Đây là nguyên nhân các thiết bị công nghệ chậm dần theo thời gian

Từ bê bối làm chậm iPhone của Apple, chúng ta đã biết được rằng pin là một nhân tố lớn khiến thiết bị chậm đi, nhưng liệu thay pin có thực sự giúp thiết bị 'mới như cũ'?
Đây là nguyên nhân các thiết bị công nghệ chậm dần theo thời gian - Ảnh 1

Có một sự thật đã được tất cả mọi người thừa nhận: các thiết bị càng "lớn tuổi" thì chúng càng chậm đi (thực ra thì con người cũng vậy thôi) – chiếc laptop hay điện thoại bạn mua cách đây 3 năm chắc chắn sẽ không thể nhanh, mạnh, mượt mà như lúc bạn vừa mới khui hộp. Nhưng đâu là những yếu tố gây nên sự chậm chạp không đáng có này?

Theo trang công nghệ Gizmodo, việc các thiết bị chậm đi thường không phải là hệ quả của một nguyên nhân duy nhất (bê bối pin mới đây của Apple là một trường hợp ngoại lệ hiếm hoi) mà là sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau, và đó cũng là lí do khiến các thiết bị khác nhau thì có các vấn đề khác nhau (ngay cả khi đó là hai thiết bị giống hệt nhau) và mức độ cũng không giống nhau. Cả phần cứng và phần mềm của thiết bị đều có thể bị ảnh hưởng, nên việc khởi động lại hay khôi phục cài đặt gốc chưa chắc đã giải quyết được vấn đề một cách trọn vẹn.

Chậm do phần mềm

Mỗi khi Apple, Microsoft hay Google tung ra một bản cập nhật hệ điều hành mới, chúng thường bao gồm các tính năng và ứng dụng mới mẻ, mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, các dòng code cũ và kém hiệu quả không bị bỏ qua. Kết quả, điện thoại hay laptop của bạn phải làm việc nhiều hơn để đem lại kết quả tương tự như trước, khi có nhiều yêu cầu được đặt lên chúng hơn.

Câu chuyện cũng diễn ra tương tự với các ứng dụng của bên thứ ba, khi các nhà phát triển cập nhật code của họ để tận dụng sức mạnh phần cứng và "nhồi nhét" thêm các tính năng nhiều khi không cần thiết vào trong sản phẩm của mình, khiến thiết bị tốn nhiều tài nguyên để xử lý hơn.

Hãy thử nhìn vào iTunes của Apple. Nó ngày càng được bổ sung thêm nhiều tính năng mới, nhưng phần lớn thời gian nó chỉ làm công việc mà từ trước đến nay nó vẫn làm, từ chép nhạc ra đĩa CD tới nghe nhạc trực tuyến trên web. Không có gì đáng ngạc nhiên khi một ứng dụng như vậy trở nên chậm chạp theo thời gian, ngay cả khi bạn không bổ sung thêm bất kì thứ gì vào trong thư viện nhạc của mình.

Đây là nguyên nhân các thiết bị công nghệ chậm dần theo thời gian - Ảnh 2

Khi các smartphone và laptop mới nhất, tốt nhất được trang bị phần cứng mạnh mẽ hơn, thì các nhà phát triển chắc chắn sẽ tận dụng những sức mạnh đó bằng cách giới thiệu nhiều tính năng tiên tiến hơn hay tối ưu code của họ. Nếu như bạn vừa mua một sản phẩm cao cấp trong vòng 1 năm trở lại, điều này không phải là một vấn đề gì quá lớn, nhưng dần dần thì các thiết bị cũ hơn sẽ phải vật lộn để theo kịp với những sự thay đổi ấy và cuối cùng là bị bỏ lại ở phía sau.

Và mọi thứ giờ đây đều được cập nhật tại các thời điểm khác nhau, gây ra một hiệu ứng có tên "software entropy": Một số đoạn code (ví dụ như các API được tích hợp vào hệ điều hành) phải chừa lại các khoảng trống nhất định để có thể tương tác với các ứng dụng theo nhiều cách khác nhau, đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng cho số phần cứng và ứng dụng ngày càng tăng trong hệ thống. Số ứng dụng và nhà phát triển tham gia càng nhiều, sự thiếu hiệu quả càng xuất hiện với tần suất dày đặc hơn. Đây cũng là một trong những lợi thế của việc kiểm soát chặt chẽ hệ điều hành và ứng dụng, giống như Apple đã làm với iOS và macOS.

Trước khi bạn đổ hết mọi tội lỗi cho các nhà phát triển phần mềm, bạn cũng nên biết rằng chính bạn cũng đã và đang "đóng góp công sức" khiến thiết bị chậm đi. Khi bạn sử dụng ứng dụng trên điện thoại hay trên máy tính, bạn thêm vào rất nhiều thứ, từ dữ liệu người dùng, tùy chọn cài đặt cho tới các tệp tin đã lưu, lịch sử sử dụng,… Bất kì ứng dụng nào, sau khi được cấu hình và sử dụng, cũng sẽ tốn nhiều diện tích và tài nguyên hơn so với lúc chúng vừa mới được cài đặt.

Ví dụ, chúng ta thường cài đặt thêm các tiện ích mở rộng trên trình duyệt web để nâng cao trải nghiệm, hay cài đặt các phần mềm khởi động cùng với Windows hay macOS. Tất cả những điều này đều làm tăng áp lực đặt lên phần cứng thiết bị của bạn, và việc chúng chậm đi là lẽ đương nhiên.

Số lượng ứng dụng và tập tin cũng gây nên không ít sự khác biệt: Dù là máy tính, máy tính bảng hay điện thoại, không thiết bị nào thích phải vận hành trong tình trạng hết dung lượng lưu trữ. Nói cách khác, hệ điều hành tốn nhiều tài nguyên hơn để xử lý các ứng dụng và tập tin mà bạn lưu trữ, dẫn tới hiệu năng bị suy giảm và "đơ máy, lag máy" khi dung lượng khả dụng trở nên quá hạn chế.

Đây là nguyên nhân các thiết bị công nghệ chậm dần theo thời gian - Ảnh 3

Một lần nữa, cả ứng dụng và người dùng đều là nhân tố dẫn đến hậu quả này. Các ứng dụng đôi khi không xóa các tập tin tạm (temporary files), các tập tin dư thừa như lẽ ra chúng phải làm (có thể do lỗi, hoặc do nhà phát triển chưa tối ưu code của mình), trong khi chúng ta thường xuyên thêm rất nhiều ảnh và video vào bộ nhớ trong của thiết bị. Các hệ điều hành ở thời điểm hiện tại quản lý tài nguyên tốt hơn trước rất nhiều, nhưng đây vẫn là một vấn đề lớn, đặc biệt là khi bạn vẫn sử dụng thiết bị cũ.

Ví dụ, Windows sẽ sử dụng ổ cứng để làm bộ nhớ tràn khi lượng RAM của hệ thống đã sử dụng hết – có thể là khi bạn chơi game hay chỉnh sửa video. Nếu dung lượng đó có hạn, hệ điều hành sẽ mất nhiều thời gian hơn để xử lý toàn bộ dữ liệu, và thậm chí hệ thống có thể "sập" nếu bị quá tải.

Một yếu tố nữa không thể không nhắc đến chính là khả năng bảo mật. Nếu bằng cách nào đó, virus hay mã độc đột nhập được vào trong hệ thống của bạn, chúng sẽ sử dụng bộ nhớ trong, RAM và các tài nguyên khác để phục vụ các mục đích khác nhau (thực hiện DDOS, đào coin, phá hoại cho vui,…). Nếu bạn cảm thấy hiệu suất trên thiết bị của mình giảm đi một cách đột ngột, việc quét toàn bộ hệ thống để kiểm tra là một ý tưởng không tồi.

Chậm do phần cứng

Phần lớn các thiết bị chậm đi là do phần mềm có ngày càng nhiều ứng dụng và phức tạp, trong khi các linh kiện phần cứng thì gần như không đổi. Tuy nhiên, sau thời gian dài sử dụng, chúng cũng sẽ có những sự hao mòn về mặt vật lý nhất định, và không chỉ dừng lại ở pin.

Viên pin bên trong laptop và smartphone của bạn sẽ xuống cấp theo thời gian – đây là một tính năng của công nghệ này. Tuy nó không ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ của thiết bị, nhưng sự xuống cấp này cũng đồng nghĩa với việc bạn được sử dụng thiết bị ít hơn giữa các lần sạc. Đây cũng là lí do khiến các nhà sản xuất phải đưa ra các hướng dẫn về việc chăm sóc pin, như cách sạc, nơi đặt thiết bị,…

Một lần nữa, nó không ảnh hưởng một cách trực tiếp tới hiệu suất của thiết bị, trừ khi các nhà sản xuất điều chỉnh tốc độ CPU để bù đắp cho sự xuống cấp của pin, giống như Apple đã thừa nhận. Nói cách khác, dù viên pin của bạn có sắp "ra đi" thì các ứng dụng vẫn sẽ hoạt động với tốc độ không đổi.

Đây là nguyên nhân các thiết bị công nghệ chậm dần theo thời gian - Ảnh 4

Tương tự, ổ cứng cũng vậy. Thông thường, các ổ HDD sẽ chỉ chậm đi một cách đáng kể ngay trước khi "ra đi", mặc dù việc code chưa tối ưu hay mất điện có thể thỉnh thoảng khiến hệ điều hành phải làm việc nhiều hơn. Nếu ổ cứng của bạn được sử dụng một cách thường xuyên và hoạt động ở nhiệt độ cao, chắc chắn chúng sẽ nhanh hỏng hơn, nhưng đây không phải là yếu tố chính dẫn đến sự chậm đi của hệ thống.

Với ổ cứng thể rắn (SSD) và bộ nhớ flash, bạn sẽ chỉ thấy sự suy giảm về hiệu năng khi dung lượng trống còn quá hạn chế như đã đề cập ở trên. Và tuy chúng có tuổi thọ không phải là vô hạn, thông thường chúng sẽ giữ được hiệu suất của mình trong khoảng thời gian đáng kể trước khi đạt tới ngưỡng giới hạn.

Trong khi đó, các thành phần như CPU hay RAM sẽ không chậm đi theo thời gian, hoặc nếu có thì rất ít và bạn sẽ không thể nhận thấy trong suốt vòng đời của thiết bị. Các thành phần này có thể hỏng, nhưng chừng nào chúng còn hoạt động, chúng vẫn sẽ giữ được hiệu suất của mình, nên nếu thiết bị của bạn chậm đi, gần như chắc chắn không phải do CPU và RAM.

Đây là nguyên nhân các thiết bị công nghệ chậm dần theo thời gian - Ảnh 5

Lời kết

Vậy, bạn phải làm gì để hạn chế tối đa sự chậm dần theo thời gian của thiết bị? Ít nhất, những điều mà bạn có thể làm là: Giữ cho dung lượng trống trên thiết bị ở mức nhiều nhất có thể, cài đặt càng ít ứng dụng càng tốt, thường xuyên kiểm tra virus và cập nhật ứng dụng, hệ điều hành mới bất cứ khi nào bạn có thể.

Cài đặt lại hệ điều hành hay khởi động lại máy có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể vì nó loại bỏ hầu như toàn bộ các yếu tố nêu trên, nhưng trừ khi bạn khôi phục hệ điều hành gốc của thiết bị, nó sẽ không thể "mới như cũ", ngay cả khi bạn chưa thêm ứng dụng của mình vào.

Tuy nhiên, những mẹo trên chỉ có tác dụng hạn chế sự chậm đi theo thời gian của thiết bị. Trừ khi bạn để máy tính hay điện thoại của mình ở trạng thái nguyên bản, không cài đặt bất cứ thứ gì, không cập nhật, không sử dụng, việc thiết bị của bạn chậm đi là điều không thể tránh khỏi.

Theo Báo Diễn đàn đầu tư

http://vnreview.vn/tu-van-may-tinh/-/view_content/content/2385637/day-la-nguyen-nhan-cac-thiet-bi-cong-nghe-cham-dan-theo-thoi-gian