3/4 người dùng Internet ở Việt Nam không biết tự bảo vệ mình
Phát biểu tại tọa đàm “Chia sẻ Nghiên cứu sáng kiến về CNTT cơ bản và An toàn Internet tại Việt Nam” do Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin Truyền thông), Hiệp hội Internet Việt Nam và Trung tâm Công nghệ thông tin – Truyền thông Vietnet (Vietnet-ICT) tổ chức sáng 3/11, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn Thông tin (ATTT) cho biết mạng xã hội đang đe dọa đến an ninh mạng của Việt Nam và nhiều người dùng mạng xã hội không biết tự bảo vệ mình.
Ông Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Cá nhân tôi không dùng Facebook, Viber, Zalo, Youtube vì mấy thứ này rất đau đầu và mất thời gian. Tôi thường nói vui với bạn bè là dùng mấy thứ này suốt ngày cứ phải vào xem có ai chọc ngoáy, có ai chửi mình hay không, rất nhức đầu. Mỗi người comment một tí thành ra phiền toái”.
Theo người đại diện Cục ATTT, tỷ lệ người dùng Internet tại Việt Nam chiếm trên 53% dân số. Việt Nam hiện đang đứng vị trí thứ 16 trong số 20 quốc gia có số người sử dụng Internet nhiều nhất ở Châu Á và độ tuổi người sử dụng đa phần là người trẻ (hơn 50% dân số). Ngoài ra, Việt Nam cũng đứng ở vị trí thứ 7 trên thế giới trong về số lượng người sử dụng mạng xã hội Facebook với khoảng 64 triệu người dùng mỗi tháng.
Tuy nhiên, chỉ số về tình hình an ninh mạng của Việt Nam lại rất thấp. Theo báo cáo của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) về bảng xếp hạng Chỉ số An ninh mạng Toàn cầu (GCI), Việt Nam lại xếp xếp thứ 101 trong số 193 nước thành viên về khả năng đảm bảo an ninh mạng.
“Về mặt nhà nước cần có một khung pháp lý để điều chỉnh việc này. Lâu nay, chúng ta nói nhiều đến tuyên truyền, song tôi nghĩ vấn đề an ninh mạng cần phải cụ thể hóa, phải luật hóa rõ ràng thì mới mong cải thiện được tình hình” – ông Hải nói.
Thiếu tướng Nguyễn Viết Thế, nguyên Cục trưởng Cục Tin học - Nghiệp vụ Công an (Bộ Công an), kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho hay, hiện Việt Nam có khoảng 5,8 triệu người dùng Internet, đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tên miền.
“Tuy nhiên, vấn đề bảo mật và đảm bảo an toàn an ninh mạng của người dùng Internet ở Việt Nam lại rất kém. Một nghiên cứu mới đây của Hãng Kaspersky tại Việt Nam cho thấy, có tới 3/4 người dùng Internet ở Việt Nam không biết tự bảo vệ mình trên mạng”, Thiếu tướng Thế nói.
Theo ông Thế, tình hình an ninh Internet hiện nay đang rất nóng bỏng, không chỉ riêng Việt Nam, đặc biệt là vấn đề chiến tranh mạng. Hiện nay, Hiệp hội An toàn thông tin và Hiệp hội Internet Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ để tuyên truyền nâng cao nhận thức, cảnh giác cho các website của Chính phủ, doanh nghiệp người dùng về an toàn thông tin.
“Người dùng Internet cần tuân thủ quy trình thiết lập mật khẩu, không được làm lộ mật khẩu, không được dùng ngày sinh để hạn chế nguy cơ bị tin tặc tấn công. Tuy nhiên, vấn đề chính vẫn là sự phối hợp giữa nơi có hệ thống công nghệ thông tin và người dùng”, Thiếu tướng Thế khuyến cáo. (VTC News 3/11/2017)
Tái định nghĩa để khai thác tối ưu tiếp thị di động "thời 4.0"
Ngày 3/11, Sự kiện hàng đầu ngành tiếp thị di động (Mobiel Marketing) ở khu vực châu Á Thái Bình Dương - Diễn đàn Tiếp thị Di động 2017 đã chính thức khai mạc với chủ đề “Tái định nghĩa tiếp thị di động - Chuyển hóa, sáng tạo, phá vỡ”.
Bà Phan Bích Tâm – Giám đốc quốc gia MMA Việt Nam chia sẻ: “Khi công nghệ phát triển, kho dữ liệu biểu thị cho hiểu biết của thương hiệu (brand) về thị hiếu khách hàng cũng sẽ phát triển vô cùng mạnh mẽ, đặc biệt là ở mobile. Các dữ liệu như về ngữ cảnh, vị trí, thời gian – là những dữ liệu mà không phương tiện truyền thông nào ngoài mobile có thể cung cấp. Những số liệu này cần được khai thác, sử dụng thông minh và nhiệm vụ trước mắt của marketer là chuyển hóa các dữ liệu này để xây dựng di động thành 1 nền tảng đáng tin cậy như bất kỳ nền tảng nào khác”.
Trong khuôn khổ diễn đàn, đã có cuộc thảo luận về cách ngành Mobile Marketing liên tục chuyển mình trong hệ sinh thái 360 độ, và doanh nghiệp phải không ngừng sáng tạo ra các thông điệp và hình thức tiếp cận người dùng, “phá vỡ” các lối chiến lược truyền thống và tập trung vào những chiến dịch khả thi, đúng trọng tâm, để đạt được hiệu quả truyền thông và gia tăng trong doanh thu.
Một nội dung khác là của ông Trương Công Tâm – Người đứng đầu Truyền thông Khu vực Đông Nam Á của Marico, nói về 4 tiêu chí cần có để làm nên 1 doanh nghiệp có khả năng thực hiện tốt các chiến dịch mobile: Sự thấu hiểu về các kênh truyền thông; Hiểu biết về khách hàng trên cả trực tuyến (online) và ngoại tuyến (offline); Kiến thức về ngành hàng của doanh nghiệp và marketing; Khả năng cập nhật, áp dụng những xu hướng marketing và tiếp cận người tiêu dùng với “khẩu vị” không ngừng thay đổi.
Theo đó, ông Dilip Mistry, Phó giám đốc Digital của McKinsey & Company Singapore tham gia chia sẻ về cách thúc đẩy sự chuyển hóa của các tác động từ digital với Agile Marketing nhằm mục tiêu cải tiến tốc độ, khả năng dự đoán, minh bạch và thích ứng nhanh với thay đổi trong các hoạt động marketing.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, sự kiện SmartiesTM Việt Nam sẽ vinh danh những chiến dịch tiếp thị di động mang lại hiệu quả và sáng tạo nhất năm. Danh sách chiến thắng chung cuộc sẽ được công bố vào sáng 4/11. (Diễn đàn Doanh nghiệp 3/11/2017)
Đà Nẵng: Ứng dụng du lịch thông minh 4.0 phục vụ du khách nhân dịp APEC
Đà Nẵng là TP đầu tiên của Việt Nam và là TP thứ 2 của khu vực Đông Nam Á, sau Singapore, ứng dụng công nghệ chatbot vào lĩnh vực du lịch theo xu hướng du lịch thông minh 4.0. Chatbot cũng có thể giao tiếp được bằng 2 ngôn ngữ Anh, Việt đây là một kênh mới hỗ trợ đắc lực cho du khách đến TP Đà Nẵng vào dịp APEC.
Sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, Sở Du lịch TP Đà Nẵng đã hợp tác cùng Cty CP công nghệ Hekate xây dựng và phát triển kênh thông tin tra cứu du lịch tự động mới (ứng dụng chatbot) trên tin nhắn đầu tiên tại Việt Nam có tên chatbot Danang Fanstaticity. Kênh thông tin này giúp người dùng có thể tra cứu mọi thông tin về du lịch Đà Nẵng như tìm kiếm địa điểm, tham khảo thời tiết, chỉ đường cùng nhiều tiện ích khác ngay trong ứng dụng tin nhắn.
Chatbot Danang Fanstaticity là sản phẩm hoàn toàn miễn phí, được tích hợp ngay trên nền tảng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam là Facebook và tương thích được với các điện thoại di động thông minh sử dụng hệ điều hành Android, IOS… có kết nối Internet thông qua 3G, Wifi. Mọi người có thể tiếp cận chatbot bằng thao tác đơn giản là quét mã Messenger Code hoặc truy cập link : m.me/visitdanang để tương tác và trải nghiệm với chatbot.
Là một nền tảng tin nhắn tự động, chatbot Danang Fanstaticity cho phép người dùng đặt câu hỏi, tra cứu dữ liệu hỏi – đáp về du lịch ở bất cứ đâu tại bất cứ thời gian nào. Người sử dụng có thể tra cứu tên khách sạn, nhà hàng, món ăn mà họ muốn tìm, chatbot sẽ ngay lập tức chỉ đường, giới thiệu và đưa ra những thông tin hữu ích ngay cho họ để họ có thể chọn lựa địa điểm mà họ yêu thích. Từ đó những băn khoăn của người dùng về mọi vấn đề du lịch được giải đáp một cách trực tiếp, nhanh chóng và hoàn toàn tự động. Những yêu cầu của người dùng sẽ được giải đáp ngay lập tức và gợi mở nhiều lựa chọn phù hợp với nhu cầu của họ. (Xây Dựng 3/11/2017)
Mất đi dịch vụ mobile banking, ngân hàng sẽ bị phá sản
Đó là nhận định của ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng VIB, khi nói về chuyển đổi số ảnh hưởng đến các doanh nghiệp như thế nào tại sự kiện CMC SISG Connection Day 2017 được tổ chức tại TPHCM ngày 3/11.
Ông Trần Nhất Minh cho biết, trước đây, khi công nghệ chưa được ứng dụng mạnh trong hệ thống ngân hàng, dịch vụ bán lẻ của các ngân hàng rất thấp. Trong khi đó, đội ngũ làm việc của ngân hàng cũng tốn rất nhiều công sức và chi phí, thời gian để thực hiện các khoản đếm, chuyển đổi tiền từ khách hàng này sang khách hàng khác, từ nơi này sang nơi khác…
Từ khi áp dụng công nghệ, dịch vụ bán lẻ và giá trị gia tăng của ngân hàng ngày càng phát triển. Cụ thể, tại ngân hàng VIB, hiện khách hàng trải nghiệm trên mobile banking chiếm đến 87%, tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, 93% trong số này đều dưới 40 tuổi tham gia trải nghiệm dịch vụ mobile banking, trong đó có 20% là nhân viên văn phòng và 70% là khách hàng kinh doanh độc lập.
“Vì thế, những ý kiến của khách hàng dưới 40 tuổi về ứng dụng công nghệ trong dịch vụ hay gia tăng giá trị dịch vụ trong hệ thống ngân hàng bán lẻ hiện đại luôn được ngân hàng chú ý lắng nghe và cải thiện. Đó cũng chính là lý do giúp người dùng trải nghiệm dịch vụ tại VIB trong năm 2017 tăng gần gấp đôi so với năm 2016”, ông Minh chia sẻ thêm. (Tin Tức 3/11/2017)
Đào tạo hướng nghiệp cho sinh viên ngành an toàn thông tin
Sáng 3-11, tại Hà Nội, Cục An toàn thông tin phối hợp với Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông tổ chức Tọa đàm đào tạo hướng nghiệp cho sinh viên an toàn thông tin với chủ đề “Nhận diện thế hệ 4.0”.
Buổi tọa đã đàm thu hút đông đảo sinh viên đến từ 12 trường đại học khu vực phía Bắc tham gia. Tại buổi tọa đàm, các nhà quản lý, chuyên gia trao đổi, chia sẻ với sinh viên về kinh nghiệm học tập, kinh nghiệm sống, làm việc và định hướng nghề nghiệp tương lai.
Theo chia sẻ của các chuyên gia, trong thời gian vừa qua, CNTT đã trở thành bộ phận không thể thiếu trong đời sống xã hội. Thông tin trên mạng đã trở thành tài sản của mỗi cá nhân, tổ chức và cả quốc gia. Thậm chí, trong nhiều tổ chức, doanh nghiệp, tài sản thông tin có giá trị gấp nhiều lần tài sản cố định hay tài sản hữu hình khác.
Hiện nay, trong sự chuyển dịch theo xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các thiết bị di động, thiết bị cảm biến nhỏ hơn, nhưng mạnh hơn, với giá thành rẻ hơn, có khả năng kết nối với nhau và ngày càng trở nên thông minh hơn bởi trí tuệ nhân tạo. Điều này hứa hẹn những chuyển biến tích cực, đột phá trong việc ứng dụng CNTT, phát triển chính phủ điện tử, thúc đẩy thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, xây dựng thành phố thông minh…
Cùng ngày, Cục An toàn thông tin phối hợp với Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông đã khai mạc Ngày hội tuyển dụng 2017. (QĐND Online 3/11/2017)
Lỗ hổng bảo mật doanh nghiệp
Khảo sát an toàn thông tin tại Việt Nam do Ernst & Young Việt Nam công bố cho thấy có hơn 73% doanh nghiệp tại Việt Nam thiếu nhân sự đủ năng lực về bảo mật an toàn thông tin doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia an toàn thông tin, thông thường chi phí đầu tư cho an toàn thông tin doanh nghiệp mất khoảng 1-3% tổng doanh thu, đây là khoảng đầu tư xứng đáng để doanh nghiệp an toàn cả ba bước: nhận diện - phòng vệ - ứng phó với sự cố mất an toàn thông tin. Tuy nhiên, hiện trạng tại Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp chỉ đầu tư cho khâu "phòng vệ" và không quan tâm đúng mức hai khâu "nhận diện" và "ứng phó" trước rủi ro bị tấn công.
Không riêng tại Việt Nam, Khảo sát Thực trạng An toàn Thông tin Toàn cầu (GSISS), với sự tham gia của hơn 9.500 lãnh đạo kinh doanh và lãnh đạo công nghệ cấp cao đến từ 122 quốc gia do PwC công bố cho thấy 44% tiết lộ họ không có chiến lược tổng thể về an toàn thông tin. (Diễn đàn Doanh nghiệp 3/11/2017)
98,71% doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử
Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, thời gian qua, toàn ngành đã triển khai nhiều dịch vụ điện tử hỗ trợ doanh nghiệp như khai thuế qua mạng internet, dịch vụ nộp thuế điện tử. Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Tính đến nay, đã có 99,81% doanh nghiệp thực hiện khai thuế qua mạng và 98,71% doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử. Để thực hiện mục tiêu, ngành Thuế đã triển khai các dịch vụ điện tử phục vụ người nộp thuế như tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng bằng phương thức điện tử; đặc biệt, chú trọng mở rộng dịch vụ hướng tới đối tượng nộp thuế là cá nhân, nhưng hiện chưa có dịch vụ hỗ trợ khai và nộp thuế điện tử như dịch vụ khai, nộp thuế điện tử với cá nhân có nhà cho thuê tại Hà Nội và TPHCM. Sau gần một năm, có khoảng 25.305 tài khoản cá nhân đăng ký giao dịch điện tử với khoảng 28.265 tờ khai điện tử đã được thực hiện. Trong đó, Hà Nội có 8.448 tài khoản và 11.229 tờ khai; TPHCM có 16.857 tài khoản và 17.036 tờ khai. (Hà Nội mới 4/11/2017)
Cảng Hải Phòng: Giám sát điện tử vẫn chưa thông
Sau khi triển khai Đề án “Giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu qua khu vực kho, bãi, cảng Hải Phòng trên Hệ thống thông quan điện tử” tại 9 doanh nghiệp cảng, kết quả thu được vẫn chưa như mong đợi.
Là một trong 9 doanh nghiệp được chọn triển khai đề án, Công ty CP cảng Hải Phòng là nơi phải xử lý một lưu lượng lớn hàng hóa nhưng bất cập lớn nhất của doanh nghiệp là trục trặc đường truyền internet.
Việc kết nối thông tin giữa ba bên (Hải quan, doanh nghiệp cảng, doanh nghiệp XNK) không phải lúc nào cũng thông suốt. Đại diện Công ty CP cảng Hải Phòng cho biết, vướng mắc đầu tiên chính là ứng dụng công nghệ. Mặc dù đã đựoc dự trù và tiên đoán trước nhưng vẫn xảy sự cố quá tải đối với máy chủ cơ sở dữ liệu của cơ quan Hải quan. Với doanh nghiệp cảng, phần mềm quản lý của Công ty chưa đáp ứng được đầy đủ các nghiệp vụ yêu cầu quản lý, giám sát hải quan vẫn cần đựơc bổ sung, hoàn thiện.
Bên cạnh vướng mắc về hạ tầng CNTT, vướng mắc về nghiệp vụ từ cả phía doanh nghiệp và cơ quan Hải quan cũng cần được tháo gỡ.
Do mới triển khai nên công tác phối hợp xử lý giữa các chi cục hải quan cửa khẩu cảng với các Chi nhánh thuộc Cảng Hải các công việc, sự cố, vướng mắc còn chậm, mất nhiều thời gian. Đặc biệt, việc chưa có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm quản lý, giám sát hàng hóa ra, vào, lưu giữ tại doanh nghiệp cảng nên vẫn còn xảy ra tình trạng lung túng.
Một vấn đề nữa, nếu hai đầu Hải quan và doanh nghiệp cảng thông mà đầu doanh nghiệp XNK không thông thì vẫn ảnh hưởng đến thủ tục. Bên cạnh đó, phía hải quan cũng cần tập huấn cho cán bộ cảng về thủ tục xử lý khi hệ thống gặp sự cố, đặc biệt với trường hợp số lượng hàng hóa lớn. (Diễn đàn Doanh nghiệp 4/11/2017)
Google và Facebook đặt máy chủ ở đâu không quan trọng
Theo ông Vũ Tú Thành, Trưởng đại diện của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam, về câu chuyện quy định trong dự thảo Luật An ninh mạng, ông Vũ Tú Thành cho rằng "dường như có sự hơi tự mâu thuẫn trong dự thảo luật này ở hai khía cạnh".
Một mặt yêu cầu đòi hỏi nhà cung cấp dịch vụ Internet phải xác thực thông tin người dùng, chính xác nhất có thể được, kèm theo hệ quả pháp lý nếu họ không thực hiện được.
Mặt khác, luật lại yêu cầu thông tin về người dùng Việt Nam phải được đặt máy chủ tại Việt Nam. Như vậy, chúng ta không cho phép thông tin người dùng của Việt Nam được đưa ra nước ngoài.
Trong khi đó lại yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ phải thu thập, xác thực thông tin người dùng nhiều nhất và chính xác nhất có thể.
Hai nguyên tắc này mâu thuẫn nhau và khó có thể cùng thực hiện.
Thứ hai, việc đặt máy chủ ở đâu không quan trọng bằng quy trình đảm bảo an ninh mạng đối với dữ liệu trong đó.
Máy chủ ở đâu cũng không có ý nghĩa gì về an ninh thông tin nếu quy trình, kỹ thuật, công nghệ không đáp ứng được các yêu cầu chuẩn mực.
Ví dụ, Hãng EQFax là một trong những hãng lớn nhất ở Mỹ, đặt máy chủ ở Mỹ vẫn bị mất an ninh như bình thường.
Do vậy, việc yêu cầu máy chủ tại Việt Nam không có nhiều ý nghĩa trong bảo đảm an ninh thông tin.
Nếu các doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam mà không được sử dụng những dịch vụ lưu trữ dữ liệu an toàn nhất để đặt dữ liệu, thường không có máy chủ ở Việt Nam, điều đó còn tạo ra nguy cơ mất an ninh mạng cao hơn đối với doanh nghiệp, tổ chức cá nhân Việt Nam. (Tuổi Trẻ Online 3/11/2017)
Nguy cơ chết người từ những mối tình qua mạng xã hội
Những mối quan hệ qua mạng xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, đặc biệt là quan hệ tình cảm nam nữ. Cẩn thận không thừa “Thời gian qua, nhiều đối tượng xấu thông qua mạng xã hội, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của chị em để lừa tình, lừa tiền, đặc biệt là những phụ nữ đang trong hoàn cảnh cô đơn, mới ly hôn, sống một mình nhưng điều kiện kinh tế khá giả” - PGS.TS Tâm lý Trịnh Hòa Bình nhận định.
Cũng theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, phụ nữ khi đang ở trong hoàn cảnh cô đơn, mới chia tay người yêu, ly hôn chồng… thường yếu đuối và chông chênh. Do vậy, họ sẵn sàng trải lòng, dễ tin vào những lời đường mật, coi trọng những mối quan hệ trên mạng dù mới được xây dựng trong một thời gian ngắn. Họ không giấu được cảm xúc, chia sẻ công khai trên mạng với hy vọng sẽ tìm được nhiều sự đồng cảm. Họ cởi mở, dễ dãi hơn với các mối quan hệ với người khác giới. Họ dễ rung động khi nhận được những lời tán tỉnh, đặc biệt là từ những người ít tuổi hơn. Khi được những người đàn ông kém tuổi tán tỉnh, chị em rất dễ bị chinh phục do họ có cảm giác thoải mái mỗi khi trò chuyện, không bị lép vế khi phải tranh cãi về một vấn đề nào đó. Đặc biệt, sự tán tỉnh của những người trẻ hơn khiến những người phụ nữ thấy mình vẫn còn sức hút, cho họ cảm giác kiêu hãnh và tự hào.
“Tình yêu chân thành sẽ được xây dựng trên những mối quan hệ vững chắc, sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, sự tương đồng về tuổi tác, hoàn cảnh, sở thích… Để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, chị em trước khi quyết định dấn sâu vào mối quan hệ yêu đương với một ai đó cần tìm hiểu kỹ về nhân thân của họ qua các mối quan hệ từ gia đình, bạn bè… của anh ta, không nên vội vàng hò hẹn, thậm chí đưa về nhà mình để rồi nếm phải quả đắng” - PGS.TS Trịnh Hòa Bình đưa ra lời khuyên. (VOV 4/11/2017)
Sổ liên lạc điện tử tiện không lợi cho cha mẹ học sinh
Hiện nay, các nhà mạng luôn tìm cách để tiếp cận chào hàng các phần mềm điểm điện tử đến các nhà trường. Các chiêu thức để chào hàng cũng cực kì hấp dẫn là không thu tiền của giáo viên mà “chỉ” thu tiền khi phụ huynh đăng ký sử dụng tin nhắn điện tử của các nhà mạng.
Vì thế, việc đầu tiên là các ban giám hiệu luôn khuyến khích, động viên các giáo viên chủ nhiệm lớp làm công tác tư tưởng cho phụ huynh ngay từ ngày họp phụ huynh đầu năm để thuyết phục họ sử dụng tin nhắn điện tử của các nhà mạng.
Nhiều trường thì cố lờ đi tính tự nguyện của phụ huynh về dịch vụ này mà họ cộng luôn vào các khoản thu của học sinh hàng năm để bắt buộc các phụ huynh phải sử dụng.
Tuy nhiên, có một điều các phụ huynh không thể biết là chỉ có học sinh cá biệt thì giáo viên mới nhắn tin báo còn những em học tập bình thường thì giáo viên chỉ nhập điểm và thông báo khi đến từng thời điểm nhất định theo qui định của nhà trường. Thế nhưng, mỗi năm phụ huynh phải bỏ ra một khoản tiền từ 50-150.000 đồng để nộp cho nhà mạng thì thật là một điều lãng phí không cần thiết. Bởi lẽ, không đóng tiền nhắn tin thì nhà trường cũng phải phát phiếu liên lạc mỗi kỳ 2 lần về nhà.
Vậy có nhất thiết phải đóng không nếu con mình học tập bình thường? Hơn nữa, đầu năm họp phụ huynh hoặc trong phần cập nhật thông tin của học sinh thì giáo viên cũng nắm được số điện thoại của phụ huynh. Nếu có việc gì gấp thì giáo viên chủ nhiệm cũng phải điện thoại báo cho cha mẹ học sinh biết. Ta chỉ cần tính một mức bình quân mà các nhà mạng đang thu qua dịch vụ tin nhắn là 80.000 đồng/1 học sinh, mỗi lớp có khoảng 35-45 học sinh, mỗi trường bình quân hiện nay có số lượng học sinh khoảng 500-1000 em. Nếu tất cả các phụ huynh cùng sử dụng dịch vụ tin nhắn thì sẽ là một khoản thu không hề nhỏ cho các nhà mạng.
Và tất nhiên, tiền hoa hồng trích lại cho các hiệu trưởng cũng không hề ít. Chính vì vậy, không chỉ phụ huynh học sinh đang bị lợi dụng để phải đóng tiền mà ngay giáo viên trong trường cũng thường xuyên phải tất bật chạy theo sự thay đổi các phần mềm điện tử của các hiệu trưởng.
Trong khi đó, giờ hầu như gia đình nào cũng sử dụng intenet, và các bậc cha mẹ học sinh đều có điện thoại thông minh. Tại sao không sử dụng những dịch vụ liên lạc miễn phí và tiện ích như email, Zalo, Facebook...? (Giáo dục Việt Nam 4/11/2017)