Ngày 17/10, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có thông báo kết quả thẩm định năng lực nhà đầu tư tham gia đợt đấu giá cả lô hơn 20,28 triệu cổ phiếu Tổng Công ty MBLand (MBLand Holdings) do Công ty TNHH – Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (VNH) sở hữu.
Theo đó, đã có 4 nhà đầu tư đã đáp ứng đủ điều kiện (2 cá nhân và 2 tổ chức) là: ông Nguyễn Gia Khoa, ông Nguyễn Gia Long, Công ty Cổ phần Đầu tư F&S (F&S), Công ty cổ phần Tập đoàn Mường Phăng (Mường Phăng Group).
Tuy nhiên, dù có tới 4 ứng viên “lọt vào chung kết”, số cổ phần tại MBLand Holdings của VNH (trong trường hợp đấu giá thành công) có thể chỉ rơi vào một nhóm nhà đầu tư liên quan tới nhau.
Sự tham gia của “sếp lớn” TNT
Theo tìm hiểu của VietTimes, hai cá nhân trong danh sách vừa được HNX công bố là những người nắm giữ vị trí lãnh đạo cấp cao tại Công ty Cổ phần Tài Nguyên (Mã CK: TNT).
Cụ thể, ông Nguyễn Gia Long (sinh năm 1977) đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc; ông Nguyễn Gia Khoa (em trai của ông Nguyễn Gia Long – sinh năm 1982) đảm nhiệm vị trí Thành viên HĐQT tại TNT.
Không chỉ tham gia trực tiếp với tư cách cá nhân, anh em của gia đình “Nguyễn Gia” cũng có mối liên hệ mật thiết với ứng cử viên khác là Mường Phăng Group.
Doanh nghiệp này được thành lập từ tháng 3/2001, có tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Long Phát, do ông Nguyễn Thế Tuấn Anh đảm nhiệm vị trí Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật.
Tuy nhiên, theo giấy đăng ký kinh doanh thay đổi được cấp ngày 5/10/2018 (chỉ 1 tuần sau khi có công bố bán đấu giá cả lô cổ phần MBLand Holdings trên HNX), công ty này đã đổi mô hình hoạt động và cũng tiến hành đổi tên như hiện nay.
Bên cạnh đó, vốn điều lệ của Mường Phăng Group cũng được nâng từ mức 6 tỷ đồng lên mức 98 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông của công ty cũng được tiết lộ, bao gồm các cá nhân là: ông Nguyễn Gia Long (góp 68,6 tỷ đồng – chiếm 70%), ông Nguyễn Gia Khoa (góp 14,7 tỷ đồng – chiếm 15%) và ông Nguyễn Bá Huấn (góp 14,7 tỷ đồng – chiếm 15%).
Cùng với sự thay đổi đó, ông Nguyễn Gia Long cũng thay thế ông Tuấn Anh đảm nhiệm vị trí người đại diện theo pháp luật của Mường Phăng Group.
Nhà đầu tư còn lại trong danh sách được HNX công bố là Công ty Cổ phần Đầu tư F&S (F&S), cũng có ít nhiều mối quan hệ đối với TNT.
Được biết, F&S vẫn còn là một doanh nghiệp khá non trẻ khi được thành lập ngày 18/12/2017, với số vốn điều lệ là 300 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT và là người đại diện theo pháp luật là ông Trần Đức Huy (sinh năm 1981), có địa chỉ thường trú tại đường Võ Văn Kiệt, phường Cầu Kho, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
Mới đây, theo giấy đăng ký kinh doanh được cấp ngày 14/9/2018, công ty này đã thay đổi Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Trần Thanh Bình (sinh năm 1977, hộ khẩu thường trú tại tổ 27, Lạc Trung B, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Đáng chú ý, người đại diện pháp luật khác của F&S là bà Lâm Thị Thúy (sinh năm 1980) đảm nhiệm ví trí Phó Chủ tịch HĐQT. Ngoài vai trò tại F&S, bà Thúy còn được biết đến với vai trò là Trưởng ban kiểm soát nhiệm kỳ 2016 – 2021 tại TNT.
Với các mối liên hệ như trên, các ứng cử viên có liên quan tới TNT đang nắm giữ nhiều lợi thế để có thể “ôm trọn” lô cổ phần tương ứng với 31,02% vốn điều lệ của MBLand Holdings.
TNT có được hưởng lợi?
Diễn biến giá cổ phiếu TNT trong thời gian gần đây (Nguồn: Đồ thị kỹ thuật VNDS)
|
Về mặt tài chính, điều kiện của các nhà đầu tư tham gia phiên đấu giá là phải cam kết có đủ nguồn vốn để thực hiện mua cổ phần theo lô (theo giá khởi điểm lô cổ phần).
Như vậy, nếu tính theo mức giá khởi điểm được công bố là 12.366 đồng/cổ phần, các nhà đầu tư phải cam kết có đủ ít nhất khoảng 250,78 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng phải cam kết gắn bó lợi ích lâu dài đối với doanh nghiệp (MBLand Holdings) bằng văn bản.
Với việc lọt qua đợt thẩm định năng lực, tính cam kết của các nhà đầu tư này đối với MBLand Holdings là điều không phải bàn cãi. Ở một khía cạnh khác, dù đang nắm giữ trọng trách tại TNT nhưng các cá nhân kể trên và người thân lại sở hữu rất ít cổ phần của doanh nghiệp này.
Cụ thể, tính đến 30/6/2018, ông Nguyễn Gia Long chỉ nắm giữ 1,22 triệu cổ phiếu TNT (chiếm 4,8% số cổ phiếu đang lưu hành); ông Nguyễn Gia Khoa nắm giữ số lượng ít hơn với 19.000 cổ phiếu (chiếm 0,08%); còn bà Lâm Thị Thúy không nắm giữ cổ phiếu nào.
Tình hình sản xuất kinh doanh của TNT cũng không mấy khả quan khi doanh thu 6 tháng đầu năm 2018 chỉ đạt 4,57 tỷ đồng (tương đương với 11,25% so với cùng kỳ), ghi nhận mức lỗ 2,6 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này cũng đang bị các đối tác và khách hàng chiếm dụng vốn rất lớn, với tổng giá trị các Khoản phải thu lên tới 341 tỷ đồng, chiếm 95% tổng tài sản.
Ngoài một số dự án bất động sản có giá trị được thống kê trong các khoản phải thu dài hạn, hàng tồn kho của TNT chủ yếu là chi phí dở dang tại một hợp đồng thi công hạ tầng kỹ thuật ghi nhận giá trị chỉ đạt 12,7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng rất nhỏ (3,5%) trên tổng tài sản. Khoản mục tài sản cố định thậm chí còn có giá trị nhỏ hơn rất nhiều, chỉ ghi nhận có 2,6 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu giao dịch trên thị trường luôn dưới mệnh giá kể từ cuối năm 2016 tới nay, và rơi về quanh mức 2.000 – 3.000 đồng/cổ phiếu. Mức thị giá chỉ ngang với cốc “trà đá” phần nào thể hiện đánh giá của thị trường đối với cổ phiếu này.
Với thực trạng trên, dù có nguồn lực để đầu tư vào MBLand Holdings, việc rót thêm vốn đầu tư cho TNT hay tìm kiếm sự hợp tác với MBLand Holdings nhằm giúp khôi phục sản xuất kinh doanh từ phía ban lãnh đạo dường như sẽ là câu chuyện khó khả thi trong tương lai gần.
Người cũ từ MBLand & Tonkin Properties
Thay vì cách tiếp cận “trực tiếp” như các nhà đầu tư đến từ TNT, các cổ đông của Công ty Cổ phần MBLand & Tonkin Properties (MBLand & Tonkin Properties) lại cho thấy “hình bóng” của mình đằng sau ứng cử viên F&S.
Cụ thể, cơ cấu cổ đông của F&S được tham gia góp vốn bởi 3 cổ đông tổ chức là: Công ty Cổ phần Đầu tư Golden Field Quốc tế (Golden Field Quốc tế chiếm 30%), Công ty TNHH MTV Đông Phú 1932 (chiếm 19%) và Công ty TNHH B&F nắm giữ nhiều nhất với 51% vốn điều lệ.
Đáng chú ý, các công ty này có địa chỉ trụ sở chính ít nhiều dẫn về địa chỉ tại Số 12, phố Hàng Điếu, phường Cửa Đông, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây cũng là địa chỉ trụ sở chính của Nhà hàng 1932 và Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Vũ Lê Gia (có người đại diện là bà Phạm Thị Hương Thảo, sinh năm 1987).
Bà Hương Thảo và Golden Field Quốc tế cũng từng góp vốn với MBLand Holdings để thành lập nên MBLand & Tonkin Properties với vốn điều lệ 320 tỷ đồng. Trong đó, bà Hương Thảo chiếm đa số với 71,2% vốn điều lệ, tiếp đến là MBLand Holdings (chiếm 11%), CTCP Đầu tư Golden Field (chiếm 8,9%) và ông Tạ Duy Cường (chiếm 8,9%).
Vị trí các dự án của MBLand & Tonkin Properties phân bổ trên cả nước (Nguồn: MBLand Holdings) |
Trong quá trình hoạt động, MBLand & Tonkin Properties là chủ đầu tư của một loạt danh mục các dự án bất động sản trải dài từ Bắc tới Nam, bao gồm nhiều phân khúc. Một số dự án có tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng như: Dự án tòa nhà MB Grand Tower (tổng mức đầu tư là 1.800 tỷ đồng); Dự án Pan Pacific Danang Resort (tổng vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng)...
Một vài dự án bất động sản đã bắt đầu được mở bán thành công nhưng chưa rõ lý do vì sao mà các cổ đông của MBLand & Tonkin Properties lần lượt thoái vốn tại doanh nghiệp này.
Cụ thể, tới ngày 8/1/2018, thông tin thay đổi đăng ký kinh doanh của MBLand & Tonkin Properties cho thấy bà Phạm Thị Hương Thảo đã triệt thoái vốn tại doanh nghiệp này. Sau đó 4 tháng, MBLand Holdings cũng tiếp nối bà Hương Thảo khi triệt thoái số cổ phần tương đương với 11% vốn điều lệ. Đến ngày 5/10, các cổ đông còn lại cũng đã tiến hành triệt thoái vốn tại doanh nghiệp này.
Mối liên hệ giữa bà Phạm Thị Hương Thảo và nhóm các cổ đông tổ chức tại F&S và bản thân quan hệ giữa F&S và "nhóm" TNT thông qua bà Lâm Thị Thúy sẽ là những ẩn số đáng lưu ý trong đợt đấu giá lần này./.