Từ thờ ơ tới bán tháo cổ phiếu
Điều này cũng khá bình thường khi mà mối quan tâm của đại chúng đối với dịch cúm này hết sức ít ỏi. Dữ liệu của Google Trends cho thấy người ta bắt đầu quan tâm đến từ khóa virus corona kể từ khoảng giữa tháng 1, sau khi những trường hợp qua đời vì virus này được công bố và số người nhiễm bệnh bắt đầu tăng nhanh.
Nhưng kể từ 23-1, tình hình đã thay đổi nhanh chóng khi ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy đây là một đại dịch toàn cầu. Các chỉ số cổ phiếu chính của thế giới bắt đầu giảm, cắt đứt xu thế tăng giá từ tháng 12.
Đợt công bố kết quả kinh doanh nhìn chung khả quan của nhiều công ty lớn của Mỹ không thể giúp thị trường đứng vững được.
Theo ước tính ban đầu, trong ngày giao dịch 31-1-2020 (ngày giao dịch sau khi tin WHO công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu) các chỉ số S&P 500 và chỉ số công nghiệp Dow Jones đều giảm xấp xỉ 1,6-1,8%, trong khi nhiều thị trường khác giảm mạnh hơn. Ở thị trường Việt Nam, chỉ trong 2 phiên đầu tiên sau Tết âm lịch, thị trường đã mất gần 55 điểm, giảm khoảng 5,6%.
Việc giá cổ phiếu sụt giảm, giá vàng vọt lên và dấu hiệu đảo ngược lợi suất (inverted yield curve) đang có xu hướng hình thành trở lại ở Mỹ, khiến người ta lại liên tưởng đến một đợt suy thoái kinh tế mới. Trong bối cảnh thiếu thông tin và hoảng loạn, giá nhiều cổ phiếu có kết quả kinh doanh không tệ trong quý IV-2019 đều giảm mạnh, bất chấp nhiều nhà đầu tư vẫn tin rằng tác động của dịch cúm sẽ không kéo dài.
Nỗi lo về sự bất định
Vấn đề lớn nhất của thị trường hiện tại là tính bất định và khó đoán của dịch cúm lần này. Có 3 câu hỏi hiện không có câu trả lời. Thứ nhất, dịch cúm kéo dài bao lâu? Thứ hai, tỷ lệ sát thương là bao nhiêu? Và thứ ba dịch cúm tác động đến kinh tế toàn cầu như thế nào?
Vấn đề thứ ba thật ra là hệ quả của hai vấn đề đầu tiên. Nếu người dân biết chắc rằng dịch cúm này sẽ nhanh qua khỏi và tỷ lệ sát thương thấp, tự nhiên người ta sẽ bớt lo sợ và vẫn tiến hành hoạt động mua sắm và kinh doanh như bình thường.
Thế nhưng, vì không biết được tình trạng như thế nào, nên người dân sẽ lo sợ và giảm các hoạt động ở nơi đông người. Điều đó ảnh hưởng đến các chi tiêu vui chơi, đi lại và mua sắm. Vì vậy, các cổ phiếu hàng không, vui chơi giải trí trên thế giới đã giảm mạnh.
Một điều bất định nữa là khi ổ dịch tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu, thì nguy cơ đối với kinh tế toàn cầu càng cao hơn nữa. Tờ New York Times chạy tít “Dịch virus corona cho thấy thế giới phụ thuộc vào Trung Quốc như thế nào”.
Báo này chỉ ra rằng hàng loạt công ty lớn bị ảnh hưởng, từ việc Apple phải thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu, Starbuck ra thông báo về khả năng lợi nhuận bị tổn thất nặng, trong khi chuyện làm ăn của British Airways và Air Canada có khả năng tổn thất nặng khi phải tạm dừng mọi chuyến bay đến Trung Quốc. Hoạt động khách sạn và các tour du lịch khó tránh khỏi đình đốn.
Khi một số công ty lớn như Apple và nhiều công ty sản xuất xe hơi đang xem xét đóng cửa và chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc (vốn đã bắt đầu từ thương chiến Mỹ-Trung), đó là một dấu hiệu cho thấy tình hình thương mại và sản xuất quốc tế sẽ không khôi phục nhanh chóng như người ta tưởng sau thương chiến.
Trong bối cảnh làn sóng vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp ở Trung Quốc vẫn tiếp tục, người ta lo sợ dịch cúm này là một cú đấm mạnh vào nền kinh tế đang ốm yếu, có thể kéo lùi tăng trưởng kinh tế về dưới 5%. Một mức tăng trưởng kinh tế dưới 5% của Trung Quốc có thể làm gia tăng nguy cơ vỡ nợ dây chuyền ở Trung Quốc, và lần này là với cả các doanh nghiệp tầm trung và lớn. Một đợt vỡ nợ trái phiếu Trung Quốc có thể tạo ra hiệu ứng lây lan ra khu vực châu Á hay không vẫn là một câu hỏi.
Đừng hoảng loạn vì tin đồn vô lý
Dù có những bất ổn như trên, vẫn có một vài điểm hy vọng trong trung và dài hạn. Thứ nhất, theo kinh nghiệm của các đợt dịch cúm khác, tác động của dịch cúm có tính nhất thời. Dù tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm về 5% hay thấp hơn nữa, nó vẫn không phải là số âm.
Việc WHO công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, đã đủ để đẩy đến một tình trạng bán tháo trên thị trường cổ phiếu. Rõ ràng có một số nhà đầu tư đã quá lạc quan và coi nhẹ dịch cúm lần này. |
Ít nhất, dịch cúm này không diễn ra trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung vẫn đang ở giai đoạn căng thẳng. So với thời điểm tháng 10-2019, thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu hiện tại khá hơn nhiều, đủ sức chịu đựng một cú sốc dịch cúm trong vài tháng. Vì vậy, dù sao trong cái rủi cũng có cái may.
Thứ hai, nhiều công ty làm ăn tốt bỗng nhiên do sự bất định của dịch cúm mà giảm giá mạnh, đặc biệt là với các công ty hàng không và giải trí. Những cổ phiếu ưa thích ở Anh và Mỹ bỗng nhiên giảm giá mạnh, tạo điều kiện mua vào rất tốt.
Tính theo dự báo giá cổ phiếu bảo thủ nhất của các chuyên gia phân tích tài chính trước dịch cúm, nếu mua vào mức giá hiện tại, một số cổ phiếu như Disney, Easyjet hay Singapore Airlines, nhà đầu tư có thể thu được trên 15% lợi nhuận. Cho dù các nhà chuyên gia đó có quá lạc quan nữa thì độ hấp dẫn trong đầu tư vào những cổ phiếu làm ăn ổn định này rõ ràng là tăng lên đáng kể.
Một người bạn đang làm cho một công ty quản lý quỹ lớn ở châu Âu của người viết cho rằng, đây có thể là cơ hội tốt nhất để mua cổ phiếu trong 5 năm trở lại đây.
Thứ ba, tỷ lệ tử vong (mortality rate) của virus corona đến lúc này vào khoảng 2%, thấp xa so với mức 20-30% của dịch MERS năm 2012 hay mức 10% của dịch SARS năm 2003. Trừ trường hợp tỷ lệ này tăng thêm, hoặc Trung Quốc che giấu số liệu, đây có thể là một tin tốt khi người ta dần nhận ra rằng đây không phải là một dịch cúm chết người mặc dù tỷ lệ lây lan mạnh. Tâm lý ổn định lan tỏa trong xã hội sẽ có ích cho nền kinh tế nói chung và cổ phiếu nói riêng.
Dù là có những điểm sáng như vậy, nhưng như đã nói ở trên, vấn đề hiện tại nằm ở tính bất định của đặc tính do virus gây ra dịch cúm corona mà người ta chưa biết hết được. Thời điểm thờ ơ đã qua và hoảng loạn cũng đã bắt đầu.
Thời điểm tiếp theo là phụ thuộc chủ yếu vào nỗ lực kiểm soát dịch cúm này trên toàn cầu, bắt đầu từ mỗi người dân chúng ta. Hãy trang bị cho mình kiến thức đầy đủ để không bị bệnh và không hoảng loạn vì những tin đồn vô lý.
(*) TS. HỒ QUỐC TUẤN, Giảng viên Đại học Bristol Anh
Theo Sài Gòn Đầu tư tài chính