Đổi mới cơ chế tài chính, bệnh viện được phép tự chủ tài chính
Năm 2019, Bộ Y tế đã có 26/45 bệnh viện trực thuộc tự chủ chi thường xuyên, chiếm 57,7% số bệnh viện trực thuộc. Chính phủ cũng đã cho phép thí điểm 4 bệnh viện tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế bước đầu điều chỉnh 3/7 yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế sau 17 năm không thay đổi; chuyển dần từ đầu tư ngân sách Nhà nước trực tiếp cho các cơ sở khám chữa bệnh sang hỗ trợ người thụ hưởng chính sách thông qua hệ thống BHYT, Nhà nước chỉ bao cấp cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người trong diện chính sách... và hỗ trợ một phần kinh phí cho người cận nghèo mua thẻ bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Giải pháp tổng thể giảm quá tải bệnh viện tuyến trên
Các giải pháp được thực hiện gồm: đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng bệnh viện; xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; thí điểm xây dựng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình; tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới trạm y tế xã; đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng; xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách y tế; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông.
Đến nay, sau 5 năm thực hiện, hầu hết các mục tiêu của Đề án đã được thực hiện và bảo đảm tiến độ. Tình trạng quá tải bệnh viện đang từng bước được giải quyết, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến thăm người bệnh ghép tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
|
Nâng cao chất lượng bệnh viện
Bộ Y tế đã ban hành các văn bản quy định về việc thiết lập hệ thống quản lý chất lượng bệnh viện, hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm, sử dụng Bộ 83 Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện làm cơ sở xếp hạng bệnh viện.
Trong đó, Bộ chú trọng nâng cao chất lượng về chẩn đoán, điều trị; cải cách hành chính giảm phiền hà người bệnh, tăng sự hài lòng của bệnh nhân và người nhà khi đến bệnh viện công.
Tăng cường năng lực cho các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện
Dưới sự lãnh đạo của bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Đề án 1816 đã giúp chuyển đổi từ hỗ trợ nhân lực sang đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới được tăng cường. Nhiều kỹ thuật hiện đại đã được thực hiện ở ngay tuyến tỉnh, giúp bệnh nhân không phải chuyển tuyến trên, ví dụ: can thiệp tim mạch, mổ nội soi, điều trị ung thư, thụ tinh trong ống nghiệm, mổ chấn thương sọ não, thay khớp háng…
Sau 10 năm thực hiện, các bệnh viện Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối đã chuyển giao cho bệnh viện tuyến dưới 5.441 kỹ thuật. Hầu hết các bệnh viện tuyến dưới đã làm chủ được kỹ thuật và thực hiện tốt sau khi nhận chuyển giao.
Cán bộ của các bệnh viện Trung ương và bệnh viện tuyến cuối đã luân phiên tham gia khám và điều trị cho gần 2,7 triệu lượt người bệnh; trực tiếp thực hiện gần 62.000 ca phẫu thuật, cứu sống nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo, góp phần làm giảm tỷ lệ chuyển tuyến.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các cán bộ của Bộ Y tế đi thực tế tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội đầu năm 2019.
|
Các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố đã cử 3.770 lượt cán bộ đi luân phiên, chuyển giao 3.514 kỹ thuật, khám, chữa bệnh cho gần 300.000 lượt người bệnh. Các bệnh viện tuyến huyện cử 3.834 lượt cán bộ xuống hỗ trợ tại 938 trạm y tế xã, đào tạo, chuyển giao 1.091 kỹ thuật và khám, chữa bệnh cho gần 3,6 triệu lượt người bệnh.
Bình ổn giá thuốc
Năm 2016, Luật Dược được sửa đổi. So với Luật dược 2005, Luật Dược 2016 có nhiều điểm mới, trong đó tăng cường quản lý nhà nước về giá thuốc.
Trong đó, nguyên tắc quản lý giá thuốc: Theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp được đề cập, giá thuốc sẽ được kiểm soát bằng hình thức kê khai giá và đấu thầu; quy định rõ phạm vi, biện pháp quản lý giá thuốc trong đó tập trung quản lý giá thuốc do ngân sách nhà nước, BHYT chi trả và nguồn thu viện phí thông qua đấu thầu/đặt hàng/giao kế hoạch; quy định về đàm phán giá đối với một số thuốc có nguy cơ độc quyền (thuốc hiếm, thuốc biệt dược gốc, có ít đơn vị cung ứng…); khẳng định trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc chủ trì quản lý giá thuốc và phân công rõ trách nhiệm các bộ, ngành, UBND tỉnh và Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc quản lý giá thuốc.
Trong trường hợp có những biến động bất ổn, giá thuốc sẽ được bình ổn.
Đổi mới phong cách thái độ phục vụ của nhân viên y tế
Năm 2019, sau hơn 5 năm thực hiện đổi mới, phong cách thái độ phục vụ của nhân viên y tế đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tạo sự hài lòng của người bệnh.
Đầu tiên, phần mềm đường dây nóng ngành được xây dựng, tiếp nhận, xử lý các phản ánh của người dân về chất lượng khám, chữa bệnh.
Thứ hai, tinh thần thái độ cán bộ y tế đã cải thiện, sự hài lòng người bệnh tăng cao thể hiện ở kết quả khảo sát của Tổ chức sáng kiến Việt Nam: Sự hài lòng chung của người bệnh đối với dịch vụ khám, chữa bệnh đạt 80,8% (năm 2017 đạt 79,6%). Bên cạnh đó, chỉ số tham nhũng vặt ở bệnh viện huyện giảm còn 0,4%, theo chỉ số PAPI năm 2018.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến trong một lần trực tiếp đi thị sát tại bệnh viện tuyến tỉnh.
|
Đẩy mạnh y tế cơ sở
Khi còn đương nhiệm, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã không ngừng nhắc nhở về vai trò của y tế tuyến cơ sở. Đầu tiên, bà quan tâm xây dựng mô hình điểm trạm y tế xã vận hành theo nguyên lý y học gia đình, giúp người dân có thể tiếp cận ngay với dịch vụ y tế tại địa phương, từ đó, tăng cường năng lực của trạm y tế thông qua đổi mới toàn diện và đồng bộ từ cơ sở hạ tầng, nhân lực tới hoạt động và tài chính.
Kết quả, chất lượng chăm sóc y tế ban đầu được nâng cao, theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.
Bên cạnh đó, để tăng cường chất lượng y tế tuyến cơ sở, dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” cũng được thực hiện từ tháng 2/2013.
Đây là bước đột phá của ngành Y tế trong việc tiến tới đảm bảo đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ở địa phương còn khó khăn, đồng thời tạo cơ hội cho người nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên; tạo điều kiện để các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực, trí tuệ, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Đấu thầu thuốc tập trung
Giai đoạn bà Nguyễn Thị Kim Tiến làm Bộ trưởng, Bộ Y tế đã đẩy mạnh đấu thầu tập trung thuốc cấp trung ương và địa phương, góp phần bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Kết quả, Bộ Y tế đã hoàn thành đấu thầu thuốc tập trung quốc gia, cung cấp 22 hoạt chất với 136 mặt hàng thuốc năm 2019 - 2020, trong đó 39/39 mặt hàng biệt dược gốc giảm được 10% tương ứng với được 745 tỷ đồng, 81/97 mặt hàng thuốc generic giảm được 40,14%, tương ứng với 1.549 tỷ đồng; 2 thuốc kháng vi rút ARV giảm được 18,86% tương ứng 26,6 tỷ đồng so với giá trúng thầu trung bình năm trước; đồng thời, đã triển khai đấu thầu tập trung cấp bộ một số vật tư y tế, đã ban hành danh mục, xây dựng tính năng kỹ thuật, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.