|
Xét nghiệm cho công nhân trong công ty phát hiện ca nhiễm mới - Ảnh HCDC |
Cơn trầm cảm đại suy thoái kinh tế
Thế giới đang bước vào giai đoạn hứng chịu bão tố vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cơn trầm cảm – đại suy thoái kinh tế. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật này. Đồng tiền càng lúc sẽ càng hiếm hoi hơn, khó kiếm hơn, mất dần đi giá trị của nó khi mà tiền làm ra có thể còn không có chỗ tiêu, các cửa hàng không thiết yếu đều phải đóng cửa, vì không ra ngoài nên hầu như không ai cần mặc đẹp, trang điểm mỹ miều làm gì khi “thời trang” duy nhất là chiếc khẩu trang, thị trường bất động sản nằm im “chết chóc”, dù giá giảm nhưng vấn đề là không xoay xở được tài chính để mua vào.
Đợt dịch bệnh bùng phát mạnh lần này đã ảnh hưởng quá lớn đến kinh tế - xã hội nhiều tỉnh thành trên cả nước. Ngày hôm nay, chúng ta đã vượt mốc trên 10.000 bệnh nhân, đang điều trị 10.037 ca bệnh trên 43 tỉnh thành. Mỗi ngày cả nước tăng lên vài trăm ca nhiễm mới. Nặng nề nhất phải kể đến Bắc Giang (hiện tại có 3.446 BN) , Bắc Ninh (1.266 BN), TP.HCM (863 BN).
Đặc biệt, sau khi phát sinh chóng mặt “ổ dịch” hội truyền giáo Phục Hưng tại TP.HCM, đang ghi nhận khoảng 450 ca bệnh, dự báo còn tiếp tục tăng, ngoài ra, còn có 6 “ổ dịch” khác nữa; 7 chùm lây nhiễm lớn rải khắp thành phố đã làm phát sinh hơn 600 ca bệnh, chiếm khoảng 71% trên tổng số 863 ca. TP.HCM vẫn là một địa phương lớn, vì thế vẫn phải tiếp nhận các ca bệnh nhập cảnh, và cả bệnh nhân nặng từ các tỉnh thành khác chuyển về.
|
Khẩn cấp xử lý các khu vực có bệnh nhân mới - Ảnh: Zing |
Những tỷ lệ đáng chú ý
Liên quan đến hơn 600 ca bệnh phát sinh trong cộng đồng từ 7 “ổ dịch”, cơ quan y tế thống kê có hơn 500.000 người, hay nói khác đi là nửa triệu người TP.HCM đã ở trong các mối quan hệ đan chéo của đường dây truy vết. Lực lượng chống dịch đã phải lấy mẫu xét nghiệm hơn 500.000 người.
Nếu tính tỷ lệ nửa triệu người trên tổng số 10 triệu dân, nghĩa là có 5% người TP.HCM đã liên quan đến các “ổ dịch”, cũng có nghĩa là nếu chúng ta bước ra khỏi cửa nhà, cứ trong 100 người ta gặp trên đường, trong công việc hoặc các mối quan hệ khác, chắc chắn có 5 người đã dính dáng đến các F ở các “ổ dịch” khác nhau. Nên nhớ, đây là số đã được phát hiện, trên thực tế có thể sẽ còn cao hơn.
Cũng có suy nghĩ đặt ra là, nếu hên, ta vẫn có thể không gặp phải bất cứ F nào trong số cả trăm người ta gặp mỗi ngày; đồng thời, cũng có ý kiến cho rằng, nếu xui, có thể ta đã rất hạn chế tiếp xúc, chỉ gặp 10 người nhưng cả 10 đều là các F. Vì thế, đừng trông chờ vào hên xui lúc này; phương án tối ưu để giảm thiểu nguy cơ chỉ có thể là chuyển công việc lên online, ở yên trong nhà, nếu phải tiếp xúc thì những người đó là đối tượng bắt buộc phải tiếp xúc và phải chịu trách nhiệm về nhau, như là người thân ruột thịt trong gia đình chẳng hạn.
Nếu lấy 500.000 người chia trung bình cho 600 ca bệnh, thì sẽ không quá khó để nhìn thấy, cứ một bệnh nhân xuất hiện, sẽ có liên quan đến 833 người. Theo đó, hoàn toàn có thể tính ra được, Chính phủ sẽ tốn bao nhiêu chi phí cho tất cả các công đoạn, từ truy vết, khoanh vùng, cách ly, khử khuẩn, xét nghiệm, tiêm vaccine…
|
Lấy mẫu xét nghiệm trong vùng phong toả vì BN COVID-19 - Ảnh: HCDC |
Quay trở lại bài toán về kinh tế, dịch bệnh tăng cao, nguồn chi đổ vào khắc phục dịch bệnh quá lớn, kéo lệch hẳn cán cân thu chi, trong lúc nguồn thu sụt giảm trầm trọng vì hầu hết doanh nghiệp đã phải đóng cửa. Mới chỉ 2 tuần dịch bệnh tăng “nóng”, TP.HCM đã có hơn 1.300 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, hơn 42.000 lao động mất việc, nhiều ngành nghề có thể bị “xoá sổ” vì không còn cơ hội phục hồi.
Có lẽ bất cứ người dân nào cũng không muốn lãnh trách nhiệm giải bài toán quá khó này. Và, có lẽ, bất cứ người dân nào cũng không muốn mình là đối tượng góp phần làm tăng thêm gánh nặng chất lên vai lực lượng chống dịch, Chính phủ và Nhà nước.
Ở các đợt lây nhiễm trước, khi Hải Dương, Đà Nẵng... trở thành vùng dịch, một số người quê gốc Đà Nẵng, Hải Dương đã phản ứng vô cùng mạnh mẽ về việc các địa phương khác muốn cách ly người về từ vùng dịch. Thậm chí, trong nhiều chung cư, cư dân di chuyển từ quê là vùng dịch vào TP.HCM còn căng thẳng chửi bới, khi người khác yêu cầu họ công khai danh tính để các bên cùng chủ động cách ly nhau.
Liệu có phải dịch bệnh như bão tố lan tràn, gánh nặng sụt giảm kinh tế khiến tâm lý con người trở nên bất ổn? Hay là do ảnh hưởng của việc đình trệ huỷ bỏ mọi hoạt động văn hoá, các gia đình và cá nhân cũng cắt gần như hầu hết các khoản đầu tư cho văn hoá, khiến cho nền tảng vốn dĩ còn chưa chắc chắn đã tiếp tục bị xói lở thêm nhiều?
Thời dịch bệnh, công khai danh tính khi di chuyển giữa các vùng dịch có thể trở thành chuyện bình thường được không? Những người có bản lĩnh còn treo biển trước cửa nhà “Đang cách ly vì có người đi từ vùng dịch về”. Đọc tấm biển đó, chắc chắn hàng xóm không kỳ thị, mà còn cảm thấy kính trọng hơn những người đã công khai minh bạch về thông tin. Các tài khoản mạng xã hội đăng tải những tấm biển này đều có lượt like share chóng mặt.
Chủ tịch UBND TP.HCM – ông Nguyễn Thành Phong, trong nhiều cuộc họp đều nhắc nhở, cán bộ và nhân dân TP.HCM trong giai đoạn này hết sức cân nhắc nếu buộc phải di chuyển từ vùng dịch này sang vùng dịch khác.
|
Cần hết sức cân nhắc khi di chuyển từ vùng dịch này sang vùng dịch khác |
Người TP.HCM giai đoạn này buộc phải chấp nhận bị cách ly, các địa phương khác không sẵn sàng để người từ vùng dịch được đi vào và hoạt động thoải mái trên địa bàn chưa có dịch bùng phát mạnh của họ. Đồng thời, ngay khi ở tại TP.HCM, cách tốt nhất để khoanh vùng dập dịch cũng là nhà nọ cách ly với nhà kia, người nọ cách ly với người kia, chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch.
Thực sự, ta chỉ có thể kiểm soát tốt nhất những gì của chính ta. Đừng ỷ lại, mong ngóng những thứ từ bên ngoài, giả sử như trông chờ vào phương án cứu rỗi vaccine COVID-19, bởi Chính phủ đã cực kỳ nỗ lực đàm phán, nhưng dự kiến sớm nhất cũng phải mùa xuân 2022 mới có thể có được những lô vaccine lớn phù hợp với nhu cầu sử dụng. Theo lịch trình sản xuất vaccine Nano Covax của Việt Nam đến thời điểm đó có lẽ cũng đã hoàn thành để ai cũng được tiêm.
Nhưng từ giờ đến mùa xuân 2022, vẫn còn một khoảng thời gian khá dài, trong khoảng 8-9 tháng tới, nếu không ý thức tự cách ly, khoanh vùng, dập dịch, liệu có ai dám tưởng tượng về các con số sẽ tăng lên đến mức nào? Liệu cán cân kinh tế vốn đã nghiêng lệch nặng nề, còn chịu được đến bao lâu?
Chiến tranh, mất tự do, cái chết, đói nghèo, lạc hậu… trong quá khứ, chúng ta đều đã vượt qua, dù tất cả đều có quá nhiều yếu tố quyết định nằm ngoài bản thân chúng ta. Hiện tại, ai cũng biết rõ, đi qua được dịch bệnh hay không, phụ thuộc chủ yếu vào chính mỗi người, mỗi nhà, mỗi khu phố, tỉnh thành, quốc gia, vùng, lãnh thổ.