Đã bao giờ bạn rơi vào một trong những tình huống bối rối này hay chưa: Ai đó hỏi bạn về một bộ phim, chắc chắn bạn đã xem rồi, nhưng vắt óc một hồi vẫn không thể nhớ được ra tên của nó. Lần khác, có thể bạn phải lục tung căn nhà để tìm chìa khóa xe vì không biết đã để nó ở đâu. Hoặc đơn giản là một ngày đẹp trời, tâm trí lơ đãng khiến bạn đi lạc trên chính con đường về nhà mình.
Nếu bạn thường xuyên thức khuya, ngủ không đủ giấc, hút thuốc lá hay thậm chí có nhiều khoảng thời gian cô đơn, não bộ của bạn sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực. Nhưng nếu bạn loại bỏ các thói quen đó, đồng thời xây dựng cho mình 5 thói quen tích cực mới dưới đây, bạn sẽ cải thiện được chức năng não bộ.
Hãy xem, 5 thói quen tốt đó là gì:
1. Bạn nên ngủ đủ giấc
Chắc chắn bạn cũng đã biết, giấc ngủ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng đối với mọi khía cạnh của sức khỏe. Thật không may, cuộc sống hiện đại đang tước đi rất nhiều thời gian ngủ của chúng ta.
Vào những năm 1950, một người trung bình sẽ ngủ khoảng 9 tiếng mỗi đêm. Đến năm 1970, con số đó đã giảm xuống chỉ còn khoảng 7,5 tiếng . Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), tới hơn một phần ba dân số trưởng thành ở Mỹ bây giờ chỉ ngủ được ít hơn 7 tiếng mỗi đêm.
"Giấc ngủ là điều rất cần thiết giúp bạn tối ưu hóa khả năng sinh lý thần kinh", Christopher Winter, một chuyên gia về thần kinh học và giấc ngủ cho biết. Ông giải thích về điều này trong một cuốn sách của mình:
Thiếu ngủ chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất cực đoan đến các chức năng nhận thức của não bộ. Từ việc diễn giải các tín hiệu phi ngôn ngữ và nội dung cảm xúc, cho đến quản lý khả năng tập trung và sắp xếp thông tin trong tâm trí, giấc ngủ đều đóng vai trò vào các quá trình ấy.
Bên cạnh giấc ngủ ban đêm, giấc ngủ trưa cũng tốt cho não bộ không kém.
Một nghiên năm 2010 đã điều tra kết quả học tập của hai nhóm thanh niên: một là những người có ngủ trưa và nhóm còn lại là những người không có thói quen này. Kết quả cho thấy những người ngủ trưa thể hiện khả năng học tập tốt hơn đáng kể, họ có thể hoàn thành bài kiểm tra với điểm số cao hơn sau khi được ngủ trưa 90 phút.
Mặt khác, những người không ngủ trưa thể hiện một khả năng học tập và trí nhớ kém hơn. Michael Breus, một chuyên gia tâm lý và nhà nghiên cứu giấc ngủ cho biết: "Ngủ trưa có thể giúp bạn tập trung hơn và có trí nhớ tốt hơn".
Ông khuyên mọi người nên ngủ trưa từ 20-25 phút, điều này sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn và cải thiện chức năng não khi không ngủ đủ giấc vào đêm hôm trước. Nhưng đừng biến giấc ngủ trưa thành một liều thuốc thay thế, tốt nhất bạn vẫn nên ngủ đủ giấc cả vào ban đêm, lý tưởng là từ 7-9 tiếng đồng hồ.
2. Bạn nên sử dụng caffeine, trong chừng mực
Nhiều người chúng ta có thói quen uống cà phê hoặc trà để duy trì sự tỉnh táo. Sự thật là các thức uống chứa caffeine có tác dụng kích thích não bộ và giúp bạn xử lý mọi việc nhanh hơn.
Winter cho biết, từ lâu khoa học đã biết đến hiệu ứng của caffeine, nó giống như một loại thuốc giúp tăng cường hiệu suất não bộ. "Caffeine giúp bạn tập trung, tăng cường hiệu suất bộ nhớ cũng như khả năng ghi nhớ lại các ký ức", ông nói.
Theo một nghiên cứu từ năm 2012, 200 mg caffeine (tương đương với lượng caffeine có trong một tách cà phê 350 ml) có thể cải thiện tốc độ xử lý trong não bộ của một người. Bằng cách cho một nhóm người trưởng thành uống một viên thuốc chứa 200 mg caffeine vào buổi sáng, các nhà khoa học đã quan sát được hiệu ứng sau khi họ tham gia vào một bài kiểm tra nhận dạng từ ngữ.
Những người uống caffeine đã làm bài kiểm tra với tốc độ và độ chính xác cao hơn hẳn so với nhóm đối chứng, là những người chỉ được uống một viên thuốc rỗng, không chứa caffeine.
3. Đừng uống rượu quá nhiều
Trong một nghiên cứu trên Tạp chí Y học Anh, các nhà khoa học đã xem xét tác động của việc tiêu thụ rượu lên não bộ. Họ đã theo dõi để đánh giá khả năng nhận thức của hơn 500 người trưởng thành trong hơn 30 năm.
Theo đó, những người uống từ 15 đến 20 đơn vị rượu mỗi tuần có nguy cơ bị tổn thương và teo vùng đồi thị cao gấp 3 lần người không uống. 1 đơn vị rượu được tính bằng (số ml rượu x nồng độ % cồn)/1000.
Trong thực tế, đồi thị chính là vùng não liên quan đến trí nhớ và khả năng điều hướng trong không gian, hai chức năng hoạt động kém sẽ khiến bạn "mù đường".
Nhìn chung, uống rượu ở mức vừa phải không "giết chết tế bào não của bạn", nhưng uống quá nhiều rượu và thường xuyên có thể làm hỏng phần não đang giúp bạn ghi nhớ mọi thứ, từ chìa khóa xe để ở đâu, tên bộ phim đã xem hay thậm chí cả đường về nhà.
4. Đừng cái gì cũng tra Google
Nếu sinh ra thuộc thế hệ 8x và 9x đời đầu, có thể bạn sẽ còn nhớ một thời, chúng ta phải chép cả tá số điện thoại của bạn bè và người thân vào một cuốn sổ nhỏ, hoặc thậm chí là nhớ chúng trong đầu.
Bạn cũng có thể từng biết một số mẹo vặt giúp nhớ số điện thoại tốt hơn, chẳng hạn như liên kết các chuỗi số nhất định với vị trí các phím trên điện thoại, hoặc ghi tách từng cụm 3-4 số một để nhớ chúng dễ hơn.
Vậy đoán xem, bạn đã làm được gì với cuốn sổ? Đó chính xác là một hoạt động tập thể dục cho não bộ.
Nhưng trong thế giới ngày nay, những cuốn sổ ghi số điện thoại, và nhiều hình thức tương tự khác đã biến mất. Chúng ta có điện thoại thông minh, các tính năng đồng bộ danh bạ và cả lịch làm việc đã xóa sổ các hoạt động ghi chép và ghi nhớ kiểu cũ.
Trong một bài báo năm 2011 có tựa đề "Sự ảnh hưởng của Google đến trí nhớ: Hậu quả nhận thức của việc có ngay thông tin trong tầm tay", các sinh viên đại học đã thể hiện một trí nhớ kém hơn hẳn đối với các thông tin có thể được tìm kiếm dễ dàng trên Google.
Winter nói rằng "hiệu ứng cái gì không biết thì tra google" có thể làm giảm dung lượng bộ nhớ của chúng ta. Vì vậy, đôi khi mọi người nên tập luyện não bộ của mình nhiều hơn bằng cách ghi nhớ, thay vì tra Google.
5. Quan hệ tình dục cũng giúp cải thiện não bộ, đặc biệt là trí nhớ
Trong một nghiên cứu năm 2017 được công bố trên Tạp chí Lão khoa, các nhà khoa học đã hỏi một nhóm người lớn tuổi về đời sống tình dục của họ, sau đó yêu cầu họ làm một bài kiểm tra tiêu chuẩn.
Kết quả chỉ ra một mối liên hệ giữa tần suất quan hệ và trí thông minh: Những người thường xuyên hoạt động tình dục hàng tuần có điểm kiểm tra cao hơn những người không làm được điều đó. Những bài kiểm tra có điểm càng cao thuộc về những người có tần suất quan hệ tình dục càng cao.
Một nghiên cứu gần đây hơn, trên nhóm người trẻ hơn tiếp tục chứng minh mối liên hệ mạnh mẽ giữa tình dục và chức năng não bộ. Đó là một nghiên cứu năm 2017 trên tạp chí Archives of Sexual Behavior, xem xét ảnh hưởng của tình dục đến khả năng nhận thức của 78 phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 29.
Kiểm soát các yếu tố khác như giai đoạn kinh nguyệt và thời gian quan hệ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra phụ nữ quan hệ tình dục thường xuyên thể hiện tốt hơn trong các bài kiểm tra đòi hỏi trí nhớ tốt.
Trên thực tế, phần lớn các nghiên cứu được thực hiện để chứng minh lợi ích của tình dục với não bộ sẽ liên quan đến trí nhớ. Nhưng cũng có các nghiên cứu khác cho thấy quan hệ tình dục điều độ giúp giảm trầm cảm và khiến mọi người hạnh phúc cũng như thỏa mãn với cuộc sống hơn.
Theo Tri thức trẻ
http://ttvn.vn/cong-nghe/day-la-5-thoi-quen-tot-giup-ban-luyen-tap-va-cai-thien-nao-bo-7201920592928267.htm