|
Tiếp nối sự "nhảy múa" vào thời điểm cuối năm 2016, thị trường BĐS Đà Nẵng đang bị "đốt nóng" bởi sản phẩm đất nền, cùng những chiêu thức "lướt sóng" và diễn biến khó lường! |
Điệp khúc tăng giá, hết hàng!
Tiếp nối sự sôi động của đất nền vào thời điểm cuối năm 2016, bất động sản đất nền tại Đà Nẵng đầu năm 2017 tiếp tục có những diễn biến khiến giới đầu tư lẫn môi giới rộn ràng. Nhiều dự án lâm vào cảnh "cháy hàng" chỉ sau một thời gian ngắn mở bán, thậm chí hết sạch ngay trong ngày mở bán đã đem lại cho giới kinh doanh những cảm xúc trái chiều.
Ghi nhận từ các sàn địa ốc như: dự án Khu đô thị (KĐT) Coco Riverside City của sàn địa ốc Phú Gia Thịnh, khu phố chợ Điện Dương, KĐT An Thịnh… đều "cháy hàng" chỉ trong 3-4 tuần mở bán. Đặc biệt, tại khu đô thị sinh thái Nam Hòa Xuân đều hết sạch hàng ngay trong ngày đầu mở bán.
Các đợt ra hàng của doanh nghiệp này lên đến hàng trăm lô đất nên. Nhưng ra đến đâu, hết đến đó và gần như không đáp ứng đủ nhu cầu mua hàng của người dân. Và để sở hữu, người mua thứ cấp phải trả thêm chênh lệch từ 50-100 triệu đồng/lô so với giá công bố. Thậm chí cả trăm triệu tùy theo vị trí.
Anh Xuân Hoàng, một nhà đầu tư mới tại Đà Nẵng chia sẻ: "Mới sáng nay thôi, tôi lên sàn giao dịch bất động sản với mong muốn mua được một vài lô, nhưng chờ chực từ sáng vẫn không mua được do đã hết, muốn mua phải mua lại và giá thì chênh lệch cả tiền trăm triệu. Chỉ trong vài đồng hồ mà như vậy thì cần phải cân nhắc".
Xa về phía Nam thành phố, một loạt các dự án đất nền mở bán, chào giá khởi điểm 3-4 triệu đồng/m2 đối với nền 100m2 thì nay đã không còn mà thay vào đó là 4-5,5 triệu đồng/m2. Giá tăng là vậy, nhưng không phải lúc nào người mua cũng mua được lô đất như ý.
Người người "lướt đất"!
Cùng với điệp khúc giá tăng, hết hàng thì từ giữa cuối năm 2016 đến nay, đi đâu cũng thấy nghe đến đất nền. Ăn sáng cũng đất, cà phê cũng đất mà nhậu cũng bàn chuyện đất. Những cái tên quen thuộc như: Nam Hòa Xuân, Nam Đà Nẵng, Sông Cổ Cò,.. của các chủ đầu tư: Đất Xanh, Nhất Nam, FPT,... như được nhắc đến thường xuyên khi nói đến bất động sản ở Đà Nẵng.
Hàng ngày, những đoàn xe hơi, xe máy dập dìu đến với các khu đô thị đang triển khai này cho dù là chỉ mới hình thành đường cấp phối, đất chưa được san lấp hoàn thiện,... Nhưng khi hỏi đến đều được trả lời "đã có người mua, muốn mua thì sẽ hỏi giúp",... càng khiến người ta say sưa với đất nền.
"Sôi động không kém gì cách đây hơn 10 năm, giá lên hàng ngày từ vài chục triệu cho đến vài trăm. Như trường hợp của tôi là điển hình, vì cần tiền để đặt mua lô đất khác nên phải chấp nhận bán rẻ lô đất 100m2 ở khu Đô thị Nam Hòa Xuân giá 930 triệu. Nếu để đến nay thì phải bán được 1,1 tỷ. Mất trăm triệu chưa đầy 1 tuần. Làm gì cho ra trong bối cảnh này", anh Hoài Giang chia sẻ.
Phân tích xu hướng "lướt đất" này, anh Giang cho biết, với sự mở bán của các dự án, cộng với sự tăng trưởng của sản phẩm đất nền thì người người đang đổ vào đất. Nhưng lướt là chủ yếu vì giá lên khá nhanh. Người mạnh thì làm vài lô, chờ vài tháng mới bán. Còn người nhẹ nhẹ thì dăm tuần đến 1 tháng là bán. Thậm chí có người còn vay ngân hàng để lướt. "Vì nếu tính lãi suất ngân hàng dao động từ 7,5-9,5%/năm thì lướt đất thời điểm này rất lời. Chỉ cần 6 tháng là có thể đạt lợi nhuận đến 50% số tiền bỏ ra thì ai không ham, không lướt. Nói chung bây giờ là thời điểm của đất nền ở Đà Nẵng nên phải tranh thủ", anh Giang chia sẻ.
"Mới so đo chưa đầy 1 tuần mà mình đã mất cơ hội kiếm gần 200 triệu cho 2 lô đất bên kia cầu Trung Lương. Chưa bao giờ giao dịch lại sôi động và giá có thể tăng nhanh đến như vậy", chị Hương, một người mua đất nền tại đây cho biết.
Có thật sự "nóng" đến như vậy!
Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Đà Nẵng, giá nhà phố trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong năm 2016 bình quân đã tăng 20% - 30% so với các năm trước đây. Giá đất nền tại nhiều khu vực của Đà Nẵng cũng đã tăng khoảng 30- 40% so với 2 năm trước và các giao dịch đang diễn ra rất sôi động.
Sự sôi động của thị trường bất động sản Đà Nẵng cuối năm được ghi nhận từ những diễn biến của thị trường khi một loạt các chủ đầu tư công bố mở bán các đợt hàng và kèm theo đó là làn sóng tăng giá hàng ngày. Và cũng là lúc các nhân viên môi giới được dịp "lên mặt" với người mua khi thời điểm này được ví von như "thời hoàng kim" của đất nền đã trở lại với Đà Nẵng.
Giá đất ven biển cũng được đẩy lên khá cao, các chủ khách sạn nhỏ tranh thủ thời cơ bán kiếm lời sau thời gian dài kinh doanh khó khăn cũng khiến giá đất nền lên cao. "Không hiểu lý do gì mà giá đất Đà Nẵng dạo này tăng cao đột biến. Nhất là giá đất ven biển. Kinh doanh khách sạn thì cũng ế ẩm, mà khách sạn thì phải đảm bảo chất lượng, đầu tư nhiều, quy mô lớn. Chưa lý giải được điều này", anh Hưng, một người dân địa phương nói.
Lý giải cho việc giá đất nền Đà Nẵng lên cao, bên cạnh những yếu tố như: hạ tầng giao thông tốt, thành phố đáng sống, có biển, có sông, an ninh đảm bảo, chính sách của thành phố,... thì còn những lý do được gọi là "chiêu" được đưa ra.
"Anh hãy thử để ý, hiện Đà Nẵng có bao nhiêu dự án được mở bán trên khắp Đà Nẵng. Số lượng đất nền đưa ra là bao nhiêu? Nếu tính mỗi doanh nghiệp mở bán đưa ra vài trăm lô thì nhẩm sơ sơ cũng cả ngàn lô nền được ra trong gần nửa năm nay. Trong khi đó, báo cáo vừa rồi của HĐND TP Đà Nẵng thì Đà Nẵng còn dư thừa đến gần 20.000 lô đất. Sức mua ở Đà Nẵng khủng khiếp đến vậy sao? Hay có lý do gì khiến đất nền Đà Nẵng "sốt" đến như vậy?", anh Nguyễn Hùng Huy, một môi giới BĐS chia sẻ.
Và theo lý giải của anh Thiên, cùng giới với anh Huy, việc đất nền "cháy hàng" có lý do của nó. "Đất nền Đà Nẵng thật sự hấp dẫn vì giá không quá đắt, hạ tầng đẹp,... Nói chung là ngon, bổ và không đắt. Tôi nói là không đắt chứ không rẻ, nhưng để "dậy sóng" và "sốt" đến như vậy thì còn nhiều lý do khác. Nhiều chiêu bán hàng đã được đưa ra và giá được đẩy lên là tất yếu.
"Dương đông, kích tây" cũng là một hình thức đẩy giá khu vực này để hút ở khu vực khác. Nên nếu để ý, anh chỉ thấy là đầu cơ ngắn hạn rồi bán kiếm lời chứ không phải đầu tư lâu dài. Chỉ trừ một ít là người thật, mua được thật do nhu cầu", anh Thiên lấp lửng nói.
"Anh cứ để ý, khi chủ đầu tư thông báo mở bán đều có giá khởi điểm mở bán khá thấp và dễ mua, chủ yếu dao động từ 7-9 triệu đồng/m2, chiết khấu cao đến 7-8%. Nhưng khó có ai ở bên ngoài mua được ngay lần đầu mà chủ yếu là phải mua lại từ một ai đó với giá cao hơn. Nhưng thủ tục thì vẫn như mua trực tiếp từ công ty vì hầu hết đất chưa có sổ đỏ. Sau khi mua được giá ở lượt đầu mở bán, hưởng lợi từ chính sách chiếc khấu, những người này sẽ gửi lại thông tin cho nhân viên sàn. Và từ đây, giá bắt đầu được đẩy lên, việc này khó có cơ quan nào giám sát được do giao dịch đều chưa có sổ đỏ. Có thể nói hoạt động này giống như "sân sau" vậy.
Họ làm như vậy thì cả họ lẫn "sân sau" cũng đều được lợi. Thị trường lúc nào cũng chuyển biến tích cực, lúc nào cũng bán hết và giá tăng cao,... Điều này tác động đến tâm lý người dân rất mạnh mẽ. Trong khi tâm lý bầy đàn luôn sẵn có, thấy người này lời chút là cứ vậy lao vào. Cái này anh quá hiểu từ thị trường vàng cho đến chứng khoán! Chứ nhu cầu thật sự có thể đến như vậy không? Kinh tế Đà Nẵng có tăng trưởng đến độ giá đất cũng tăng theo đến 50% sau vài tháng hay không thì cũng cần phải xem lại!", anh Huy chia sẻ.
"Cứ như vậy, điệp khúc cháy hàng, tăng giá cuốn người mua vào guồng xoay. Ai khôn ngoan đi theo dòng nước sẽ hưởng lợi! Còn việc bán từ một doanh nghiệp ra cho cá nhân so với sang tay từ cá nhân với nhau thì lợi như thế nào nữa chắc anh cũng rõ. Đây cũng là chiêu thức hợp pháp, lợi cả đôi đường. Mà lợi thì ai không làm!", anh Thiên ẩn ý nói.