|
Chủ tịch Tập đoàn Gelex, công ty mẹ của Viwasupco - Ông Nguyễn Văn Tuấn (Ảnh: Internet)
|
Theo tìm hiểu của VietTimes, kể từ khi được nghiệm thu và đi vào hoạt động năm 2009, Dự án nước sạch Sông Đà - Hà Nội giai đoạn I (hay còn được biết đến với tên gọi dự án Nhà máy nước mặt Sông Đà) do Viwasupco trực tiếp quản lý đã liên tục được UBND Tp. Hà Nội trợ giá mua nước.
Trong giai đoạn từ 1/4/2009 - 31/12/2009, theo Quyết định số 213/QĐ-UBND ban hành ngày 13/5/2010, UBND Tp. Hà Nội đã trợ giá tạm thời 1.996 đồng/m3 nước sạch cho Viwasupco. Đây là phần chênh lệch giữ chi phí sản xuất (4.269 đồng/m3) với giá bán nước sạch mà địa phương này quy định (2.273 đồng/m3) và theo khối lượng nước thực tế.
Khi giá bán nước sạch được nâng lên mức 2.348,46 đồng/m3, khoản trợ giá được UBND Tp. Hà Nội áp dụng đến 31/12/2011 chỉ còn 1.920,54 đồng/m3 (chi phí sản xuất nước vẫn ở quanh mức 4.269 đồng/m3). Tỷ lệ trợ giá trên chi phí sản xuất nước vẫn ở mức cao, lên tới gần 45%.
Khi giá bán được điều chỉnh tăng, còn chi phí giá nước vẫn giữ nguyên, khoản trợ giá cũng có xu hướng giảm dần.
Tại Quyết định số 986/QĐ-UBND ban hành ngày 18/2/2014, UBND Tp. Hà Nội đã phê duyệt phương án bù giá cho Viwasupco trong giai đoạn từ ngày 1/1/2014 - 31/12/2014 là 669 đồng/m3. Khoản bù giá này tương ứng với phần chênh lệch giữa chi phí sản xuất nước (vẫn giữ ở mức 4.269 đồng/m3) và giá buôn nước sạch (tăng lên mức 3.600 đồng/m3). Tỷ lệ trợ giá trên chi phí giảm mạnh chỉ còn 15,6%.
Hoạt động bù giá của UBND Tp. Hà Nội cho Viwasupco kết thúc kể từ năm 2015. Xét trong cả giai đoạn này, tạm tính, công ty đã nhận được khoảng 550 tỷ đồng tiền trợ giá của UBND. Tp Hà Nội.
|
UBND Tp. Hà Nội dừng trợ giá cho Viwasupco kể từ năm 2015
|
Nhìn lại giai đoạn 2011 - 2015, tổng sản lượng nước của Viwasupco liên tục tăng nhanh với tốc độ 13,7%/năm, từ mức 139.418 m3/ngày đêm lên 233.129 m3/ngày đêm.
Trong giai đoạn này, tổng doanh thu của Viwasupco đã đạt mức tăng trưởng 15,5%/năm. Riêng năm 2015, Viwasupco ghi nhận doanh thu đạt tới 401,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 147,26 tỷ đồng.
Nếu loại bỏ các khoản trợ giá của UBND Tp. Hà Nội, theo tính toán, kết quả kinh doanh của Viwasupco sẽ ảm đạm hơn nhiều khi chắc chắn sẽ báo lỗ các năm 2011, 2012 và 2013. Đây cũng là các năm mà công ty này nhận được khoản trợ giá lớn từ thành phố, một phần do sản lượng tăng nhanh.
Có thể thấy, việc UBND Tp. Hà Nội trợ giá nước cho nhà máy nước sạch đã có tiền lệ từ lâu.
Thời gian gần đây, thông tin mức giá mua nước sạch của Nhà máy nước mặt Sông Đuống - do Tập đoàn Aqua One của nữ doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên (“Shark” Liên) làm chủ đầu tư - lên tới 10.246 đồng/m3 đã thu hút được sự quan tâm lớn của dư luận. Nguyên nhân là do mức giá này cao hơn nhiều so với giá bán của các nhà máy nước sạch khác.
Lý giải thêm về mức giá này với truyền thông, ông Võ Tuấn Anh - Phó chánh Văn phòng UBND Tp. Hà Nội - cho biết đây mới chỉ là mức giá tạm tính để ký kết thỏa thuận, chưa phải là mức giá bán lẻ, giá bán đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Việt Hà cũng cho hay thành phố chưa trợ giá cho Nhà máy nước mặt Sông Đuống do dự án chưa được quyết toán.
Bên cạnh việc trợ giá nước, Viwasupco hiện đang được hưởng mức thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm, kéo dài từ năm 2009 đến năm 2024. Đồng thời, công ty cũng được miễn thuế TNDN trong 4 năm kể từ năm đầu tiên có lợi nhuận chịu thuế (từ năm 2012 đến năm 2014) và được giảm 50% trong 9 năm tiếp theo (từ năm 2016 đến năm 2024).
Chính vì vậy, thuế suất thuế TNDN đang áp dụng cho Viwasupco hiện chỉ có 5%.
Ngoài ra, khoảng thời gian sau khi UBND Tp. Hà Nội dừng trợ giá nước cho Viwasupco cũng là lúc cơ cấu cổ đông của công ty này liên tục biến động.
Tháng 11/2010, Tổng công ty Vinaconex đã bán 21,8 triệu cổ phần của Viwasupco (tương đương 43,6% vốn điều lệ) cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, vào tháng 4/2016, tức sau khi UBND Tp. Hà Nội dừng trợ giá, cổ đông ngoại đã chuyển nhượng số cổ phần trên cho CTCP Đầu tư và Phát triển Sinh Thái.
Để rồi sau đó, nhà đầu tư này đã mở đường cho Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex (Gelex Energy) thâu tóm cổ phần chi phối của Viwasupco. Từ đó, Viwasupco trở thành một trong những công ty thành viên do Chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn (tức Tuấn “mượt”) đứng đầu.
Ông Nguyễn Văn Tuấn là một trong những doanh nhân thế hệ 8x đã sớm để lại nhiều dấu ấn trên thị trường tài chính với hàng loạt thương vụ M&A đình đám./.