Đầu tư tỷ USD vào điện mặt trời, lợi nhuận Xuân Thiện Group liên tục sụt giảm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Được hậu thuẫn bởi hệ sinh thái doanh nhân Nguyễn Văn Thiện, song những dự án năng lượng tái tạo của Xuân Thiện Group vẫn ghi nhận kết quả đi lùi trong các năm gần đây.

Hệ sinh thái năng lượng tái tạo tỷ USD

Xuân Thiện Group được thành lập từ năm 2000 bởi doanh nhân Nguyễn Văn Thiện. Tập đoàn đa ngành này hiện kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như: vật liệu xây dựng; nông nghiệp công nghệ cao; logistics; bất động sản; khách sạn nghỉ dưỡng...

Mặc dù vậy, năng lượng mới chính là ngành mũi nhọn mà Xuân Thiện Group hướng đến.

Xuân Thiện Group được biết đến ở lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) với cột mốc vào năm 2014, khi một đơn vị thành viên là Công ty TNHH Xuân Thiện Việt Nam đã trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đầu tư thủy điện vào Cameroon (châu Phi).

Tại Việt Nam, tập đoàn này cũng sở hữu một trong những dự án điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á. Cụm dự án điện mặt trời Xuân Thiện Ea Súp gồm 5 nhà máy từ nhà máy số 1 đến nhà máy số 5. Chủ đầu tư là CTCP Ea Súp 1, CTCP Ea Súp 2, CTCP Ea Súp 3, CTCP Ea Súp 5 và Công ty TNHH Xuân Thiện Đắk Lắk.

Cụm dự án điện mặt trời Ea Súp hiện là các nhà máy năng lượng tái tạo mũi nhọn của Xuân Thiện Group. Ảnh: Tập đoàn Xuân Thiện.

Cụm dự án điện mặt trời Ea Súp hiện là các nhà máy năng lượng tái tạo mũi nhọn của Xuân Thiện Group. Ảnh: Tập đoàn Xuân Thiện.

Đáng chú ý, các công ty Ea Súp đều thuộc sở hữu chi phối của Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình – pháp nhân quan trọng và ra đời sớm nhất thuộc Xuân Thiện Group.

Tính đến đầu năm 2020, doanh nhân Nguyễn Văn Thiện nắm đến 95,6% vốn của công ty.

Với vai trò là mắt xích quan trọng, Xuân Thiện Ninh Bình nắm nhiều dự án và sở hữu cổ phần chi phối tại nhiều doanh nghiệp năng lượng tái tạo.

Cụ thể, tại dự án điện mặt trời Xuân Thiện Ea Súp giai đoạn I, Xuân Thiện Ninh Bình nắm cổ phần tại các doanh nghiệp dự án với cùng tỷ lệ là 89%.

Ngoài ra, Xuân Thiện Ninh Bình cũng nắm chi phối CTCP Xuân Thiện Ninh Thuận và CTCP Xuân Thiện Thuận Bắc – chủ đầu tư dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời Xuân Thiện (giai đoạn 1 và 2) tại xã Bắc Phong, tỉnh Ninh Thuận với tổng diện tích là 256,4ha, tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vào năm 2022, EDP Renewables (EDPR) - tập đoàn sản xuất năng lượng tái tạo lớn thứ tư trên thế giới đã đạt được thỏa thuận với Xuân Thiện Group để mua lại hai dự án điện mặt trời có tổng công suất 200 MWac (255 MWdc).

Được biết, thương vụ này có tổng giá trị 284 triệu USD, kèm theo một khoản thu nhập bổ sung có điều kiện dựa vào hiệu quả hoạt động. Hai dự án trên nằm ở huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, bắt đầu hoạt động từ năm 2020 và có hợp đồng mua bán điện 20 năm với EVN với giá 93,5 USD/MWh.

Bên cạnh đó, Xuân Thiện Group cũng triển khai đầu tư 3 nhà máy sản xuất thiết bị điện gió và điện mặt trời, gồm: Nhà máy sản xuất tấm pin điện mặt trời tại tỉnh Hòa Bình (công suất 360 MW/năm); Nhà máy sản xuất thiết bị điện gió để lắp trên đất liền tại tỉnh Đắk Lắk (chia 3 giai đoạn với tổng công suất 3.000 MW/năm, dải công suất tuabin từ 3 MW/cột đến 7,5 MW/cột) và nhà máy sản xuất thiết bị điện gió để lắp trên biển tại tỉnh Ninh Thuận (chia 2 giai đoạn với tổng công suất 3.000 MW/năm, dải công suất tuabin từ 6,5 MW/cột đến 15 MW/cột).

Tính hết các dự án điện mặt trời, mảng năng lượng tái tạo của tập đoàn (trong trường hợp hoàn thành hết các giai đoạn) sẽ có tổng công suất khoảng 2.200MW, tổng mức đầu tư rơi vào khoảng 2,8 tỷ USD.

Lợi nhuận liên tiếp sụt giảm

Nhằm thúc đẩy hệ sinh thái năng lượng tái tạo của mình, Xuân Thiện Group vào giai đoạn 2019-2020 đã rất tích cực huy động vốn qua kênh trái phiếu, với tổng số tiền đã huy động thành công lên tới gần 13.000 tỷ đồng.

Mặc dù được đầu tư khủng, song nhiều dự án của tập đoàn này cũng không tránh khỏi thua lỗ, lợi nhuận sụt giảm trong bối cảnh ngành năng lượng tái tạo vẫn chưa thể bứt phá.

Theo dữ liệu, Công ty Cổ phần Ea Súp 1 trong năm 2023 chỉ ghi nhận khoản lãi hơn 5,5 tỷ đồng, giảm lần lượt gần 48% và 87% so với các năm 2022, 2021.

Tính đến 31/12/2023, Ea Súp 1 có vốn chủ sở hữu 813 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả của doanh nghiệp là 2.325 tỷ đồng, gấp 2,86 vốn.

Tuy nhiên, dư nợ trái phiếu của Ea Súp 1 đã giảm mạnh về 2,4 tỷ đồng so với mức 1.502 tỷ đồng năm trước đó.

Ea Súp 1 trong năm 2023 chỉ ghi nhận khoản lãi hơn 5,5 tỷ đồng, giảm gần 48% so với năm 2022. Ảnh: Xuân Thiện Group.

Ea Súp 1 trong năm 2023 chỉ ghi nhận khoản lãi hơn 5,5 tỷ đồng, giảm gần 48% so với năm 2022. Ảnh: Xuân Thiện Group.

Tương tự Ea Súp 1, Xuân Thiện Đắk Lắk cũng ghi nhận tình hình kinh doanh không khả quan. Năm 2023, Xuân Thiện Đắk Lắk chỉ báo lãi 707 triệu đồng, giảm 92% so với năm 2022 và giảm 97,8% so với năm 2021.

Tổng nợ phải trả của công ty cũng đang ở mức gấp 3,23 lần vốn chủ sở hữu, đạt 3.762 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu là 1.421 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Công ty Cổ phần Ea Súp 3 còn báo lỗ đến 31 tỷ đồng trong năm 2023, khi năm 2022 chỉ lỗ gần 3 tỷ đồng.

Ea Súp 3 có vốn chủ sở hữu 5.529 tỷ đồng, với tổng nợ phải trả là 1.879 tỷ đồng.

Chịu chung cảnh ngộ với họ Ea Súp, Ea Súp 5 cũng ghi nhận khoản lỗ lên tới hơn 67 tỷ đồng, tổng nợ đạt 3.360 tỷ đồng, gấp 3 lần vốn chủ sở hữu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, dư nợ trái phiếu của Ea Súp 5 cuối năm 2023 ở mức 1.834 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ bêu tên sai phạm

Vào đầu năm nay, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm liên quan đến loạt dự án điện mặt trời của Xuân Thiện Group.

Thanh tra Chính phủ cho biết, về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện-Ea Súp 1, 2, 3, 4, 5: UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận chủ trương đầu tư cụm 5 dự án nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện-Ea Súp 1, 2, 3, 4, 5 trong khi vị trí khu đất thực hiện các dự án chưa phù hợp với điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất năm 2019 của huyện Ea Súp; chưa phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới xã Ia Lốp, huyện Ea Súp.

Chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp 4 chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường hạng mục đường dây 500 kV theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 18 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; địa điểm thực hiện dự án thay đổi, nhưng chủ đầu tư không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường là vi phạm quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra những vi phạm trong việc chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất thực hiện các dự án tại cụm 5 dự án nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp 1, 2, 3, 4, 5.

Ngoài ra, về công tác nghiệm thu, vận hành thương mại của dự án: Cụm 5 nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện-Ea Súp 1, 2, 3, 4, 5 vận hành thương mại trước khi được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư và ra thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu công trình hoàn thành là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ.

Trên cơ sở kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh xem xét, xử lý việc thu hồi diện tích đất cho thuê vượt định mức quy định, tăng sai 13,2ha đối với dự án nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp 4.