Để ngân hàng số thành công ở Đông Nam Á...

VietTimes – Việc xây dựng niềm tin được cho là thách thức mà các ngân hàng kỹ thuật số đang đối mặt và các công ty công nghệ như Grab, Ant Group, hay Sea Group, đã có nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này.

GXS Bank của liên doanh Grab - Singtel (Ảnh: Nikkei Asia/Tsubasa Suruga)

Theo Fitch Ratings, Đông Nam Á được xem là thị trường hấp dẫn cho các dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số với khoảng 290 triệu người không có tài khoản ngân hàng chính thức. Đây là thị trường rộng mở đang thu hút sự quan tâm lớn của các công ty công nghệ như Grab, Ant Group, Sea Limited,...

Như VietTimes từng đề cập, GXS Bank – ngân hàng số được sáng lập bởi liên doanh Grab và Singtel – mới đây đã công bố sản phẩm tài chính đầu tiên.

Bên cạnh Grab, tại Singapore, Ant Group đã cho ra mắt ngân hàng bán buôn kỹ thuật số với tên gọi ANEXT, chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính kỹ thuật số cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đồng thời tập trung vào các hoạt động kỹ thuật số khác. Sea Group cũng được Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) cấp giấy phép trong lĩnh vực này từ năm 2020.

Các công ty fintech cũng tiếp cận lĩnh vực này thông qua các hoạt động M&A, kể như việc WeLab (HongKong) mua lại Bank Jasa Jakarta, hay Singtel đầu tư 47 triệu USD vào Bank Fama của Indonesia.

Sự gia nhập của các 'tay chơi' mới đang làm nóng cuộc đua trong lĩnh vực ngân hàng số ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, vẫn có nhiều hoài nghi về sự thành công của lĩnh vực này, và sự thành công của các ngân hàng kỹ thuật số sẽ được đo lường như thế nào, đặc biệt là khi các ngân hàng truyền thống cũng tăng tốc chuyển đổi số.

Chia sẻ với Tech Wire Asia, bà Shweta Jain - Trưởng phòng sản phẩm (kỹ thuật số, dữ liệu và platform) Finastra – cho rằng, thành công của một ngân hàng kỹ thuật số có thể đo lường dựa trên những gì mà nền tảng đó cung cấp cho khách hàng. Jain tin rằng, mỗi ngân hàng số tại các nước khác nhau sẽ có những dịch vụ chuyên biệt và họ sẽ có cách 'định nghĩa' về sự thành công cho riêng mình.

Bà Shweta Jain - Trưởng phòng sản phẩm (kỹ thuật số, dữ liệu và platform) Finastra

Vị chuyên gia này cho biết, ở Hồng Kông, hiện có 8 ngân hàng kỹ thuật số được cấp phép. Các ngân hàng này hiện phục vụ hơn nửa triệu khách hàng. Cách đo lường sự thành công ở các nhà băng này cũng khác nhau. Điều tương tự cũng xảy ra ở Singapore, khi các chỉ số đo lường phụ thuộc vào từng mô hình kinh doanh.

Tại Malaysia, Jain tin rằng vẫn còn quá sớm để nói rằng các ngân hàng kỹ thuật số sẽ thành công như thế nào. Tuy nhiên, cô cảm thấy rằng ví điện tử là một câu chuyện thành công lớn ở Malaysia và ngân hàng kỹ thuật số dường như sẽ tiếp nối điều đó quốc gia này.

Niềm tin cho ngân hàng số

Việc xây dựng niềm tin nơi khách hàng được cho là thách thức mà các ngân hàng kỹ thuật số đang đối mặt và điều này sẽ quyết định sự thành công của họ.

“Các ngân hàng 'truyền thống' đã mất nhiều năm để xây dựng niềm tin. Sẽ mất một thời gian để các ngân hàng kỹ thuật số chứng minh độ tin cậy và được người tiêu dùng xem là an toàn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Không phải tất cả người tiêu dùng đều cảm thấy thoải mái với ngân hàng kỹ thuật số, đặc biệt là vì chúng không có sự hiện diện thực tế", bà Shweta Jain cho biết.

Dù vậy, bất chấp những mối lo ngại, ngân hàng số dường nhưng ngày càng được chấp nhận trong khu vực.

Theo Jain, an ninh mạng vẫn là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng khi sử dụng ngân hàng kỹ thuật số. Để đảm bảo niềm tin của người tiêu dùng, các ngân hàng phải đảm bảo việc các dịch vụ mà họ cung cấp trực tuyến thông qua ứng dụng hoặc thiết bị di động sẽ không bị xâm phạm.

Đây cũng là 'nút thắt' mà các công ty công nghệ lớn đang đóng một vai trò quan trọng. Họ đang làm cho công nghệ trở nên đơn giản hơn và an toàn hơn đối với người tiêu dùng.

Ví dụ, một nghiên cứu của Finanstra chỉ ra rằng, hầu hết người tiêu dùng thích giữ ví điện tử của họ tách biệt với tài khoản ngân hàng đến mức họ không muốn liên kết chúng.

Vị chuyên gia này cho hay, mỗi quốc gia có cách định vị ngân hàng số riêng và đó cũng là lý do vì sao số lượng giấy phép cho ngân hàng số là có giới hạn.

Ở Hồng Kông, các ngân hàng số phải có sự hậu thuẫn của một ngân hàng 'truyền thống' để có thể tiếp quản lại lượng khách hàng nếu các ngân hàng số này thất bại.

“Điều thú vị là các ngân hàng 'truyền thống' đang hoạt động không khác gì ngân hàng số. Họ cũng đang chuyển đổi số mạnh mẽ. Nếu có nhiều giấy phép hơn, các ngân hàng 'truyền thống' cũng sẵn sàng chuyển đổi. Sau cùng, người tiêu dùng sẽ quyết định sử dụng dịch vụ nào", Jain nói./.

Nguồn tham khảo: Tech Wire Asia