Thiết kế: "Song sinh" của G610
Nếu tắt đèn trên cả hai mẫu phím (hoặc bật đèn màu trắng cho G810) thì chắc chắn bạn sẽ không thể phân biệt được giữa 2 mẫu phím cơ 2016 của Logitech. Lý do là bởi G810 giống G610 đến từng đường nét, từng chi tiết nhỏ. Đây vẫn là một mẫu phím cơ có thiết kế tối giản có hình dáng là một khối chữ nhất như vô số các mẫu phím cơ đã từng xuất hiện trên thị trường. Và cũng như đàn em, G810 không được trang bị phần kê tay như các mẫu phím game đình đám từ CM Storm hoặc Roccat.
Chất liệu nhựa nhám giúp làm giảm tình trạng bám vân tay, sau một thời gian dài sử dụng ngoại hình bàn phím vẫn đẹp
Vòng xoay điều khiển âm lượng là một đặc điểm đã có trên G610
Dù đơn giản nhưng G810 vẫn có một số điểm cộng. Đầu tiên: mặt trên của phím sử dụng chất liệu nhựa matte cho phép giảm tối đa tình trạng bám vân tay hay các vết bẩn khác. Tiếp đến, các cạnh bên của bàn phím được phủ một lớp nhựa hơi bóng, tạo ra cảm giác rất thanh lịch, trang nhã. Cuối cùng, mặt dưới của bộ phím này được trang trí rất nhiều đường khắc chéo phá cách khá ấn tượng. Đáng tiếc rằng bạn hiển nhiên sẽ chỉ được tận hưởng cảm giác ấn tượng này khi đang không sử dụng phím. Dù sao, Logitech cũng đã tạo ấn tượng tốt khi ghi danh là một nhà sản xuất chịu khó chú ý tới... mặt đáy của phím cơ.
Nhiều đèn nhưng vẫn là... chưa đủ
Nếu là fan của công nghệ thì chắc hẳn bạn vẫn nhớ G810 đã ra mắt một cách đầy ấn tượng tại hội chợ PAX East diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua. Tại sự kiện này, Logitech đã kết hợp 160 chiếc G810 thành một bức tường đèn khổng lồ để các game thủ có thể trầm trồ chiêm ngưỡng.
Video giới thiệu phần mềm và khả năng "đèn đóm" của Logitech G810
Đáng tiếc rằng bạn sẽ không thể tái hiện lại cảnh tượng này, không phải vì bạn không thể mua 160 chiếc G810 mà là bởi Logitech đã sử dụng phần mềm riêng để trình diễn G810. Tuy vậy, thông điệp của hãng phụ kiện PC đến từ nước Mỹ là rất rõ ràng: G810 là màn trình diễn ánh sáng của Logitech gửi tới game thủ.
Đứng từ khía cạnh này thì G810 không gây thất vọng. Khác với đàn em G610 chỉ có duy nhất đèn màu trắng, G810 hỗ trợ đầy đủ tất cả các màu RGB theo ý muốn của người dùng. Đáng tiếc rằng số lượng hiệu ứng được Logitech mang tới vẫn chưa thể bì kịp đối thủ Razer với dòng sản phẩm Chroma đầy ấn tượng. Thậm chí, một số hiệu ứng của Logitech vẫn còn khá kém cỏi, ví dụ như hiệu ứng Star (bật đèn ngẫu nhiên) không hề hỗ trợ tùy chọn màu ngẫu nhiên. Cách lựa chọn màu phím bên trong phần mềm Logitech Gaming Software cũng hơi gây rối khi người dùng phải chọn màu mong muốn trước rồi mới gán vào vùng phím mong muốn.
Điểm ấn tượng nhất về G810 là phương thức hiện đèn. Trước đây, người viết thường tránh bật đèn trên phím vì chúng làm... nhức mắt khi sử dụng trong đêm tối. Logitech thay đổi ấn tượng này bằng một cơ chế gắn đèn hoàn toàn mới cho switch Romer-G, giúp giảm thiểu lượng ánh sáng phủ xuống phần đáy phím. Kết quả là trong đêm tối G810 tạo ra ánh sáng rất dịu, không gây chói mắt. Ánh sáng chỉ xuất hiện duy nhất trên chữ khắc cũng giúp tạo ra mức độ thẩm mỹ vượt trội so với các mẫu phím cơ dùng switch Cherry.
Trải nghiệm chơi game vẫn còn nhiều bất cập...
Cũng như đàn em G610, G810 bị giới hạn khả năng macro phím.
Do G810 là "anh em" của G610 nên toàn bộ những điểm yếu của mẫu phím cơ Cherry Brown kể trên đã bị lặp lại trên G810. Chúng tôi đã từng phân tích về các điểm yếu này trong bài đánh giá chi tiết G610, và chúng bao gồm: không có hàng phím Macro ở bên trái, không hỗ trợ Macro trên toàn bộ bàn phím (chỉ hỗ trợ duy nhất trên hàng phím F), không hỗ trợ tạo profile cho đèn phím và cũng không có kê tay để giữ cho người chơi được thoải mái sau nhiều tiếng đồng hồ.
Tất cả các điểm yếu này đều ảnh hưởng khá nhiều tới trải nghiệm chơi game, trong đó trầm trọng nhất có thể là vấn đề về Macro. Đây thực sự là một vấn đề khó giải thích và... vô lý từ phía Logitech, bởi cả Razer và SteelSeries đều mang tới khả năng gán macro cho phím bất kỳ trên toàn bộ bàn phím. Thậm chí, mẫu SteelSeries M500 có giá rẻ hơn G810 tới 1,5 triệu đồng cũng có tính năng này. Khi giới hạn khả năng macro lên hàng phím F, Logitech có thể là đã khiến cho game thủ mất đi một vũ khí hữu dụng để "chiến" MOBA hoặc MMO.
Trong khi phần mềm Razer Synaps tự động thiết kế heatmap thì Logitech lại đòi hỏi người dùng phải kích hoạt thủ công.
... nhưng switch Romer-G sẽ mang lại nhiều điều mới mẻ
Với tất cả những điểm trừ trầm trọng nói trên, "cứu cánh" duy nhất có thể giúp cho G810 thực sự xứng đáng với mức giá 3,8 triệu đồng sẽ là cảm giác nhấn của switch Romer-G.
Cận cảnh switch Romer-G do Logitech tự phát triển
Theo tuyên bố của Logitech thì loại switch này có rất nhiều điểm mạnh. Đầu tiên, switch Romer-G có thể chịu được 70 triệu lần nhấn, tức là cao hơn 20 triệu so với switch "loại thường" (nói đích danh ra là switch Cherry). Tiếp theo, khoảng cách di chuyển của Romer-G ngắn hơn đáng kể so với Cherry. Tiếp đó, kết cấu stern (chân nối giữa switch và mặt phím/keycap) được cải thiện để mang tới độ bền tốt hơn.
Nhưng câu chuyện về độ bền không thể gói gọn trong một bài review thực hiện trong vòng 2 tuần lễ, và thực tế là nhiều game thủ vẫn coi yếu tố độ bền là... thứ yếu. Câu hỏi quan trọng nhất là "Romer-G có cảm giác bấm như thế nào, ảnh hưởng tới kết quả chơi game ra sao"?
Do đường đi của phím ngắn nên Romer-G có thể coi là mang lại tốc độ tốt hơn cho các tựa game FPS.
Đầu tiên là cảm giác nhấn. Nếu như bạn chưa trực tiếp thử nghiệm Romer-G thì bạn sẽ rất khó hình dung về loại phím này, bởi Romer-G không phải là một bản copy trực tiếp từ Cherry như switch Kaith của Razer. Nếu so sánh thì cảm giác nhấn trên Romer-G có thể coi là nằm giữa switch cao su (rubber dome) thông thường và switch Cherry Brown. Phản hồi lực vẫn thuộc dạng đi qua khấc như Brown nhưng không thực sự rõ ràng bằng.
Nhiều người có lẽ cũng sẽ so sánh Romer-G với Brown có gắn vòng đệm O-Ring. Nhìn chung, cảm giác nhấn ở đây là khá "nhũn" và nếu xét về mức độ sướng tay thì thua kém hẳn so với switch Brown có gắn keycap PBT dày. Khoảng cách đi của phím rất ngắn nếu so với Brown (vốn thường kết thúc khi game thủ chạm tới điểm phản hồi lực ở giữa đường đi) và cực kỳ ngắn nếu so với Red hay Black.
Cảm giác nhấn này ảnh hưởng như thế nào đến hiệu năng chơi game? Do đường đi của phím rất ngắn nên theo đúng như tuyên bố của Logitech, thời gian game thủ cần để thực hiện mỗi thao tác sẽ giảm đi đáng kể. Tuy vậy, do đường đi ngắn nên chúng tôi thường gặp khó khăn trong việc dừng nhấn ngay tại điểm phản hồi lực và trong phần lớn trường hợp là sẽ gõ hết hành trình phím. Đây cũng không hẳn là một bất lợi quá lớn vì ngay cả khi bottom out thì switch Romer-G vẫn rất êm, ngay cả khi so sánh với các mẫu phím dùng Cherry Brown và stab Cherry như đàn em G610.
Hiệu năng chơi game multiplayer không có nhiều thay đổi so với Cherry Brown.
Ngược lại, do Romer-G vẫn giữ nguyên lực nhận phím ở mức 45g như Cherry Brown nên tỉ lệ nhấn phím sai trên G810 không có sự khác biệt đáng kể so với G610. Nhìn chung, kết quả các trận đấu CS:GO và Overwatch của chúng tôi không có sự thay đổi dễ nhận thấy trên mẫu phím cao cấp của Logitech.
Văn bản tốt hơn nhưng game hành động lại kém hơn
Cũng bởi hành trình sau thời điểm nhận lực (có phản hồi khấc) rất ngắn nên Romer-G có thể là một lựa chọn tốt dành cho các game thủ hay bottom-out. Về lý thuyết, người dùng chỉ nên nhấn phím tới điểm có phản hồi lực (với Brown và Romer-G là khấc, với Blue là tiếng click) để giảm thiểu hành trình, song do hành trình của Romer-G quá ngắn nên lượng thời gian cần để nhả phím nếu bottom-out sẽ được giảm thiểu so với Brown.
Để đánh giá tốt nhất hiệu năng thực sự của phím Romer-G, người viết đã luyện tập lại phong cách gõ phím không bottom-out. Cũng giống như trường hợp của Blue và Brown, kiểu gõ này khá mất thời gian để làm quen ban đầu, nhưng sau một thời gian làm quen người dùng sẽ đánh giá được mức độ thoải mái thực sự của bàn phím. Kết quả là sau khoảng 1 tuần viết lách cùng G810, chúng tôi nhận thấy các ngón tay không mỏi nhiều như khi sử dụng phím Cherry Brown có gắn PBT thick. Tốc độ gõ phím không có sự khác biệt dễ nhận thấy.
Dù vậy nhưng cần phải khẳng định lại một lần nữa rằng cảm giác gõ phím Romer-G kém hơn hẳn các phím Cherry về mức độ "sướng tay". Nếu đặt nặng về yếu tố tốc độ thao tác trong các tựa game multiplayer như CS:GO hay DOTA2 thì bạn có lẽ vẫn nên cân nhắc thử nghiệm Romer-G, song với các tựa game offline có ý nghĩa "tận hưởng" như Kingdom of Amalur: Reckoning hoặc Shadow of Mordor thì G810 vẫn không thể bì kịp với các bộ phím sử dụng switch Red hoặc Black. Trong Mortal Kombat X, mỗi đòn đánh trên Romer-G không có cảm giác gọn và thanh thoát như khi sử dụng bộ Leopold 750R Red switch.
Kết luận
Chúng tôi không thể đưa ra khẳng định chắc chắn rằng trải nghiệm switch Romer-G trên G810 là dở hơn hay tốt hơn các loại switch Cherry quen thuộc – bởi cũng giống như trường hợp của Blue, Brown, Red và Black, lựa chọn switch sẽ luôn phụ thuộc vào sở thích và thói quen của mỗi người. Tuy vậy, điều cần phải nhận thấy ở đây là Logitech đã tạo ra một loại switch thực sự khác biệt so với trải nghiệm Cherry quen thuộc với những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Liệu người dùng có thích sự khác biệt này hay không lại là một vấn đề khác.
Ngoài yếu tố switch Romer-G thì G810 cũng gần như không sở hữu một điểm khác biệt đáng kể nào so với các sản phẩm cạnh tranh trên thị trường. Đây là một chiếc bàn phím có thiết kế tối giản (không hẳn là đẹp), chắc chắn, có bộ phím multimedia nhưng đáng tiếc lại không có kê tay, không có profile đèn cho từng tựa game, không có bộ phím M và thậm chí là chỉ cho phép macro trên dãy phím F.
Do đó, mức giá 3,8 triệu đồng (giá tham khảo từ Mai Hoàng – maihoang.com.vn) bạn bỏ ra sẽ chỉ mang lại một điểm khác biệt mấu chốt duy nhất so với các đối thủ Razer và SteelSeries: cảm giác nhấn của Romer-G. Điểm khác biệt này chưa chắc sẽ là một lợi thế đối với nhiều game thủ, đặc biệt là những người thích cảm giác nảy "sướng tay" của Cherry. Song, nếu bạn thích các thao tác nhanh có phản hồi lực rõ ràng, hoặc nếu bạn thường xuyên bottom-out khiến thao tác trên Brown bị chậm, G810 Chaos Spectrum có thể là lựa chọn bàn phím chất lượng nhất cho bạn vào lúc này.
Điểm mạnh:
- Màu đèn đẹp, không rò rỉ ánh sáng ra các khe giữa như nhiều mẫu phím khác.
- Switch Romer-G đem lại cảm giác nhấn mới lạ.
- Đường đi của phím nhấn được giảm thiểu.
Điểm yếu:
- Romer-G có thể không phù hợp với một số game thủ.
- Vẫn mắc phải các điểm yếu về macro và phần mềm điều khiển.
Theo Diến đàn Đầu tư