Đầu năm 2016 tàu 20.000 tấn có thể vào luồng Trà Vinh - Cần Thơ

Dự án đầu tư xây dựng luồng tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2016. Như vậy tàu biển tải trọng tối đa 20.000 tấn có thể vào đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để lấy hàng hóa. 
Từ đầu năm 2016, tàu 20.000 tấn có thể ra-vào cảng biển khu vực ĐBSCL. Trong ảnh là một chiếc tàu đang vận chuyển hàng hóa trên sông Hậu nhìn từ cầu Cần Thơ - Ảnh: Trung Chánh

Tuy nhiên, điều đó vẫn khó có thể giúp vùng này xuất khẩu trực tiếp hàng hóa bằng đường biển ra thế giới ngoài các nước ASEAN.

Trao đổi với TBKTSG Online bên lề hội thảo “Chiến lược phát triển hệ thống logistics vùng ĐBSCL” được tổ chức tại thành phố Cần Thơ hôm nay, 13-11, ông Trần Khánh Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Marketing Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, cho biết dự án đầu tư xây dựng luồng tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu sẽ được hoàn thành vào đầu năm 2016.

Theo ông Hoàng, dự án này sẽ cho phép tàu biển có tải trọng 10.000 tấn đầy tải và tàu 20.000 tấn giảm tải ra-vào cảng Cái Cui (Cần Thơ) - cảng biển lớn nhất ĐBSCL hiện nay - trên sông Hậu một cách dễ dàng.

Như vậy, điều này đồng nghĩa năng lực tiếp nhận hàng hóa của tàu biển thông qua cảng Cái Cui sẽ được nâng lên đáng kể so với khả năng tiếp nhận được tàu chỉ 5.000 tấn như hiện nay.

Với việc tàu biển tải trọng lớn vào được ĐBSCL như đã nêu ở trên, một số địa phương trong vùng ĐBSCL kỳ vọng hàng hóa nông thủy, sản của họ sẽ được xuất khẩu trực tiếp ra thế giới, thay vì phải thông qua các cảng ở TPHCM (Cát Lái) và Bà Rịa- Vũng Tàu (Cái Mép-Thị Vải) như hiện nay.

Tuy nhiên, ông Hoàng cho biết xuất khẩu trực tiếp sang một số nước trong khu vực ASEAN thì có thể, “nhưng xuất khẩu đi thẳng sang các châu lục khác thì không thể vì bắt buộc phải là các tàu lớn mới cạnh tranh được.”

Theo ông Hoàng, việc chỉ tiếp nhận được tàu 10.000-20.000 tấn vẫn là quá nhỏ so với các đội tàu lên cả 100.000 tấn của thế giới, “như vậy, nếu xuất khẩu chúng ta sẽ rất khó có thể cạnh tranh vì những tàu càng lớn thì chi phí vận chuyển càng thấp”, ông giải thích.

Chính vì vậy, theo ông Hoàng, chiến lược phát triển hệ thống cảng biển của ĐBSCL phải đi theo hướng lấy cảng Cái Cui của Cần Thơ làm cảng trung tâm của ĐBSCL và dần hoàn thiện các cảng nhỏ khác trong vùng để kết nối với cảng Cái Cui, từ đó, đưa hàng hóa lên TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu bằng đường biển để xuất khẩu trực tiếp ra thế giới.

Theo số liệu tổng hợp của Công ty cổ phần tư vấn thiết cảng- kỹ thuật biển (PORTCOAST), trong 8 tháng đầu năm 2015, lượng hàng hóa vận chuyển thông qua các cảng biển ở ĐBSCL đạt gần 7 triệu tấn, chiếm trên 2,5% tổng lượng hàng thông qua cảng của cả nước. Dự báo cả năm 2015, khối lượng hàng hóa vận chuyển qua các cảng biển ĐBSCL đạt 10 triệu tấn, tăng khiêm tốn so với con số gần 9,4 triệu tấn của năm 2014.

PORTCOAST cho biết tổng lượng hàng hóa qua cảng biển ĐBSCL đến năm 2020 ước đạt từ 47,6 đến 62,5 triệu tấn và năm 2030 đạt khoảng từ 115,9 đến 200 triệu tấn.

Theo TBKTSG