Một tòa án ở Thẩm Dương (Trung Quốc) mới đây đã chấp thuận đề nghị của các chủ nợ cho phép Zhongwang Holdings (Zhongwang) - nhà sản xuất nhôm hàng đầu thế giới - được mở thủ tục phá sản, theo Financial Times. Theo đó, công ty mẹ và 252 công ty con của Zhongwang sẽ tiến hành tái cấu trúc do không có khả năng thanh toán các khoản nợ.
“Zhongwang rõ ràng đã không còn khả năng trả nợ”, thông cáo được tòa án phát đi hồi tháng 9/2022 cho biết. Thông cáo cũng trích dẫn một số báo cáo từ hãng kiểm toán Mazars (có trụ sở tại Hồng Kông) đề cập tới 'núi nợ' 64 tỉ USD của các thành viên Zhongwang, trong khi tổng tài sản của tập đoàn này chỉ ở mức 28,1 tỉ USD (tính đến cuối tháng 3/2022).
Thậm chí, công ty thành viên của Zhongwang đang niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông tới nay vẫn chưa công bố các báo cáo thường niên năm 2021 và báo cáo bán niên năm 2022.
Sự lụi tàn của 'vua nhôm Trung Quốc'
Năm 2017, việc Zhongwang mua lại SilverYacht - công ty chuyên chế tạo siêu du thuyền của Úc - được xem như là minh chứng cụ thể cho tham vọng của tập đoàn chế biến nhôm hàng đầu Trung Quốc.
Khi ấy, Liu Zhongtian (Lưu Trung Điền) - nhà sáng lập kiêm cựu chủ tịch Zhongwang - nói rằng việc thâu tóm SilverYatchs sẽ giúp Zhongwang thâm nhập lĩnh vực hàng hải “với tốc độ tối đa”, đồng thời đưa những sản phẩm nhôm đùn của công ty áp dụng vào đóng thuyền cao cấp. Nhưng cũng có không ít cảnh báo về việc công ty này đã vay nợ quá nhiều và có thể dẫn đến phá sản.
Zhongwang nổi lên vào những năm 2000, khi ngành bất động sản Trung Quốc bùng nổ kéo theo nhu cầu lớn về vật liệu xây dựng. Sự vươn lên của Zhongwang đã giúp Liu trở thành người giàu nhất tỉnh Liêu Ninh giai đoạn 2014 - 2017.
Nhưng khi nền kinh tế nguội đi, hoạt động kinh doanh của công ty bắt đầu có dấu hiệu suy yếu, Zhongwang trở thành nạn nhân của việc mở rộng quá mức và mua tài sản nhờ vay nợ.
Zhongwang đã đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng, mở rộng dây chuyền sản xuất ở thành phố ven biển Thiên Tân vào năm 2016 nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của các lĩnh vực hàng không, hàng hải.
Tháng 9/2017, Zhongwang thực hiện thương vụ thâu tóm đầu tiên ở nước ngoài khi tiếp quản Aluminiumwerk Unna – một nhà máy của Đức chuyên sản xuất ống liền mạch được sử dụng trong máy bay.
Nhưng chính động thái này đã sớm thu hút sự chú ý của nhà chức trách phương Tây.
Cùng năm thực hiện thương vụ ở Đức, Zhongwang đã phải từ bỏ kế hoạch tiếp quản nhà máy nhôm Aleris trị giá 1,1 tỉ USD ở Mỹ vì vướng những lo ngại về an ninh quốc gia do Ủy ban Đầu tư nước ngoài của nước này đưa ra.
Đến năm 2019, công tố viên Mỹ đã cáo buộc 6 công ty có trụ sở tại phía Nam California có liên quan đến nhà sáng lập Zhongwang nhằm trốn thuế nhập khẩu nhôm, với số tiền ước tính lên tới 1,8 tỉ USD. Những công ty này cho biết, từ năm 2011 đến năm 2014 đã bán 2,2 triệu pallet nhôm cho một công ty ở Mỹ do Liu quản lý.
Cùng với các thương vụ ở nước ngoài, Liu Zhongtian cũng tích cực đầu tư vào lĩnh vực tài chính để có thêm nguồn vốn, cụ thể là Zhongwang Finance (đã phá sản).
“Sự sụp đổ của Zhongwang gây sốc nhưng không quá ngạc nhiên đối với những ai am hiểu về lĩnh vực này", Eugene Weng, một luật sư của Wintell&Co., nhận xét.
Tập đoàn này vẫn cố gắng chứng tỏ còn khả năng sản xuất khi công bố thỏa thuận cung cấp với nhà sản xuất xe lửa Huyndai Rotem của Hàn Quốc vài ngày trước phán quyết của tòa án.
Tuy nhiên, vụ phá sản Zhongwang đã phơi bày điểm yếu của mô hình kinh doanh mà tập đoàn này đang theo đuổi, kéo theo đó, nhiều nhà thầu cũng như chủ nợ đã phải hứng chịu hậu quả.
Weng cho biết việc thanh lý tài sản có thể gặp khó khăn do hoạt động sản xuất đã bị suy yếu bởi chính sách zero-Covid nghiêm ngặt của Trung Quốc.
Trung tuần tháng 10/2019, dư luận và truyền thông trong nước xôn xao trước thông tin đặc vụ của Bộ An ninh nội địa Mỹ đến Việt Nam điều tra gần 1,8 triệu tấn nhôm giả mạo xuất xứ. Đây là số lượng nhôm có nguy cơ giả mạo xuất xứ Việt Nam lớn nhất từ trước đến nay, với quy mô lên đến 4,3 tỉ USD.
Sự chú ý đổ dồn về kho nhôm khủng của Công ty TNHH Nhôm Toàn cầu Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. 'Vua nhôm Trung Quốc' Liu Zhongtian được cho là chủ sở hữu kho nhôm khủng này.
Theo truyền thông quốc tế, Liu Zhongtian đã bị bồi thẩm đoàn Mỹ khởi tố với cáo buộc buôn lậu và trốn thuế, bao gồm 24 tội danh, với tổng mức án có thể lên tới 465 năm tù./.
Nguồn tham khảo: Financial Times