|
Nga đã phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm hạt nhân chiến lược để đáp trả vụ phóng thử tên lửa hành trình trên đất liền của Mỹ. (Ảnh: Đông Phương)
|
Để đáp trả vụ phóng thử nghiệm tên lửa hành trình trên mặt đất của Mỹ, hôm 23/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho quân đội chuẩn bị biện pháp tương ứng. Các tàu ngầm hạt nhân “Tula” và “Yuri Dolgorukiy” tham gia thử nghiệm đã phóng các tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm loại “Sineva” và “Bulava”, đánh trúng các bia mục tiêu tại Kamchatka và Arkhangelsk. Bộ Quốc phòng nói các vụ phóng thử nhằm kiểm định các đặc tính kỹ thuật của tên lửa phóng thử nghiệm và tính năng của hệ thống phóng tên lửa từ tàu ngầm.
Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nói: “Vào ngày 24 tháng 8, theo chương trình huấn luyện chiến đấu, các tên lửa đạn đạo trên biển “Sineva” và “Bulava” đã được phóng từ các tàu ngầm tên lửa chiến lược “Tula” và “Yuri Dolgorukiy”. Các vụ phóng đã được thực hiện thành công”.
|
Tên lửa được phóng từ tàu ngầm Nga ở Bắc Băng Dương. (Ảnh: Sina)
|
Tin cho biết, “Bulava” là tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn được phát triển đặc biệt cho loại tàu ngầm hạt nhân Type 955. Nó có thể mang 10 đầu đạn hạt nhân loại 150 kiloton với tầm bắn 8.000 km. “Sineva” là tên lửa đạn đạo nhiên liệu lỏng, chủ yếu được trang bị cho tàu ngầm hạt nhân loại Type 667, mỗi tên lửa có khả năng mang 4 đầu đạn hạt nhân loại 500 kiloton với tầm bắn 8.300 km.
Trước đó, ngày 23/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói tại Moscow về vụ thử tên lửa hành trình trên đất liền với tầm bắn hơn 500 km hôm 18/8 của Mỹ. Ông đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác phân tích mối đe dọa do hành động của Mỹ gây ra và chuẩn bị các biện pháp đáp trả.
Theo tin tức từ trang web của Tổng thống Nga, ông Putin đã nói tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Ủy ban An ninh Liên bang Nga tại Điện Kremlin: tên lửa mà Mỹ thử nghiệm thuộc loại vũ khí bị cấm theo Hiệp ước tên lửa tầm trung (INF). “Vụ phóng thử nghiệm này cũng sử dụng hệ thống phóng thẳng đứng MK-41, điều này chứng tỏ những phản đối có liên quan mà phía Nga đưa ra cho Mỹ trong quá trình tồn tại Hiệp ước INF là có cơ sở. Phía Nga đã nhiều lần chỉ ra rằng hệ thống phóng tên lửa mà Mỹ đã triển khai ở Rumani và chuẩn bị triển khai ở Ba Lan đã vi phạm nghiêm trọng Hiệp ước tên lửa tầm trung”.
|
Đường đi của một tên lửa mà Nga phóng thử. (Ảnh: Sina)
|
Bộ Ngoại giao Nga trước đây tuyên bố Mỹ đã triển khai hệ thống phóng thẳng đứng tên lửa MK-41 trên đất liền ở một số khu vực, có thể phóng tên lửa hành trình kiểu tấn công. Việc triển khai các hệ thống phóng như vậy bị cấm theo Hiệp ước tên lửa tầm trung.
Theo Hiệp ước tên lửa tầm trung được ký kết giữa Liên Xô và Mỹ năm 1987, hai nước không được duy bảo tồn, sản xuất hoặc thử tên lửa hành trình phóng từ đất liền có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km, tên lửa đạn đạo và bệ phóng chúng. Hiệp ước chính thức hết hiệu lực vào ngày 2/8 vừa qua. Cả Mỹ và Nga đã cáo buộc lẫn nhau phải chịu trách nhiệm về sự vô hiệu của hiệp ước./.