Nhận định trên được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết trong lễ khai mạc “Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2017 – Techfest 2017” do Bộ Khoa học Công nghệ chủ trì tổ chức hôm qua (14/11).
Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2017 – Techfest 2017 với chủ đề “Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST)” nằm trong Đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (gọi tắt là Đề án 844) do Chính phủ khởi xướng.
Một năm thành công
Trong năm 2016 – 2017, hoạt động của các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam diễn ra rất sôi động. Chỉ tính riêng 5 thương vụ kêu gọi vốn thành công nhất đã có tổng giá trị đến 50 triệu USD (Momo- 28 triệu USD, F88 – 10 triệu USD, Got it! – hơn 9 triệu USD, Vntrip.vn – 3 triệu USD, Toong – 1 triệu USD). Mới nhất là doanh nghiệp Foody – mạng xã hội về ẩm thực – đã được SEA mua lại hơn 82% cổ phần với giá hơn 64 triệu USD, được coi là khoản đầu tư lớn nhất trong năm 2017 tính đến thời điểm hiện tại. Những dòng tiền lớn đã và đang chảy vào startup Việt.
Hơn 900 dự án khởi nghiệp được ươm tạo với 300 sản phẩm khởi nghiệp đã được kết nối đến với cộng đồng và các quỹ đầu tư. Hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đã có hoạt động tại Việt Nam, có 24 cơ sở ươm tạo (BI), 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh (BA) và nhiều mang lưới hỗ trợ khởi nghiệp được hình thành như “Mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”, chương trình “Sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Việt Nam”.
Hiện tại, có 600.000 doanh nghiệp trên cả nước, trong đó khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Với sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, chúng ta có thể hi vọng đạt mục tiêu theo Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 1 triệu doanh nghiệp, trong đó 0.5% là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đây sẽ là lực lượng doanh nghiệp tiên phong, có khả năng tăng trưởng cao để đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tinh thần khởi nghiệp đang lên cao
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định: Với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao làm đầu mối triển khai đề án 844, trong một năm qua Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội cũng như các hiệp hội trên cả nước để cùng thúc đẩy sự phát triển của phong trào khởi nghiệp ĐMST.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng chia sẻ, sự kiện Diễn đàn khởi nghiệp APEC được tổ chức vào tháng 9/2017 tại TP. HCM với sự tham gia của của gần 30 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, hơn 30 nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm…Tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 017 cũng đã dành một phiên chuyên đề về Khởi nghiệp và ĐMST.
"Việt Nam đã có các chương trình hợp tác với các quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển như Phần Lan, Israel, Hoa Kỳ, Singapore, qua đó giúp Việt Nam tích lũy được những kinh nghiệm quý giá từ các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp tiên tiến, tìm kiếm các cơ hội hợp tác hỗ trợ khởi nghiệp và ĐMST với các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới, cơ hội kết nối với các đối tác kinh doanh và các nhà đầu tư tiềm năng”, Bộ trưởng Chuc Ngọc Anh nói.
Trong năm 2017, hành lang pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng đã được hoàn thiện thêm một bước sau khi Quốc hội thông qua Luật Chuyển giao công nghệ 2017, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, có nhiều quy định mới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm lẫn các nhà đầu tư cá nhân đều có sự tăng trưởng cao, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết.
Nhiều tập đoàn, công ty lớn, ngân hàng lớn của Việt Nam đã tham gia thành lập các quỹ đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp. Các nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam đã bắt đầu kết nối, hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Về mặt nhân lực hỗ trợ khởi nghiệp, thời gian qua ghi nhận sự phát triển về số lượng và bắt đầu có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ hơn. Các chương trình truyền hình thúc đẩy văn hóa, tinh thần khởi nghiệp đang ngày càng trở nên phong phú và thu hút được nhiều đối tượng quan tâm như: Chuỗi chương trình “Quốc gia khởi nghiệp”, “Sáng tạo khởi nghiệp”, “Cafe khởi nghiệp” của VTV đã góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ Việt Nam.
Techfest - Ngày hội kết nối cộng đồng khởi nghiệp quốc gia năm nay với quy mô quốc tế dự kiến sẽ thu hút từ 4.000 đến 4.500 người đến tham dự, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, 130 nhà đầu tư và quỹ đầu tư quốc tế, 80 doanh nghiệp cùng các tập đoàn kinh tế lớn và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.
Đường dài vẫn còn nhiều thách thức
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nêu ra 10 vấn đề khó khăn hiện nay đối với các start up.
Cụ thể, thứ nhất là là vốn; thứ hai là cơ chế tài chính của nhà nước đối với doanh nghiệp; thứ ba là các thủ tục giấy tờ; bốn là các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ; năm là nhà nước phải có chính sách cho các nhà đầu tư khởi nghiệp.
Tiếp là không gian làm việc chung (các vườn ươm doanh nghiệp); tiếp nữa là các trường đại học không chỉ là không gian sáng tạo mà còn phải truyền tinh thần khởi nghiệp sáng tạo cho sinh viên; thứ chín là các doanh nghiệp lớn, nhất là các doanh nghiệp IT sẵn sàng đón nhận và quảng bá start-up. Cuối cùng và quan trọng nhất là chính sách thuế.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, 10 vấn đề này tuy không mới, đã được triển khai. Nhưng điểm lại, còn có một số vấn đề mới chỉ được đưa ra, chưa thực hiện sâu rộng, thậm chí là thụt lùi so với trước.
Do đó thời gian tới, chúng ta phải tiếp tục triển khai. “Làm sao ngày hội khởi nghiệp không chỉ là phong trào vụt lên mà phải thực hiện lâu dài” – Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cho rằng để phong trào khởi nghiệp thành công thì tất cả ngành, các địa phương phải vào cuộc, tập trung sự hỗ trợ, sự chỉ đạo và cả nguồn vốn khoa học để hỗ trợ cho start up.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cho biết, trong năm tới, giới Startup Việt sẽ được đón nhận một đề án mới, Đề án 677, nhằm tạo nên hệ tri thức Việt số hóa. Đề án này sẽ cùng đề án 844 (năm 2016), đề án 1665 (năm 2017) tạo thành nguồn tài nguyên cho tất cả cùng sáng tạo.
“Không nên ngần ngại, không sợ thất bại. Chúng ta chào đón tất cả các nhà đầu tư cả trong nước và quốc tế. Thật sáng tạo và thật tự tin, kể cả thất bại cũng đừng lo. Cuối cùng, ai muốn khởi nghiệp mà đòi hỗ trợ thì đừng khởi nghiệp, nhưng nếu có sự hỗ trợ của Chính phủ, của cộng đồng thì càng thành công hơn nữa” Phó Thủ tướng kêu gọi.
Trong khuôn khổ Lễ khai mạc, Bộ KH&CN cũng ra mắt Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại địa chỉ startup.gov.vn. Cổng thông tin là nơi cung cấp đầu đủ, chính xác và kịp thời các hoạt động khởi nghiệp ĐMST. Đây là cầu nối hữu ích để các bạn trẻ tìm kiếm cơ hội tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp, đồng thời chia sẻ các câu chuyện về các tấm gương khởi nghiệp trên khắp cả nước.