnh cấm này cũng đã khiến các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên thế giới có một phen “khốn đốn” và buộc phải xem xét mở rộng mạng lưới cung cấp thiết bị của họ. Và nhà mạng Veon và Wind Tre Telefonica là hai trong số đó.
Là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn thứ sáu trên thế giới tính theo số lượng thuê bao, hiện đang có các hoạt động kinh doanh tại 3 châu (châu Á, châu Phi và châu Âu) nhưng Veon (tên gọi trước đây là VimpelCom Ltd) lại được cho là một ví dụ minh họa rõ ràng nhất về những ảnh hưởng mà các nhà mạng di động phải hứng chịu do lệnh cấm kéo dài ba tháng mà Washington đã áp lên ZTE.
Theo đó, ngay sau khi lệnh cấm được công bố, Veon đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề khi liên doanh của họ ở Italy và Ukraine đã phải lùi thời gian khai trương các dịch vụ mới, chi nhánh ở Bangladesh suýt nữa phải đóng mạng, và những gián đoạn ở quy mô nhỏ hơn tại chi nhánh ở Pakistan.
Và sau những xáo trộn này, nhà mạng có trụ sở tại Amsterdam này đã buộc phải tìm thêm nguồn cung cấp mới cho tất cả các thiết bị, nhằm giảm sự phụ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất và tránh lặp lại tình trạng như giai đoạn lệnh cấm ZTE vẫn có hiệu lực.
Tính đến thời điểm hiện tại đã có ít nhất 02 nhà mạng di động lớn lên tiếng công bố những ảnh hưởng kinh tế khi ZTE bị Mỹ cấm nhập khẩu linh kiện, công nghệ từ các công ty công nghệ Mỹ như Qualcomm, Intel. Ngoài ra, một số nhà mạng báo cáo bị xáp trộn các hoạt động sản xuất kinh doanh khi phải thay đổi nhà cung cấp thiết bị thay thế cho ZTE.
Ngoài Veon, Wind Tre, nhà mạng di động của Ý cũng công bố những ảnh hưởng nặng nề khi vốn có hợp đồng nâng cấp thiết bị radio trị giá 1,17 tỷ USD với ZTE. Tuy nhiên, do lệnh cấm, ZTE buộc phải từ bỏ việc cung cấp hơn một nửa số thiết bị còn lại của hợp đồng, và điều này khiến Wind Tre phải chuyển sang dùng sản phẩm thay thế của Ericsson, một nhà cung cấp thiết bị mạng viễn thông của Thụy Điển.
Trước đó, việc đạt được hợp đồng cung cấp thiết bị cho Wind Tre được coi là cột mốc đánh dấu bước đột phá lớn nhất của ZTE tại thị trường châu Âu, vốn đã bị chi phối bởi các công ty trong khu vực như Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan.
Ngoài Veon, Wind Tre, nhà mạng Telefonica SA tại châu Âu cũng vừa lên tiếng phản ánh về những ảnh hưởng mà hãng phải gánh chịu khi đang tiến hành các thử nghiệm công nghệ 5G với ZTE tại Madrid, thành phố lớn nhất của Tây Ban Nha.
Còn tại Canada, cả 3 nhà mạng di động tại nước này (Bell Canada, Rogers và Telus) đều đã phải tiến hành những điều chỉnh cần thiết khi họ sử dụng thiết bị MF275R home hub của ZTE trên hạ tầng viễn thông tại nước này.
Mở đầu cho xu hướng lựa chọn nhiều nhà cung cấp thiết bị
Một số chuyên gia cho biết sau lệnh cấm của ZTE, các nhà khai thác dịch vụ viễn thông có thể bắt đầu sử dụng nhiều nhà cung cấp thiết bị khác nhau để tránh bị “mắc kẹt” với một nhà cung cấp bị xử phạt, nếu không sẽ phải đối mặt với rủi ro do quá trình mở rộng hoạt động kinh doanh bị gián đoạn.
Theo nhà tư vấn chiến lược mua sắm thiết bị viễn thông Bengt Nordstrom tại Thụy Điển, sau vụ việc của ZTE, nhiều chiến lược về nguồn cung thiết bị sẽ được xem xét lại. Đây là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho toàn bộ ngành công nghiệp viễn thông rằng nếu các công ty chỉ có duy nhất một nhà cung cấp cho toàn bộ chuỗi cung ứng thiết bị mạng của mình, họ đang tự khiến bản thân dễ bị tổn thương hơn trước những biến động khó lường của thị trường.
Để tránh bị lệ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất thì những sự thay đổi này là vô cùng cần thiết. Bởi lẽ, mặc dù đã được nối lại các hoạt động kinh doanh với các nhà cung cấp Mỹ nhưng Bộ Thương mại Mỹ cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục giám sát hoạt động của ZTE nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Triều Tiên. Ngoài ra, ZTE chỉ được phép tạm thời hoạt động trở lại trong khoảng thời gian từ ngày 2/7/2018 đến hết ngày 1/8/2018. Sau thời gian này, chính quyền Mỹ sẽ đưa ra các quyết định tiếp theo về tương lai của ZTE.
Theo XHTT