Apple
Trị giá vốn hóa hiện tại: 800 tỷ USD.
Lĩnh vực thao túng: Smartphone, Tablet, Smartwatch, Đầu phát TV.
Bất kể bạn có suy nghĩ ra sao về Apple, sự thật là công ty của Tim Cook hiện vẫn đang là công ty đứng số 1 trên thế giới về trị giá vốn hóa. Nhưng đó không phải là tất cả: tất cả mọi người vẫn đang theo dõi từng bước đi của Táo, ngay cả trên những thị trường tẻ nhạt như tablet và PC. Các sản phẩm của Apple vẫn đang đóng vai trò "tạo nhịp" cho thế giới, từ trợ lý ảo cho đến vi xử lý 64-bit, từ thiết kế smartwatch "chuẩn" cho tới những chiếc tai nghe định nghĩa lại vai trò của... tai nghe.
Trong khi Apple đã trải qua 7 năm nhưng vẫn chưa thể thực sự tạo ra một cuộc cách mạng mới, quyền lực của Apple vẫn là không thể phủ nhận. Hãy nhớ rằng smartphone vẫn là trung tâm của thế giới công nghệ, và Apple chính là thương hiệu đang chiếm hơn 80% lợi nhuận của thị trường smartphone toàn cầu.
Trị giá vốn hóa hiện tại: 670 tỷ USD.
Lĩnh vực thao túng: Tìm kiếm, Web mail, Bản đồ trực tuyến, Dịch vụ video.
Nếu như Apple áp đảo các phân khúc phần cứng cao cấp thì Google lại đang sở hữu hệ điều hành phổ biến nhất thế giới. Công ty của Larry Page và Sergey Brin sáng lập hiện cũng đang đè bẹp tất cả các đối thủ trên các lĩnh vực tìm kiếm, web mail và bản đồ. Trong khi YouTube đang chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ, dịch vụ video của Google vẫn đứng đầu thế giới về lượng người dùng. Trên tất cả các lĩnh vực đưa thế giới công nghệ tiến về phía trước như AI, Big Data, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, Google đều có phần quan trọng.
Xét về doanh thu quảng cáo trực tuyến, không một hãng nào có thể đọ lại được với Google. Và đó là một quyền lực cực kỳ lớn của thời đại Internet.
Trị giá vốn hóa hiện tại: 430 tỷ USD.
Lĩnh vực thao túng: Mạng xã hội, Nhắn tin.
Doanh thu và lợi nhuận của Facebook mới chỉ bằng một phần nhỏ của Apple và Google, nhưng nếu nói về tương lai thì có lẽ Facebook là kẻ "chắc số nhất". Nắm trong tay hơn 1,5 tỷ người dùng, Facebook có khả năng nắm biết bạn vừa đi đâu, là bạn thân với ai, thích đồ uống gì... Tất cả những gì Mark Zuckerberg cần làm là nghĩ ra các biện pháp kiếm tiền mới từ kho thông tin cực kỳ hữu ích này, bất kể là qua trợ lý ảo đang phát triển hay qua chính các sản phẩm độc chiếm thị trường social.
Quan trọng hơn, với các thương vụ Instagram và WhatsApp, Facebook đang hứa hẹn trở thành thế lực độc quyền vĩnh viễn của thị trường social. Đó sẽ là một lợi thế khủng khiếp trước tất cả các gã khổng lồ khác: hãy nhớ rằng một phần lý do Windows Phone chết tức tưởi là vì Facebook không chịu hỗ trợ nền tảng này. Điều gì sẽ xảy ra nếu như một mai Facebook quyết định ghẻ lạnh iOS hoặc Android?
Amazon
Trị giá vốn hóa hiện tại: 470 tỷ USD.
Lĩnh vực thao túng: Thương mại điện tử, Trợ lý ảo, Smarthome, Điện toán đám mây
Tuổi đời của Amazon không quá thua kém Google, nhưng trong suốt hàng chục năm qua gã khổng lồ e-commerce này đã luôn luôn rơi vào tình trạng lên xuống thất thường. Đó cũng không phải là một điều bất ngờ: thương mại điện tử là lĩnh vực có tỷ lệ sinh lãi không cao và cũng thường xuyên phải chịu sự cạnh tranh cực kỳ gay gắt.
Nhưng Amazon không chỉ là một gã bán hàng online: vào tháng 2 vừa qua, khi dịch vụ AWS tại Bắc Mỹ gặp sự cố, hàng nghìn dịch vụ web trên thế giới rơi vào tình trạng tê liệt. Dẫu cho sự cố này sẽ khiến Amazon phải chịu thiệt hại không hề nhỏ, rõ ràng là cả thế giới đang sống nhờ vào đám mây của Jeff Bezos.
Chưa dừng lại ở đây, Amazon còn khởi động một cuộc chiến mà cả Apple lẫn Google đều không thể nghĩ tới: trợ lý ảo đặt "tĩnh". Khi các ông lớn còn mải mê với smartphone, chiếc loa Echo có giá rất dễ chịu đã giúp cho Amazon Echo trở thành bộ mặt mới của ngôi nhà thông minh.
Microsoft
Trị giá vốn hóa hiện tại: 530 tỷ USD.
Lĩnh vực thao túng: PC, Doanh nghiệp, Điện toán đám mây, AI
PC không còn là trung tâm của thế giới công nghệ, nhưng thế giới vẫn cần phải có PC. Nói cách khác, thế giới của chúng ta vẫn còn phụ thuộc vào Windows và Office. Trong kịch bản giả tưởng rằng Microsoft bỗng dưng ngừng hoạt động vào ngày mai, chắc chắn nền kinh tế thế giới sẽ sụp đổ khi hacker tấn công vào hàng trăm triệu máy vi tính hay hàng nghìn hệ thống doanh nghiệp đang sử dụng các giải pháp của gã khổng lồ phần mềm.
Nhìn về tương lai, Microsoft cũng đang là công ty duy nhất có thể coi là đối thủ của Amazon trên đám mây. Trong sự kiện Build 2015, hãng này cũng khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi mở ra các API cho trí thông minh nhân tạo chất lượng bậc nhất thế giới cũng như công nghệ chatbot không phân biệt nền tàng.
Bạn nghĩ bất kỳ gã khổng lồ nào nếu đã ngã thì đều sẽ ngã sấp mặt như Nokia, Sony hay BlackBerry? Microsoft là minh chứng rằng bạn đã nghĩ sai rồi.
Nvidia
Trị giá vốn hóa hiện tại: 80 tỷ USD.
Lĩnh vực thao túng: GPU, vi xử lý AI.
NVIDIA đã (và đang) là thế lực thống trị thế giới đồ họa trên máy tính nhưng lại thua cuộc toàn tập trước Qualcomm, MediaTek và Samsung trong cuộc chiến di động. Thật may mắn, ngay trong lúc các con chip Tegra vẫn chưa thể tìm thấy chỗ đứng, NVIDIA đã nhìn ra một công dụng quan trọng của card màn hình: mô hình xử lý hàng trăm nhân của GPU rất thích hợp để sử dụng cho các mạng neural network, tạo ra những bộ máy AI có khả năng tự học "sâu" vượt trội so với CPU thông thường.
Kết quả là từ 2012 cho đến nay, các con chip của NVIDIA luôn có mặt trên tất cả các hệ thống đáng chú ý của thế giới AI. Từ xe tự lái của Tesla cho đến siêu máy tính "Google Brain", từ các dịch vụ thông minh trên đám mây Azure của Microsoft cho đến xe đẩy hàng thông minh của một startup nhỏ có tên Focal Systems, tất cả đều có vi xử lý của NVIDIA đứng sau. Nói cách khác, dù trị giá vốn hóa và doanh thu còn lâu mới có thể ngang ngửa với các đối thủ trong danh sách này, gã khổng lồ GPU chính là "não bộ" theo đúng nghĩa đen của cuộc cách mạng đang hứa hẹn sẽ đẩy con người vào một kỷ nguyên vô cùng tiềm năng, vô cùng đáng sợ: AI.