|
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT cho biết, năm 2014, doanh thu và lợi nhuận của HPG đạt 25.825 tỷ và 3.250 tỷ đồng, vượt 12% và 48% so với kế hoạch đã đặt ra.
"Đây là năm đầu tiên ghi nhận sự tăng trưởng nhảy vọt nhất từ trước đến nay, doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt tăng trưởng 35% và 62% so với cùng kỳ năm trước", ông Long cho hay.
Cũng theo ông Long, năm 2014 đã đánh dấu cột mốc sản lượng sản xuất và sản lượng tiêu thụ đều vượt quá 1 triệu tấn thép thành phẩm, nhóm ngành sản xuất và kinh doanh các mặt hàng về thép chiếm tới trên 77% doanh thu và 68% lợi nhuận toàn Tập đoàn.
Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng, năm 2015 sẽ là năm khó khăn với HPG khi mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh thép, khoáng sản. Để đạt được mức độ tăng trưởng những năm tiếp theo HPG phải tìm kiếm nguồn hàng mới.
"Ban điều hành nhận định năm 2015 sẽ phải vượt qua thách thức. Giá đầu vào đã giảm, giá đầu vào giảm tạo áp lực cạnh tranh lớn cho Hòa Phát nói chung và những ngành hàng đang hoạt động. Hội nhập quốc tế, FTA cũng khiến cạnh tranh ngày càng sâu sắc hơn", ông Long phân tích.
Đại diện HPG cũng cho biết, mục tiêu đặt ra trong năm 2015, doanh thu và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 22.500 tỷ đồng và 2.300 tỷ đồng. Mức chi trả cổ tức năm 2015 dự kiến là 20%.
Ngoài ra, HĐQT HPG cũng cho biết phương án chia cổ tức năm 2014 với tỷ lệ 30% (trong đó 10% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu) và phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn thặng dư vốn cổ phần trên BCTC hợp nhất cho năm kết thúc ngày 31/12/2014.
Theo đó, tỷ lệ phát hành là 30%. Cả hai phương án trên đều dự kiến thực hiện trong quý 2/2015.
HĐQT HPG cũng trình cổ đông thông qua phương án trích lập các quỹ năm 2014, trong đó trích 32,5 tỷ đồng thù lao HĐQT và 52,5 tỷ đồng khen thưởng Ban điều hành.
Bước vào phần hỏi đáp, các vấn đề chủ yếu được các cổ đông quan tâm liên quan đến cạnh tranh của HPG với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thép, vì sao kế hoạch doanh thu, lợi nhuận của HPG năm 2015 khiêm tốn.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT: Sắt thép sẽ cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tăng trưởng không mạnh so với sức sản xuất. Thị trường trong nước, năm nay dự kiến nhu cầu tăng trung bình 11% nhưng sức sản xuất tăng 20-22%.
Thêm nữa bối cảnh Việt Nam tham gia sâu vào các FTA, độ mở của nền kinh tế và ngành công nghiệp sắt thép là khó khăn nhưng cũng là cơ hội để Hòa Phát có thể xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Ngành thép của Việt Nam cạnh tranh lớn nhưng chúng tôi muốn gửi đến quý cổ đông rằng trong cuộc cạnh tranh này chúng ta chuẩn bị sẵn tinh thần. Nhiều doanh nghiệp khó khăn nhưng Hòa Phát sẽ lại ngoạn mục trong năm 2015.
- Hòa Phát sẽ cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc về lĩnh vực sản xuất thép như thế nào?
Ông Trần Đình Long: Câu chuyện cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc là câu chuyện xưa như trái đất. Chúng ta chấp nhận cạnh tranh và cố gắng sản lượng 2015 đạt 1,2 triệu tấn trong khi năm 2014 là 1 triệu ngàn tấn. Trong giai đoạn cung vượt cầu làm như vậy là tốt rồi.
Ông Trần Tuấn Dương, Phó Chủ tịch HĐQT: Trung Quốc là quốc gia sản xuất nửa lượng thép toàn thế giới, là cường quốc sắt thép nhưng công ty chúng ta đã tiến tới công nghệ, quy mô cỡ như Trung Quốc. Chúng ta hoàn toàn đủ sức cạnh tranh với thép Trung Quốc mặc dù thêm một nhà nhập khẩu, nhà cạnh tranh là khó khăn.
- Tồn kho về thép của HPG ra sao, thưa HĐQT?
Ông Trần Đình Long: Ngành hàng nào cũng vậy khi các công ty càng lớn, tồn kho càng lớn. Mức độ tồn kho, giảm giá, thoát hàng, đẩy hàng cố gắng thuộc nhóm tốt nhất trong các công ty ngành thép.
Tháng 3/2015 HPG đã lập nhiều kỷ lục. Bộ phận bán hàng thép báo cáo tháng 3 chúng ta đã bán được 150 ngàn tấn thép, chắc chắn lớn nhất thị trường thép Việt Nam và kỷ lục của chính Hòa Phát.
- Nhà máy Formosa có trở thành đối thủ cạnh tranh của HPG?
Ông Trần Đình Long: Mặt hàng giai đoạn 1 của Fomosa đi vào hoạt động nhưng sản phẩm khác, là thép cuộn cán nóng dành cho ngành hàng chế biến, không phải xây dựng.
Trước mắt 3-5 năm tới không ảnh hưởng nhưng suy cho cùng chúng ta sẽ chấp nhận cạnh tranh.
- Tại sao kế hoạch năm 2015 khiêm tốn?
Ông Trần Đình Long: Chúng ta mất nguồn lợi nhuận 700 tỷ từ Magarin. Tình hình giá nguyên liệu xuống kinh hoàng như vậy, tôi mong nhiều hơn nhưng cơn bão giảm giá chúng ta giữ được lợi nhuận như năm nay là tốt và đáng biểu dương Ban điều hành.
Đây không phải kế hoạch khiêm tốn mà là kế hoạch cao, sẽ rất rất khó khăn.
- Xin HĐQT cho biết kế hoạch đầu tư năm 2015?
Ông Trần Tuấn Dương: Chúng ta đã mua công ty thép Đà Nẵng, dù đây chỉ là thương vụ mua bán không ồn ào nhưng đây là M&A rất thành công. Đây là công ty đã 6 năm liên tiếp không có lãi nhưng khi chúng ta mua lại đã có lãi và hoạt động tốt.
Đầu tư lớn nhất là trị giá 3.000 tỷ đã giải ngân hơn 1.000 tỷ. Các khoản đầu tư gần như không phải vay mà do lợi nhuận để lại.
Ngoài ra, đầu tư cho thức ăn chăn nuôi với vốn điều lệ 500 tỷ, đây là bước đầu tiên đặt chân vào mảng kinh doanh mới nhiều khó khăn nhưng có nhiều tiềm năng.
- Việc chia cổ tức có ảnh hưởng bất lợi đến giá cổ phiếu?
Ông Trần Tuấn Dương: HĐQT đã họp 2-3 lần mới trình cổ đông, chia cổ tức là hợp lý với lợi nhuận, doanh thu, vốn điều lệ hiện nay của HPG. Chúng tôi nghĩ năm 2018-2020 vốn điều lệ sẽ tăng trên 10.000 tỷ đồng, muốn lớn tăng cả quy mô hoạt động, vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ.
Ông Trần Đình Long: Kế hoạch 2015 dựa trên cơ sở khách quan, cái nhìn thị trường cạnh tranh. Điều quan trọng hết năm 2015 mọi người sẽ thấy kết quả kinh doanh của công ty trên sàn như thế nào.
Việc chia cổ tức của 2015 vẫn làm theo truyền thống dự tính 20% và phụ thuộc 2016 và các năm khác sau để tính toán. Cuối năm 2015 mới có câu trả lời.
Ở đây tôi cũng nhấn mạnh, theo truyền thống HPG thường chia hài hòa 1 phần trích lại tiếp tục dùng vốn, một mặt tiền mặt, tăng vốn tiếp tục tái đầu tư.
Ban điều hành chịu áp lực lớn về việc đầu tư như làm thế nào để lượng tiền mặt sinh sôi nảy nở.
Ông Trần Tuấn Dương: Lúc muốn chia cổ tức tiền mặt, lúc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Nếu chia tiền mặt sẽ nhàn quá, làm bao nhiêu tiền chia hết nhưng HPG giữ tham vọng, sau này vốn điều lệ tăng lên, muốn tăng trưởng, tham gia ngành mới đẩy mạnh sản xuất cách tốt nhất là khi làm ra lợi nhuận, chia 1 phần, để lại 1 phần để tăng trưởng nhiều.
- Việc tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp được kỳ vọng ra sao?
Ông Trần Đình Long: Có ý kiến cho rằng lĩnh vực này là mốt mà các tập đoàn lớn nhảy vào nhưng trường hợp HPG không phải như vậy. Việc người khác làm tôi không quan tâm, Hòa Pháp đi đúng yêu cầu và đúng truyền thống của Hòa Phát.
Lĩnh vực nào cũng khó khăn, thậm chí ngành chăn nuôi còn khó khăn hơn ngành thép. Nhưng nếu cơ hội tốt sẽ tăng rất nhanh, thậm chí thành ngành hàng mũi nhọn với dự kiến năm 2020 sẽ có 1 triệu tấn thức ăn gia súc, 1 triệu đầu lợn.
Chúng ta không mù quáng, lao đầu làm mà làm sao vừa tồn tại phát triển, vừa không ảnh hưởng đến các ngành hàng truyền thống hiện tại của Hòa Phát.
- Lợi thế của Hòa Phát vào chăn nuôi là gì?
Ông Trần Đình Long: Hòa Phát có 2 ưu thế là tổ chức sản xuất lớn và cách làm thận trọng với tinh thần máu lửa.
Với thực tế kinh tế Việt Nam thì hầu hết các ngành hàng, doanh nghiệp đều là mới. 19 năm trước Hòa Phát bước chân vào ngành thép cũng bị đánh giá "biết gì về thép mà làm" nhưng sau 20 năm Hòa Phát đã có vị thế như ngày hôm nay.
Điều đó để thấy Hòa Phát không phải lần đầu bước chân vào ngành mới và cũng không ngại cạnh tranh.
Hiện nay, Hòa Phát mới chỉ làm thử nghiệm chứ không phải quyết làm bằng mọi giá. Chỉ khi nào làm thử nghiệm có kết quả tốt công ty mới mở rộng.
Theo Bizlive