Ngày 11/10, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức hội thảo “Hiểu đúng về ô nhiễm không khí tại Hà Nội - Hành động của chính quyền và người dân”.
Nêu quan điểm tại Hội thảo, ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội là khí thải từ phương tiện cá nhân, đặc biệt trong đó là gần 5,7 triệu xe máy.
Theo ông Tùng, thời gian qua thành phố Hà Nội cùng các sở ngành liên quan đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế nguồn thải ô nhiễm không khí từ gần 5,7 triệu chiếc xe máy, trong đó có giải pháp giảm số lượng xe máy, hạn chế phương tiện cá nhân và tăng cường phương tiện giao thông công cộng.
Đóng góp ý kiến về giải pháp, TS Hoàng Dương Tùng đề nghị Thành phố nên phối hợp với các nhà sản xuất thiết lập hệ thống kiểm tra chất lượng khí thải xe máy - giải pháp đã được nhiều thành phố lớn trên thế giới áp dụng và mang lại hiệu quả cao.
Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam đề nghị, quá trình kiểm tra, nếu phát hiện nguồn khí thải vượt ngưỡng cho phép thì chủ xe đó phải bỏ tiền ra sửa chữa. Khi nào xe máy đạt tiêu chuẩn thì mới được lưu thông trong nội thành.
Ngoài ra, TS Hoàng Dương Tùng cũng đề xuất thành phố Hà Nội nên lập một số vùng, trong đó quy định nếu xe máy đạt tiêu chuẩn khí thải, đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật mới được đi vào.
“Đó không phải kinh nghiệm do tôi nghĩ ra mà một số nước họ đã làm và việc này hoàn toàn có thể áp dụng ở thành phố Hà Nội”, ông Tùng chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, Chi Cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở TN-MT) Mai Trọng Thái đề xuất, quá trình sửa chữa, bảo hành, bảo trì, các hãng dùng máy đo khí thải xe máy, sau đó mới dán tem công nhận chiếc xe đó đảm bảo quy chuẩn, không gây ô nhiễm mới cho tham gia giao thông.
Theo ông Thái, chính việc kiểm tra, dán tem xe máy đạt quy chuẩn tham gia giao thông như vậy là hành động bảo vệ môi trường của người dân. Ông Thái cho rằng, việc bảo vệ môi trường xuất phát từ những việc làm rất nhỏ từ mỗi cá nhân, nhưng có ý nghĩa lớn với xã hội.
Liên quan đến trách nhiệm của người dân, phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Văn Khải – nguyên trưởng phòng Sensor của Viện kỹ thuật quân sự Việt Nam, cho rằng, “quan trọng là dân phải làm gì”.
“Trồng cây xanh, tại sao không phát động toàn dân mà chỉ mỗi nhà nước làm? Ví dụ như phát động tất cả các trường trồng phượng vĩ, mùa hè thì che nắng, mùa đông rụng lá để có ánh nắng cho các cháu ngồi chào cờ buổi sáng” – ông Khải nói.
TS Nguyễn Văn Khải cũng cho rằng, không thể có giải pháp xử lý đồng loạt như nhau. “Ô nhiễm ở nhà máy A khác, nhà máy B khác, chỗ rửa xe khác, chỗ khách sạn khác... nên phải có giải pháp cho từng khu dân cư, từng cơ sở sản xuất, từng cơ sở dịch vụ... Cần xác định nguồn gây ô nhiễm là cái gì để đưa ra giải pháp cụ thể với từng đối tượng” – TS Nguyễn Văn Khải nói.
TS Khải cũng nhấn mạnh, dù các thiết bị đo có khác nhau, nhưng tất cả đều thể hiện rằng trời mưa thì nồng độ bụi ô nhiễm giảm hơn, do vậy, Hà Nội nên tăng cường trở lại hoạt động rửa đường để giảm thiểu bụi.