|
Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái |
Hôm nay (5/3), phát biểu tại buổi Toạ đàm “Làm tổ cho đại bàng nội”, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI – đánh giá nền kinh tế tư nhân đã trở thành yếu tố dẫn dắt nền kinh tế. Việt Nam có nền kinh tế tư nhân đông đảo, không phải chỉ có 800 nghìn doanh nghiệp, mà là trên 6 triệu doanh nghiệp (bao gồm cả các hộ kinh doanh).
Theo tính toán của ông Lộc, Việt Nam có bình quân 24 doanh nghiệp/1.000 người, không thua kém bất cứ quốc gia nào.
“Tuy nhiên, chúng ta chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp mạnh, thiếu các doanh nghiệp cỡ vừa trong nền kinh tế”, ông Lộc nói. Do đó, định hướng chính sách cần tập trung nâng cấp chất lượng và quy mô doanh nghiệp, hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn, cỡ vừa.
“Hỗ trợ doanh nghiệp lớn không phải theo kiểu cầm tay chỉ việc hay tiền bạc, quan trọng là thể chế, môi trường kinh doanh phải an toàn, bình đẳng”, ông Lộc nêu quan điểm.
|
Toàn cảnh buổi toạ đàm “Làm tổ cho đại bàng nội” |
Nói về cụm từ ‘đại bàng nội’, chủ đề của toạ đàm, Chủ tịch VCCI bày tỏ mong muốn gọi các doanh nghiệp nội là ‘đàn rồng Việt”, không phải ‘dọn ổ’ mà là mở cửa, giúp doanh nghiệp trong nước 'tham gia điệu nhảy tango giữa ‘đàn rồng Việt’ và ‘đại bàng’ khắp thế giới'.
Trong khi đó, theo ông Phạm Đình Đoàn (Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái), các nước phát triển cũng có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu các doanh nghiệp đầu tàu, nên phải đi theo kiểu ‘xe – pháo – mã’, xác định rõ những doanh nghiệp lớn của nhà nước, của FDI, của khối tư nhân.
“Cần phải nghiên cứu sao cho ‘đại bàng Việt’ là một trong ba chân kiềng đó” – ông Đoàn nêu quan điểm. Theo vị Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, có hai cách để có thể tạo ra các doanh nghiệp lớn.
Thứ nhất, các doanh nghiệp có thể tham gia liên doanh, liên kết. Tuy nhiên, ông Đoàn cho biết rào cản để hình thành liên doanh là sự không minh bạch, ‘có nhiều điều khó có thể chia sẻ được’, của các doanh nghiệp,
“Bao nhiêu doanh nghiệp tự phát triển, bỏ ra hàng nghỉn tỉ để cạnh tranh nội địa với nhau, nên suy yếu dần, rồi doanh nghiệp ngoại nó vào mua nên rẻ lắm’, ông Đoàn nói. Bên cạnh đó, cũng cần xác định rõ doanh nghiệp Nhà nước làm gì, FDI làm gì, tư nhân làm lĩnh vực gì, tránh để tình trạng ‘trăm hoa đua nở’.
Thứ hai, xét ở góc độ quốc gia, trong các chiến lược kháng chiến hay phát triển kinh tế trước đây, thì việc huy động nguồn lực, tài sản trong dân là nhiều. Do đó, theo Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, để hình thành ‘đại bàng nội’ cần phải huy động sức dân, mà ở đó, cần phải tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch và an toàn.
Tại toạ đàm, TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương – đánh giá nền kinh tế tư nhân đã có sự phát triển ‘kỳ diệu’, góp phần giúp Việt Nam phát triển một cách năng động và đồng đều.
Bên cạnh đó, nền kinh tế tư nhân đã góp phần nâng cao sự bình đẳng giới tại Việt Nam, khi giám đốc các doanh nghiệp tư nhân là nữ hiện chiếm 28%, tỉ lệ cao trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, TS. Lê Đăng Doanh cũng lưu ý Việt Nam đang chậm so với thế giới về phát triển kinh tế số dù đã có những tập đoàn tiên phong. “Chúng ta muốn gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu thì phải tham gia kinh tế số”, ông Doanh cho biết./.