Dịch vụ đòi nợ thuê: cấm hay không cấm?
Về việc có nên cấm dịch vụ đòi nợ thuê hay không hiện có hai quan điểm nên và không nên, mỗi phía quan điểm đều có lý lẽ biện minh cho ý kiến của mình.
Trong trường hợp như vậy việc quyết định thế nào không thể dựa vào những lý do khơi khơi trên bề mặt, bởi như thế là không chặt chẽ vững chắc, mà cần căn cứ vào những số liệu tính toán thống kê cụ thể chi tiết về ích lợi kinh tế cũng như thiệt hại gây ra cho xã hội của loại hình dịch vụ này.
Khi bàn về sửa đổi vấn đề này đúng ra phải có thống kê báo cáo về số vụ phạm tội do những hành vi đòi nợ thuê gây ra, những vụ tạt chất bẩn vào nhà, số đơn thư trình báo về việc bị đe dọa tính mạng hay tấn công có liên quan đến đòi nợ thuê.
Về việc có nên cấm dịch vụ đòi nợ thuê hay không hiện có hai quan điểm nên và không nên, mỗi phía quan điểm đều có lý lẽ biện minh cho ý kiến của mình- Hình minh họa.
|
Cần thống kê xem trên cả nước mỗi năm xảy ra bao nhiêu vụ án, mấy năm qua xảy ra bao nhiêu vụ việc kể từ khi có ngành nghề này ra đời? Số liệu có thể lấy từ bên công an và ủy ban nhân dân các cấp.
Hoặc cơ quan soạn thảo cũng phải có số liệu về mức thuế đã đóng góp của các công ty loại này là bao nhiêu, số việc làm theo hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội là bao nhiêu, số liệu lấy từ bên cơ quan thuế và bảo hiểm xã hội.
Phải có số liệu như thế sẽ cho ra bức tranh cụ thể rõ ràng để từ đó biết được là nên để hay nên cấm.
Không quản được thì cấm?
Có ý kiến cho rằng cần duy trì loại hình dịch vụ đòi nợ thuê bởi lẽ chúng ta đang phát triển kinh tế thị trường, việc cấm đoán kinh doanh là trái đường lối và không phù hợp. Theo đó ý kiến nên để lại cho rằng đây là vấn đề quản lý, chỉ cần tăng cường các điều kiện quản lý chặt chẽ là được.
Tôi cho rằng đây không phải là vấn đề quản lý mà bản thân việc cho phép ra đời loại hình dịch vụ đòi nợ thuê này đã sai ngay từ gốc.
Bình thường trong đời sống chúng ta đi thuê dịch vụ thường do bận bịu thời gian không tự làm được công việc, hoặc do không làm được việc nặng nhọc, không chịu được mất vệ sinh nên phải đi thuê.
Hoặc công việc đòi hỏi kỹ thuật, mua sắm công cụ phương tiện tốn kém mà xét thấy đi thuê có lợi hơn là tự làm.
Còn trong trường hợp đòi nợ thuê, nếu hiểu đúng việc đòi nợ chỉ gồm có việc liên hệ với con nợ nhắc nhở phải trả, nếu không trả thì khởi kiện ra tòa và nhờ cơ quan cưỡng chế nhà nước thu hồi tiền, thì thường là người ta làm được.
"Việc cho phép ra đời loại hình dịch vụ đòi nợ thuê này đã sai ngay từ gốc"- LS Ngô Ngọc Trai
|
Trong thực tế, có thể nhận định là mọi vụ đòi nợ con nợ đã bị yêu cầu trả rồi nhưng không trả, do không có tiền hoặc có tiền nhưng không chịu trả, khi đó người đi nhờ dịch vụ đòi nợ thuê cái mà họ nghĩ đến là những hành vi bạo lực hay các thủ đoạn xấu mà người ta hy vọng qua đó sẽ ép được bên kia trả nợ.
Như thế quan hệ pháp luật được xác lập trong giao dịch này thực chất là quan hệ nhờ vả bạo lực sai trái, đó là cái thực sự tồn tại trong ý chí nhận thức của bên đi nhờ và bên cung cấp dịch vụ, và đó là quan hệ pháp luật sai trái không được phép.
Cho nên cần khẳng định rõ rằng dịch vụ đòi nợ thuê là quan hệ pháp luật sai ngay từ bản chất
Trước kia khi cấp phép cho loại hình dịch vụ này các cơ quan đã nhận định thiếu sót về bản chất dịch vụ đòi nợ thuê, họ quên rằng việc đòi nợ bản thân là một hành vi pháp lý, liên quan đến quyền và nghĩa vụ, về số tiền gốc, lãi suất, thời điểm thanh toán, tài sản thế chấp .v.v.
Đó là rất nhiều vấn đề liên quan đòi hỏi việc đòi nợ cần được thực hiện theo luật bởi những người am hiểu luật, nếu là dịch vụ thì đó cơ bản sẽ là một loại hình dịch vụ về pháp lý.
Thực tế hiện nay cũng có nhiều khách hàng tìm đến luật sư nhờ đòi các khoản nợ theo pháp luật. Luật sư sau khi liên hệ làm việc với bên nợ mà không đạt hiệu quả sẽ xúc tiến việc khởi kiện ra tòa án, hoặc nếu có dấu hiệu phạm tội hình sự thì trình báo cơ quan điều tra, đối với khoản nợ của doanh nghiệp thì có thể đệ đơn yêu cầu phá sản doanh nghiệp.
Mặc dù cách làm như vậy gây mất thời gian hơn so với thuê xã hội đen, nhưng đó là do sự hạn chế năng lực của ngành tư pháp, nhưng đó vẫn là cách làm đúng trong việc đòi nợ.
Cho nên nhìn lại thực tế như báo cáo tổng hợp của Bộ kế hoạch đầu tư hiện cả nước có 217 doanh nghiệp nhưng không đơn vị nào hoạt động lành mạnh, thì có thể khẳng định sự không lành mạnh ở tâm lý người đi nhờ là một lý do cần phải cấm hoạt động đòi nợ thuê. Đây không phải là do lỗi quản lý, vì nếu là do công tác quản lý thì đáng nhẽ ít nhất cũng phải có vài ba đơn vị hoạt động cho ra hồn, đằng này tất cả 217 đơn vị đều hoạt động có vấn đề như thế thì chỉ có thể là sai từ gốc mà thôi.
Để việc làm luật được chặt chẽ các cơ quan cũng có thể làm một thăm dò khảo sát xem những người nhờ đòi nợ thuê cái họ nghĩ đến là đòi hợp pháp hay là nhờ những hành vi bao lực phi pháp. Kết quả sẽ cho thấy rõ bản chất sự việc.