Theo TechCrunch, ý tưởng của Shadow là biến máy tính của game thủ trở thành một phần của trung tâm dữ liệu (data center). Mọi thiết bị di động, laptop của game thủ, cùng với thiết bị của riêng Shadow (hình trên) đều thành một máy khách, hay một cánh cửa sổ giúp bạn truy cập vào một chiếc máy ảo của riêng bạn; và chiếc máy ảo này chạy trên một máy chủ cực mạnh đặt trong một trung tâm dữ liệu gần bạn.
Shadow trước đó đã tìm được một khoản đầu tư 14,6 triệu USD từ 20 nhà đầu tư khác nhau. Trong số đó, một vài người đã tiếp tục đầu tư lần 2, bao gồm Nick Suppipat, Pierre-Kosciusko Morizet và Michael Benabou.
Shadow hiện đang chạy thử nghiệm hàng ngàn máy ảo với 800 chip xử lý server Intel Xeon cùng card đồ họa Nvidia GTX 1070; và điều đáng nói ở đây là mỗi người dùng máy ảo sẽ được sử dụng riêng một card đồ họa để đảm bảo hiệu suất máy ảo tốt nhất. Đáng tiếc là việc thử nghiệm này chỉ diễn ra tại Pháp mà thôi.
Theo một số người dùng có cơ hội được thử nghiệm dịch vụ của Shadow thì hệ thống chạy rất mượt mà. Vấn đề duy nhất ở đây là bạn sẽ cần một đường truyền cáp quang tốc độ cao một chút để tận hưởng tối đa tính năng của dịch vụ.
Nếu bạn đang sống tại Pháp thì bạn sẽ chỉ cần bỏ ra khoảng 32,70 USD/tháng (tương đương 30 euro) để sử dụng dịch vụ của Shadow. Đáng chú ý là, đây không đơn giản chỉ là một dịch vụ để chơi game, mà nó cung cấp cho bạn một máy ảo chạy Windows 10 bản quyền đầy đủ. Hiện có hơn 3500 khách hàng đang sử dụng dịch vụ thử nghiệm của Shadow, và công ty vẫn tiếp nhận thêm nhiều khách hàng mới mỗi tháng.
Với khoản đầu tư 57,1 triệu USD gần đây, Shadow dự định mở rộng dịch vụ hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của khách hàng ngày càng đông. Theo nhà sáng lập và là CEO của Shadow Emmanuel Freund: "điều đầu tiên chúng tôi thay đổi là phương thức đăng kí, chuyển từ pre-order sang đáp ứng ngay lập tức đơn hàng của khách hàng".
Như vậy, các game thủ có thể sẽ được đăng ký Shadow và ngay lập tức sử dụng dịch vụ ngay trong ngày hôm sau. Đây là một thử thách đối với Shadow bởi hãng sẽ phải tìm cách tăng cường cũng như thường xuyên bảo trì các máy chủ để kịp thời đáp ứng yêu cầu của game thủ trên toàn thế giới trong tương lai.
Tất nhiên, đối với những dịch vụ như thế này thì người dùng sẽ rất quan tâm đến vấn đề bảo mật. Shadow tuyên bố hãng không "nhòm ngó" dữ liệu của khách hàng; mọi dữ liệu trên máy ảo Windows của khách sẽ được mã hóa, và chính Shadow cũng không có mật mã của máy ảo Windows này. Hãng còn cho biết sẽ cung cấp hệ thống mã hóa riêng của mình, và đưa ra chính sách dịch vụ và bảo mật mới trong thời gian đến.
Hiện tại, trung bình mỗi khách hàng bỏ ra 2.5 tiếng/ngày sử dụng máy ảo của Shadow. Với đối tượng chính là các game thủ, dịch vụ của Shadow tập trung vào số người chuyên dùng PC. Và hãng không có ý định dừng lại ở con số nêu trên. Shadow còn dự định nhắm đến số đối tượng có nhu cầu về cấu hình PC thấp hơn, tức là hãng muốn máy ảo của mình sẽ thay thế các máy tính văn phòng, hay thậm chí là máy tính của ông nội bạn. Các máy ảo mới này chắc chắn sẽ không cần tới những con card đồ họa hàng khủng của Nvidia, nhưng cũng đủ để lôi kéo thêm kha khá người dùng đến với dịch vụ của hãng.
Shadow hi vọng sẽ thu hút được 100.000 khách hàng đến cuối năm 2018, và sẽ mở rộng sang Anh và Đức trong năm 2017, theo sau đó là các quốc gia châu Âu khác. Với mỗi khu vực, hãng sẽ phải tìm và lập ra các trung tâm dữ liệu mới, cũng như kí kết hợp đồng với các ông lớn trên lĩnh vực điện toán trên toàn cầu.
Hãng còn dự định mở văn phòng tại Palo Alto để giao dịch với các đối tác châu Mỹ, như các hãng sản xuất máy chủ và ông trùm phần mềm Microsoft. Tương lai chắc sẽ còn gian nan đối với Shadow, bởi số tiền họ cần để mua máy chủ và nâng cấp hạ tầng chắc cũng không phải là ít.
Điện toán đám mây ngày nay đã trở thành một giấc mơ có thật đối với nhiều người dùng đầu cuối, bởi đường truyền internet ngày nay đã đủ nhanh để đáp ứng các yêu cầu của nó. Shadow là một trong những công ty nắm bắt rất tốt điểm này.