|
Theo ông Trường, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) từ năm ngoái đã bắt đầu thực hiện nhiều dự án dệt 100% vốn cũng như hợp tác với các công ty khác nhằm đón đầu Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tuy nhiên, lượng vải được tập đoàn sản xuất dự kiến chỉ dùng để cung ứng cho các công ty thành viên, liên kết của tập đoàn mà không bán ra thị trường.
Từ năm 2013, Vinatex đã đầu tư 51 dự án, trong đó có 14 dự án sợi, 15 dự án dệt, 15 dự án may, và 7 dự án khác (hạ tầng, trường đào tạo...), với tổng mức đầu tư trên 8.000 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành vào năm 2016, các dự án, năng lực sản xuất vải của Vinatex tăng thêm 100 triệu mét, nâng năng lực sản xuất vải của toàn tập đoàn lên 300 triệu mét, có khả năng đáp ứng 50-60% nhu cầu của toàn tập đoàn. Riêng Tổng công ty Cổ phần may Việt Tiến mỗi năm đã cần khoảng 100 triệu mét vải để sản xuất hàng may mặc.
Có thể thấy, với sự lớn mạnh liên tục, ngành dệt may Việt Nam đang là đối tượng cạnh tranh trên toàn thế giới, vì thế việc đổi mới, sáng tạo đang là áp lực đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
"Nhằm thích nghi tốt trong điều kiện mới, Vinatex đang đầu tư theo chuỗi từ sợi, dệt, nhuộm. Điều này có tác dụng tích cực cho ngành, giúp chủ động nguồn nguyên liệu và hạn chế nhập siêu.
Quan trọng hơn, với việc chủ động nguồn vải, sản phẩm của các doanh nghiệp sẽ đáp ứng được điều kiện xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan. Vì vậy, vải là sản phẩm cạnh tranh của Vinatex", ông Trường cho biết.
Ông Lê Quốc Ân, Cố vấn cao cấp của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), thành viên nhóm công tác của Vitas tham gia đàm phán TPP cho biết, Hiệp định TPP sẽ mang lại cho ngành dệt may Việt Nam cơ hội rất lớn ở các thị trường thuộc khu vực này, đặc biệt là ở thị trường Mỹ.
"Hiện nay, mức thuế suất trung bình của 1.000 dòng thuế NK sản phẩm dệt may của Việt Nam vào Mỹ ở mức 17%, trong đó, nhiều dòng sản phẩm phải chịu mức thuế cao trên 30%, nếu được giảm hoặc miễn còn 0% thì dệt may Việt Nam sẽ có lợi thế tranh rất lớn trước các nước XK khác trong khu vực", ông Ân cho biết.
Tuy nhiên để được hưởng ưu đãi này thì đó phải là sản phẩm dệt may của Việt Nam. Nhưng trên thực tế bên cạnh sự khởi động chậm chạp của các DN dệt may trong nước thì một làn sóng DN dệt may nước ngoài đã kịp đổ bộ vào Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp dệt may của Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông... đã nhanh chóng đầu tư vào Việt Nam xây nhà máy sợi, dệt, nhuộm... để đón đầu TPP. Và không như các doanh nghiệp trong nước chỉ thực hiện những khâu đơn giản tạo giá trị thấp, các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam với kế hoạch sản xuất khép kín từ việc tạo nguồn nguyên liệu đến khâu thành phẩm cuối cùng để xuất khẩu.
Tại TP Hồ Chí Minh, Công ty Forever Glorious thuộc tập đoàn Sheico (Đài Loan) cam kết đầu tư 50 triệu đô la Mỹ để triển khai một dự án hoàn chỉnh từ dệt vải đến sản xuất các sản phẩm may mặc chuyên dụng cao cấp cho thể thao dưới nước.
Công ty Gain Lucky Limited thuộc tập đoàn Shenzhou International (Trung Quốc) sẽ đầu tư 140 triệu đô la Mỹ để phát triển dự án Trung tâm Thiết kế thời trang và sản xuất các sản phẩm may mặc cao cấp.
Ở khu vực phía Bắc, tập đoàn Dệt may Yulun Giang Tô (Trung Quốc) vừa được chính quyền tỉnh Nam Định cấp phép đầu tư nhà máy theo quy trình khép kín từ sản xuất sợi, đến dệt, nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu đô la Mỹ.
Một nhà đầu tư của Hồng Kông cũng đã đề xuất dự án khu công nghiệp dệt may quy mô 1.000 héc ta tại địa bàn tỉnh này.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng Trung Quốc đang muốn giành lấy cơ hội khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà họ không phải là thành viên.
"Nếu với tư cách là một nhà đầu tư FDI thì Trung Quốc chỉ là một nhà đầu tư nhỏ ở Việt Nam. Tuy nhiên cái bất cập ở đây là Trung Quốc không phải bỏ tiền vốn đầu tư nhưng lại nhận được rất nhiều dự án lớn ở Việt Nam ở các ngành quan trọng", bà Lan cho biết.
Theo đó bà Lan cũng như nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng nếu các DN dệt may Việt Nam không nhanh chân, các chính sách không kịp thời thì cơ hội này Việt Nam cũng không nhận được giá trị thực của nó.
Theo Đất Việt