Nhà mặt phố sẽ mất giá?

Quan niệm mua nhà mặt phố để giữ tiền và chờ tăng giá đang dần phai mờ.
Phố đi bộ Bùi Viện ở TP. HCM
Phố đi bộ Bùi Viện ở TP. HCM

Vừa thuận tiện để ở và kinh doanh, nhà mặt phố luôn có giá trị cao, thậm chí được xem như của để dành không bao giờ xuống giá. Nhưng, trong thời buổi công nghệ và nhu cầu sống thay đổi, nhà mặt phố đang có xu hướng giảm dần giá trị.

Nếu như trước đây, nhóm người giàu thường lựa chọn sinh sống ở nhà mặt phố thì hiện nay họ lại có xu hướng bỏ phố tìm mua nhà trong những khu đô thị của những chủ đầu tư có tên tuổi, yên tĩnh, kín cổng cao tường và đặc biệt là không có các hoạt động thương mại, buôn bán nội khu. Dưới góc độ xã hội và phong thủy, nơi nào có nhiều người giàu chuyển đến được coi là “tụ khí”, giá bất động sản sẽ tăng, và ngược lại.

Vì thế, chức năng để ở của nhà mặt phố đang giảm dần, thay vào đó, chức năng kinh doanh dần trở nên trọng yếu. Trong hầu hết các trường hợp, nhà phố chỉ sử dụng tầng 1 và tầng 2 để kinh doanh trong khi nhà có 4 - 5 tầng. Hiệu suất khai thác kinh doanh thấp đã ảnh hưởng tới chức năng trọng yếu còn lại này, vì vậy giá trị nhà theo đó giảm xuống.

Có thể so sánh hiệu quả kinh tế nhà mặt phố tại một số tuyến phố ở Hà Nội. Một căn nhà mặt phố Xã Đàn, diện tích 102m2 có giá 36 tỷ đồng được cho thuê với giá 86 triệu đồng/tháng. Nếu số tiền này gửi ngân hàng với lãi suất khoảng 8,6%/năm thì mỗi tháng thu về tới 258 triệu đồng, cao gấp ba lần so với tiền thuê.

Hay như nhà liền kề khu A4 phố Nguyễn Chánh diện tích 96m2 có giá chào bán tới 40 tỷ đồng nhưng chào thuê 90 triệu đồng/tháng trong vài tháng mà không có người thuê. Nếu gửi ngân hàng, mỗi tháng thu về tới 286 triệu đồng, cao gấp ba lần giá thuê. Vậy nên mới có chuyện chủ nhà ở khu liền kề A10 Nam Trung Yên bán nhà liền kề 75m2 với giá 17 tỷ đồng và thuê lại chính nhà vừa bán với giá 40 triệu/tháng.

Sự ra đời và lớn mạnh của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã kéo theo sự thay đổi thói quen tiêu dùng của thị dân.

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường The Nielsen, tần suất số lần đi chợ truyền thống giảm hẳn từ 25,17 lần/tháng vào năm 2010 xuống còn 18,86 lần/tháng vào năm ngoái. Trong khi đó, số lần mua sắm tại cửa hàng tiện ích lại tăng vọt từ 1,24 lần lên 4,5 lần/tháng.

Không chỉ chiếm ưu thế về sự đa dạng của hàng hóa, nguồn gốc rõ ràng mà sự vượt trội điều kiện vất chất như có điều hòa, hệ thống tủ bảo quản thực phẩm, máy tính tiền… cho đến việc tích hợp thanh toán hóa đơn điện, nước, internet.... đã thu hút khách hàng tập trung về hệ thống cửa hàng tiện lợi.

Tất nhiên, cửa hàng tiện lợi phải thuê nhà mặt phố, nhưng nhà quản lý chỉ thuê một số điểm đủ “tiêu chuẩn” của họ ở mỗi tuyến phố hoặc mỗi khu vực. Nhà mặt phố ở ngã ba, ngã tư đông đúc vẫn được các nhà bán lẻ đồ điện tử, trà sữa, cà phê, thời trang cao cấp… săn lùng và ngày càng có giá.

Ngoài ra, sự xuất hiện các loại hình kinh doanh mới như kinh doanh online tuy gián tiếp cạnh tranh nhưng đã và đang giật đi số lượng lớn khách hàng truyền thống của nhà phố. Mô hình kinh doanh online có thế mạnh là hình ảnh 3D rõ nét, kết hợp video đủ sức thỏa mãn yêu cầu tìm hiểu về nhiều loại sản phẩm mà không cần chi phí cho kho chứa, kệ hàng hay người giới thiệu.

Các cửa hàng nhỏ trong ngõ đã sử dụng công nghệ thông tin chủ động tiếp cận khách hàng, phần mềm đặt hàng kết hợp việc giao hàng qua người giao hàng … nên không những khắc phục phần nào điểm yếu về vị trí mà hơn thế, có thể bán giá thấp do không phải mất chi phí thuê mặt bằng nên đang cạnh tranh trực tiếp rất mạnh với các loại cửa hàng kinh doanh truyền thống của nhà mặt phố.

Tắc đường thường xuyên ở những tuyến phố mua sắm cũng tạo nên tâm lý ngại dừng xe mua hàng hay sự thay thế dần dần các phương tiện đi lại cá nhân bằng các phương tiện giao thông công cộng cũng đã và đang làm giảm dần hiệu quả kinh doanh của nhà mặt phố. Đó là chưa kể bất tiện về chỗ đậu xe, nhất là ô tô, khiến cho nhà mặt phố mất đi khách hàng giàu có.

Rõ ràng, cuộc sống đô thị dần dần bóc tách hai chức năng để ở và kinh doanh của nhà mặt phố; thói quen tiêu dùng thay đổi cũng làm cho hiệu suất kinh doanh của nhà mặt phố giảm, qua đó bào mòn dần tính hấp dẫn của nhà mặt phố.

Sức hấp dẫn giảm, hiệu quả kinh doanh thấp, “vượng khí” bốc hơi, dẫn đến quan niệm mua nhà mặt phố để giữ tiền, để chờ tăng giá cũng dần mất và nhà mặt phố mất giá sẽ trở thành một xu thế tất yếu trong cuộc sống đô thị hiện đại, trừ những tuyến phố cổ, trung tâm thành phố, khu vực đông đúc người đi bộ và gần các tòa nhà văn phòng.

Theo TheLEADER

Link: https://theleader.vn/nha-mat-pho-se-mat-gia-1566405877963.htm