Đầu tư Bitcoin năm 2022: Không còn thăng hoa nhưng vẫn hơn mua vàng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – “Liệu kênh đầu tư tiền số, đặc biệt là Bitcoin, còn hấp dẫn trong năm 2022?” là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm lúc này.
Đầu tư Bitcoin năm 2022: Không còn thăng hoa nhưng vẫn hơn mua vàng?
Đầu tư Bitcoin năm 2022: Không còn thăng hoa nhưng vẫn hơn mua vàng?

2021 là năm đầy biến động, nhưng với các nhà đầu tư tiền số, đây là một năm đáng nhớ. Nếu mua - bán đúng nhịp, hoặc kiên trì nắm giữ Bitcoin từ đầu năm 2021, nhà đầu tư hoàn toàn có thể thu về các khoản lãi bằng lần từ kênh đầu tư này.

“Liệu kênh đầu tư tiền số, đặc biệt là Bitcoin, còn hấp dẫn trong năm 2022?” là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm lúc này.

Vàng đang thất thế trước Bitcoin

Trao đổi với VietTimes, ông Hoàng Tùng – Chuyên gia tài chính tại Singapore – cho biết sự quan tâm của giới đầu tư tài chính vào Bitcoin đã tăng lên rõ rệt trong năm 2021.

Hệ số tương quan (correlation) của Bitcoin với chỉ số S&P500 cũng đã tăng mạnh trong năm 2021, thể hiện dòng tiền đổ vào loại tiền số này không đơn thuần chỉ là dòng tiền đầu cơ - mang tính tự phát từ các nhà đầu tư cá nhân - mà còn bao gồm một lượng lớn tiền từ các nhà đầu tư tổ chức, chuyên nghiệp đã tham gia vào thị trường.

Theo vị chuyên gia này, các kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán, bất động sản và tiền số sẽ khó có được sự tăng giá ấn tượng trong năm 2022.

Nếu phải đưa ra bảng xếp hạng cho các nhà đầu tư tại Việt Nam, ông Tùng lần lượt ưu tiên các kênh đầu tư bất động sản, chứng khoán, tiền số và sau cùng là vàng.

Đối với bất động sản (BĐS), dữ liệu cho thấy sau một sóng tăng trên thị trường chứng khoán là sóng tăng mạnh của thị trường bất động sản.

“Điều này là dễ hiểu, vì sau khi một số nhà đầu tư thắng lớn trên thị trường chứng khoán, họ sẽ rút tiền đổ vào kênh này, và dòng tiền thường sẽ nằm lại rất lâu trong BĐS. Vậy nên sau cơn sóng lớn của chứng khoán năm 2021, BĐS sẽ là cơn sóng tiếp theo trong năm 2022”, ông Tùng lý giải.

Trong khi đó, các kênh đầu tư chứng khoán và tiền số có triển vọng ở mức vừa phải, sau khi trải qua một năm 2021 ‘rực rỡ’.

“Tôi luôn không đánh giá cao kênh đầu tư vàng trong thời đại ngày nay”, ông Tùng nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia này, vàng đã là một kênh đầu tư tương đối lỗi thời và dần dần sẽ bị Bitcoin thay thế. “Và đặc biệt là trong những năm mà chúng ta kỳ vọng vào kinh tế hồi phục mạnh mẽ như năm 2022 tới đây thì vàng lại càng không phải kênh đầu tư ưa thích”.

Diễn biến giá Bitcoin trong 1 năm gần nhất (Nguồn: CoinDesk)

Diễn biến giá Bitcoin trong 1 năm gần nhất (Nguồn: CoinDesk)

Thị trường tiền số: Triển vọng khó khăn nhưng khó đổ vỡ

Năm 2022, Fed dự kiến sẽ nâng lãi suất 3 lần. Động thái này được dự báo sẽ có tác động tới các kênh đầu tư truyền thống như: chứng khoán, bất động sản và vàng. Vậy nó có tác động tương tự với thị trường tiền số hay không, thưa ông?

Việc Fed nâng lãi suất trong năm tới là nhằm đối phó với lạm phát đang ở mức kỷ lục kể từ năm 1982. Tuy nhiên, dữ liệu lịch sử cho thấy, các đợt “hút tiền” vào của Fed lại không gây ra sự sụt giảm đáng kể trên thị trường chứng khoán. Ví dụ như năm 2015, khi mà Fed tiến hành dừng các gói QE hỗ trợ nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng 2008 thì các chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn tăng mạnh mẽ.

Tác động lớn nhất của các đợt thắt chặt tiền tệ lại chủ yếu là nằm ở thị trường hàng hoá (commodity). Năm 2015, hầu như tất cả các loại hàng hoá đều chứng kiến một sóng giảm tương đối mạnh.

Vậy nên trong năm 2022 tới đây khi Fed dừng các chương trình thu mua trái phiếu và nâng lãi suất, rất có thể sẽ tạo ra một sóng điều chỉnh mạnh trên thị trường hàng hoá (vd: sắt, thép, đồng…), từ đó cản lại đà tăng phi mã của lạm phát như hiện nay.

Và như tôi đã chỉ ra, là giá của Bitcoin hiện nay có mối tương quan khá chặt chẽ với các chỉ số chứng khoán, vậy nên sẽ khó để xảy ra một sóng điều chỉnh mạnh trên thị trường Bitcoin trong năm tới đây.

Có chăng, sẽ xuất hiện những biến động lên xuống chứ rất khó xảy ra một sự đổ vỡ như năm 2017-2018. Vì thị trường hiện nay đã có rất nhiều các nhà đầu tư tổ chức tham gia, và tâm lý của các nhà đầu tư này thì vững hơn nhiều các nhà đầu tư cá nhân.

Liệu thị trường tiền số có còn bị chi phối bởi các ‘tweet’ của các KOL (những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) như vị tỉ phú Elon Musk hay không?

Thị trường tiền số có một điểm đặc biệt, đó là tính phi tập trung. Nghĩa là các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới có thể cùng tham gia. Đây là điểm mạnh nhưng cũng là điểm yếu của thị trường này.

Điểm mạnh là tính toàn cầu hoá, không biên giới, chúng ta có thể ở Việt Nam nhưng lại có thể đầu tư vào một dự án mà được triển khai ở Châu Âu chỉ sau vài cú ‘click’ chuột.

Nhưng điểm yếu đó là sự thiếu thông tin của các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư chủ yếu cập nhật tin tức qua các hội nhóm, forum, các KOL. Vậy nên một số nhân vật nổi tiếng như Elon Musk có tác động tương đối lớn đến biến động giá trên thị trường này.

Nhưng trong dài hạn các biến động này sẽ nhỏ dần, do các nhà đầu tư cũng sẽ nhận ra những nhận định hay tweet của các KOL này mang tính ngẫu nhiên và không thực sự có tác động lâu dài đến thị trường.

Các dòng 'tweet' của tỉ phú Elon Musk có tác động rất lớn đến thị trường tiền số trong năm 2021 (Ảnh: (Ảnh: Genesis Block)

Các dòng 'tweet' của tỉ phú Elon Musk có tác động rất lớn đến thị trường tiền số trong năm 2021 (Ảnh: (Ảnh: Genesis Block)

Một số tiền mã hoá do người Việt sáng lập hiện cũng thu hút được sự chú ý như: Axie Infinity (AXS), Coin98 (C98) hay TomoChain (TOMO). Ông có đánh giá như thế nào về xu hướng này?

Thị trường tiền số luôn có những đột phá mới liên tục kể từ khi ra đời cho đến nay, từ block chain cho đến smart contract… và hiện nay là các NFT.

Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng thị trường tiền số không hoàn toàn là một nơi phù hợp để huy động vốn cho các doanh nghiệp giống như thị trường chứng khoán.

Điểm khác biệt mấu chốt là thị trường này không có sự kiểm soát cũng như giám sát như thị trường chứng khoán với các doanh nghiệp. Chúng ta không có báo cáo tài chính định kỳ, không có họp đại hội cổ đông và cũng không biết là những đồng tiền mà chúng ta đưa cho các ‘founder’ có thực sự chảy vào các dự án hay không.

Vậy nên tôi luôn quan ngại với các dự án mới được thành lập, chúng ta cần thời gian đủ dài để đánh giá độ đáng tin cậy của các dự án trước khi tham gia. Và theo tôi chúng ta nên xem xét thị trường crypto giống như thị trường hàng hoá (commodity) thay vì xem chúng như thị trường chứng khoán.

Bitcoin có thể xem giống như vàng. Ngày nay, vàng vẫn được sử dụng làm trang sức nhưng mục đích chính của nó thì lại là để tích trữ tài sản.

Bitcoin cũng vậy, nó có thể sử dụng để mua bán online như một loại tiền tệ, nhưng mục đích chính của nó hiện nay cũng là để tích trữ tài sản. Còn các loại tiền mật mã khác (ví dụ như ETH,XRP…), chúng ta có thể xem chúng giống như sắt, đồng, nhôm... Chúng cũng có thể dùng chúng làm mục đích tích trữ của cải nhưng mục đích chính của chúng lại là để tạo ra các hoạt động kinh tế khác, ví dụ như sắt thép được sử dụng trong xây dựng. Với việc nhìn nhận các loại tiền mật mã giống như những “vật chất ảo” sẽ giúp chúng ta có được các định hướng đầu tư hợp lý hơn.

Chân thành cảm ơn ông!