TP.HCM: Bình tĩnh chuẩn bị phương án ứng phó với tình huống 5.000 ca nhiễm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – TP.HCM đang điều trị hơn 837 bệnh nhân, riêng “ổ dịch” nhóm truyền giáo 441 ca bệnh. Sở Y tế đề nghị xây dựng phương án, sẵn sàng với tình huống 5.000 ca nhiễm.
TP.HCM họp Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19, xác định tinh thần bình tĩnh chuẩn bị phương án ứng phó với tình huống có 5.000 ca nhiễm (Ảnh: TTBC)
TP.HCM họp Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19, xác định tinh thần bình tĩnh chuẩn bị phương án ứng phó với tình huống có 5.000 ca nhiễm (Ảnh: TTBC)

Cẩn trọng với môi trường kín, sử dụng điều hoà

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM sáng 11/6, ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết:

“TP.HCM đã có hơn 837 ca bệnh COVID-19 đang được điều trị. Trong đó, số bệnh nhân nhiễm COVID-19 trong cộng đồng chiếm tỷ lệ tới 71%; đã có 2 ca tử vong. Tổng số trường hợp liên quan chuỗi truyền giáo Phục Hưng đang là 441 ca bệnh”.

Ông Bỉnh cho biết thêm các chi tiết: “Khu nhà trọ ở phường 5, quận 1 có 23 ca bệnh. Trường mầm non song ngữ Kid House có 29 ca bệnh. Công ty TNHH Giải pháp tầm nhìn IDS đang là 50 ca bệnh. Liên quan đến quán cà phê Trung Nguyên (104 Phổ Quang, quận Tân Bình) có 63 ca bệnh. Đa số ca bệnh tại quán cà phê Trung Nguyên là nhân viên của cửa hàng, cư trú tại phường 15 quận Bình Thạnh nên đã lây lan dịch bệnh sang địa bàn này. Công ty Thiên Tú FN có trụ sở ở ngay sau trụ sở của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, có tới 91 ca nhiễm”.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - Ảnh: Huyền Mai

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - Ảnh: Huyền Mai

Với số ca bệnh rất lớn và yếu tố địa lý ở gần “ổ dịch” nhóm truyền giáo Phục Hưng của công ty Thiên Tú FN, ông Nguyễn Tấn Bỉnh khẳng định thêm một khía cạnh nữa là môi trường kín, không thông thoáng, sử dụng điều hoà sẽ dẫn đến lây nhiễm cực nhanh, mạnh dịch bệnh COVID-19.

Ngoài số bệnh nhân nhiễm trong cộng đồng chiếm 71% trong tổng số 834 ca bệnh, theo BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc CDC TP.HCM cho biết cụ thể đến nay TP.HCM ghi nhận là 595 ca bệnh, TP.HCM đã tiếp nhận điều trị BN COVID-19 từ nhiều nguồn khác, trong đó chủ yếu là các ca nhập cảnh và một số ca bệnh nặng từ các địa phương khác chuyển về.

Nhiều chuỗi lây nhiễm khác nhau

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết TP.HCM đã có 48 ca bệnh được phát hiện nhờ khám sàng lọc, thuộc các ổ dịch khác, nhiều ổ dịch chưa rõ nguồn lây, không liên quan đến chuỗi lây nhiễm nhóm truyền giáo Phục Hưng.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh nhấn mạnh: “TP.HCM cần xây dựng phương án, sẵn sàng với tình huống 5.000 ca nhiễm”. Giám đốc Sở Y tế yêu cầu các Bệnh viện tăng cường phối hợp trong điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt chú ý các ca bệnh nặng.

“Dự báo trong 10 ngày tới TP.HCM sẽ có thêm nhiều ca nhiễm mới từ các ổ dịch khác nhau, đề nghị lãnh đạo thành phố tiếp tục giãn cách xã hội để cách ly, phòng dịch; sau 15 ngãy giãn cách sẽ có đánh giá cụ thể về tình hình diễn biến dịch bệnh để đưa ra phương án tiếp theo. Yêu cầu tuân thủ khai báo y tế chặt chẽ, đặc biệt kiểm soát các khu cách ly tập trung, không để xảy ra lây nhiễm chéo. Chỉ cần mở khẩu trang ra ăn uống thôi đã có thể dẫn tới lây nhiễm, đây là bài học đã rút ra từ trường hợp tại BV quận Tân Phú” – Ông Nguyễn Tấn Bỉnh nhấn mạnh.

Sơ đồ chuỗi lây nhiễm tại chung cư Ehome 3 - Ảnh: HCDC

Sơ đồ chuỗi lây nhiễm tại chung cư Ehome 3 - Ảnh: HCDC

BS Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc CDC TP.HCM cho hay: “TP.HCM đã lập biểu đồ lây nhiễm COVID-19. Đầu tuần vừa rồi, số ca nhiễm trong cộng đồng trung bình khoảng 30 ca một ngày; trong hai ba ngày cuối tuần đã tăng lên đáng kể, trở thành 50-60 ca nhiễm một ngày. Chủ yếu vẫn đang tập trung tại quận Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức… Hiện tại tổng số bệnh nhân ghi nhận nhiễm trong cộng đồng trên địa bàn TP.HCM là 595 trường hợp”.

“Có tổng cộng 30 Bệnh viện ở TP.HCM đã phát hiện bệnh nhân đến khám có triệu chứng COVID-19, tất cả các BN này đều được đưa vào khu vực khám sàng lọc, kiểm soát lây nhiễm. Tuy nhiên, cần hiểu rằng khi BN đến khám có triệu chứng thì đã chứng tỏ dịch đã lây lan vào cộng đồng từ trước đó rồi, cần truy vết thật nhanh” - BS Nguyễn Trí Dũng nói.

Bình tĩnh xây dựng phương án dập dịch

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong điểm lại một số chuỗi ca bệnh lớn tại TP.HCM. Ông Phong nhấn mạnh: “Chùm ca nhiễm tại khách sạn Sheraton đã kiểm soát được. Chùm ca bệnh ở Dương Quảng Hàm, phường 5, quận Gò Vấp là một tâm điểm mới. Tuy đã được phong toả, ít có nguy cơ lây sang cộng đồng nhưng một số nhân viên làm việc ở Công ty Nàng Khô, do tiếp xúc với F0, đã lây bệnh sang tỉnh Trà Vinh. Chùm ca nhiễm 50 ca tại Công ty TNHH Giải pháp tầm nhìn IDS và chùm ca nhiễm tại Công ty Thiên Tú FN với 91 ca nhiễm dù đã trong vùng phong toả nhưng vì tính chất nghiêm trọng nên rất cần CDC và lực lượng chức năng chú ý giám sát thật chặt”.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong điểm lại một số chuỗi ca bệnh lớn tại TP.HCM đồng thời yêu cầu sẵn sàng năng lực điều trị - Ảnh: TTBC

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong điểm lại một số chuỗi ca bệnh lớn tại TP.HCM đồng thời yêu cầu sẵn sàng năng lực điều trị - Ảnh: TTBC

Báo cáo của Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, ông Nguyễn Trí Dũng cho hay: “Quận đã cắt đứt được chùm lây nhiễm tại Dương Quảng Hàm sau 12 ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 16. Giao thông trong quận Gò Vấp đã được ổn định. Các dịch vụ thiết yếu, nhu yếu phẩm được đảm bảo cho người dân trong vùng phong toả; dịch vụ công hạn chế mọi giao tiếp trực tiếp, chuyển sang online. Nhờ giãn cách xã hội, đã giảm đáng kể khả năng lây nhiễm trong cộng đồng, với sự đồng lòng của người dân và lực lượng chức năng, khả năng dập dịch là hoàn toàn khả thi”.

Chủ tịch UBND TP.HCM gợi ý về việc quận Gò Vấp nên có đề xuất cụ thể với lực lượng chức năng về việc khoanh vùng phong toả hẹp lại, kết thúc cách ly đối với các khu vực đã cắt đứt được chùm lây nhiễm, kiểm soát ổn định tình hình.

Ông Lê Trương Hải Hiếu – Chủ tịch UBND quận 12 - báo cáo khu vực phường Thạnh Lộc quận 12 đã cắt đứt chuỗi lây nhiễm, đề nghị đến ngày 15/6 sẽ được kết thúc giãn cách theo Chỉ thị 16, chuyển sang giãn cách theo Chỉ thị 15.

Ông Phạm Minh Mẫn – Chủ tịch UBND quận Tân Phú - cho biết có 46 F0, ca nặng nhất là cán bộ Công an mắc COVID-19 là trường hợp đang phải chạy ECMO tại BV Chợ Rẫy, các ca F1 trong quận đều đang nhận kết quả xét nghiệm âm tính.

Ông Dương Hồng Thắng – Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết huyện hiện có 38 ca F0. Ông Thắng có ý kiến, cần xác định rõ trong địa bàn giãn cách xã hội cần làm gì cụ thể với từng khu vực; ngoài việc truy vết thật nhanh, cần xét nghiệm mở rộng để nhanh chóng khoanh vùng.

Ông Nguyễn Bá Thành – Chủ tịch UBND quận Tân Bình - cho hay, quận có 55 F0, liên quan nhóm truyền giáo Phục Hưng là 35 ca. Sau 10 ngày giãn cách xã hội, tuy người dân và doanh nghiệp đều thiệt hại về kinh tế nhưng đã đồng thuận chấp hành nghiêm. Quận có 53 chốt kiểm dịch, đề nghị tiếp tục giãn cách xã hội để kiểm soát tình hình tốt hơn và không bị phân tán lực lượng chống dịch.

Bình tĩnh lên phương án đối phó với tình huống có 5.000 ca nhiễm - Ảnh: Zing

Bình tĩnh lên phương án đối phó với tình huống có 5.000 ca nhiễm - Ảnh: Zing

“Riêng 4 ca bệnh tại 4 khu công nghiệp, do phát hiện sớm và khoanh vùng kịp thời cho nên đến hiện tại chưa phát hiện thêm bệnh nhân mới. Với tình hình đó, phải nhìn nhận rõ, TP.HCM đã cơ bản kiểm soát được chùm lây nhiễm từ nhóm truyền giáo Phục Hưng và đang tiếp tục xử lý kiểm soát các chùm lây nhiễm khác, từ 48 ca bệnh được phát hiện nhờ khám sàng lọc” – ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

“Thực ra thì ngay cả chùm 7 bệnh nhân đầu tiên của nhóm truyền giáo Phục Hưng cũng được phát hiện nhờ khám sàng lọc tại BV Nhân dân Gia Định. Chuỗi 9 bệnh nhân vừa phát hiện tại chung cư Ehome 3 (quận Bình Tân) và chuỗi 28 bệnh nhân vừa phát hiện tại xưởng cơ khí ở huyện Hóc Môn cũng đều là nhờ khám sàng lọc. Tôi đã chỉ đạo từ đầu dịch, công tác sàng lọc tại BV phải làm thật chặt. Hễ cơ sở y tế nào sơ hở sẽ phải chịu hậu quả ngay, cụ thể là BV quận Tân Phú” – Ông Phong nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, những ổ dịch đã được kiểm soát thì có thể tương đối an tâm, còn các ổ dịch lớn, cho dù trong vùng phong toả vẫn buộc phải kiểm soát thật chặt, truy vết thật nhanh theo nơi ở và nơi làm việc của các bệnh nhân; tăng cường kiểm soát phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao là nơi có môi trường dễ lây lan; mở rộng xét nghiệm toàn bộ cán bộ nhân viên của các công ty, nhà máy, xí nghiệp có ca F0.

Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo: "Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm; phân công 7 Bệnh viện của TP.HCM chuyên điều trị COVID-19 với công suất 2.000 giường, chuẩn bị thêm 3.000 giường tại các BV Dã chiến để chuẩn bị cho tình huống có 5.000 ca bệnh".