Thiết kế
Theo đánh giá của Phone Arena, P10 Lite là một chiếc điện thoại có thiết kế lôi cuốn theo triết lý thiết kế của Huawei. Tuy nhiên, nó có phần không ăn nhập với gia đình P10 bởi nó có rất nhiều điểm tương đồng với P9 Lite.
Vẫn là thiết kế các góc bo tròn bao quanh mặt kính đi kèm khung kim loại cắt kim cương. Trong khi điện thoại P10 và P10 Plus sở hữu thiết kế khung kim loại toàn bộ, thì mặt sau của P10 Lite lại được làm bằng kính. Điều này không khiến cho P10 Lite trông rẻ tiền hơn và kém thuận tiện để cầm nắm, nhưng nó khiến cho P10 Lite rất dễ trơn trượt khi đặt trên các mặt phẳng.
Khác với các smartphone cao cấp P10 và P10 Plus, P10 Lite không được tích hợp camera kép, nút home vật lý, thay đổi về vị trí đặt máy quét vân tay. Máy quét vân tay trên P10 Lite được đặt ở mặt sau và cách camera một khoảng kha khá. Điều này giúp bảo vệ cảm biến camera mỗi khi quét vân tay để mở máy. Máy quét vân tay này hoạt động rất nhanh và đáng tin cậy.
Nút nguồn và điều chỉnh âm lượng được bố trí ở cạnh phải trong khi khay SIM kép được bố trí bên cạnh trái. Cổng microUSB và loa được đặt ở cạnh dưới, còn giắc cắm tai nghe được bố trí ở cạnh trên như đa số các dòng smartphone hiện nay.
Màn hình
Huawei P10 Lite sử dụng màn hình LCD kích thước 5,2inch với độ phân giải Full HD và mật độ điểm ảnh đạt 424 ppi. Độ sáng tối đa và tối thiểu đạt 539 và 4 nit, đảm bảo khả năng hiển thị tốt trong cả điều kiện ngoài trời lẫn trong đêm tối.
Tuy nhiên, mức nhiệt độ màu (một khái niệm được rút ra từ định luật của Planck) của màn hình này chỉ ở mức rất thấp 9400K, điều đó có nghĩa là các màu sắc và bóng sẽ có xu hướng ngả sang màu xanh lục nhiều hơn. Nếu bạn cảm thấy khó chịu với điều này, bạn có thể vào mục cài đặt để điều chỉnh.
Giao diện và chức năng
Huawei P10 Lite chạy trên hệ điều hành Android 7.0 với giao diện EMUI 5.1. Vì vậy trải nghiệm P10 Lite giống hệ như P10, chỉ khác ở một điểm là P10 Lite không có nút home vật lý như người anh em cao cấp của nó. Mặc dù vẫn có đôi chút liên tưởng tới iOS nhưng dù sao Huawei cũng đã cố gắng đưa vào nhiều tính năng của Android gốc, qua đó giúp các fan của Android cảm thấy thoải mái hơn.
Để bố trí các biểu tượng (icon) trên màn hình, bạn cần phải vào mục “Home screen style” trong phần Cài đặt để chọn và điều chỉnh các kiểu sắp xếp icon mà bạn muốn. Giao diện EMUI cũng cung cấp rất nhiều tính năng và tùy chọn phù hợp với mọi nhu cầu và người sử dụng.
Có thể thấy rằng EMUI là một giao diện Android khá nặng nhưng P10 Lite có thể bật/tắt, chuyển giữa các trang, các mục mượt mà, không xảy ra hiện tượng trễ giật. Điều này có được là nhờ EMUI 5 sử dụng thuật toán máy học để quản lý và chỉ định các tài nguyên phần cứng xem đâu là phần cần thiết nhất. Chúng tôi từng gặp rắc rối khi kiểm nghiệm tính năng này trên P10 và P10 Plus do hai mẫu điện thoại cao cấp này sử dụng phần cứng quá khủng.
Bộ vi xử lý và bộ nhớ
P10 Lite được Huawei quảng cáo là có hiệu năng và giá bán bằng một nửa so với mẫu smartphone cao cấp P10. Chiếc smartphone tầm trung này được trang bị con chip nội địa Kirin 658 tám nhân kiến trúc Cortex A-53, trong đó bốn nhân có tốc độ 2,36GHz và bốn nhân có tốc độ 1,7GHz.
Huawei P10 Lite có hai phiên bản với tùy chọn bộ nhớ khác nhau. Phiên bản được bán ở thị trường Tây Âu, châu Á-Thái Bình Dương và Bắc Phi sẽ được trang bị bộ nhớ 4 GB, trong khi phiên bản được bán ra ở các thị trường khác chỉ có bộ nhớ 3 GB.
Đương nhiên là Huawei P10 Lite không thể so bì với các smartphone cao cấp về kết quả kiểm tra hiệu năng AnTuTu hay Geekbench, nhưng nó hoàn toàn đủ sức đáp ứng tốt các nhu cầu sử dụng thường ngày của bạn mà không gặp vấn đề gì, thậm chí kể cả chơi các game 3D. Tất nhiên là bạn không thể chơi liên tục với mức 60 khung hình/giây nhưng dù sao mọi thứ vẫn rất ổn.
Cả hai phiên bản đều được trang bị bộ nhớ trong 32GB, và nếu muốn, bạn hoàn toàn có thể tăng dung lượng bộ nhớ lên 256GB với thẻ nhớ microSD.
Kết nối
Huawei P10 Lite hỗ trợ hầu hết các nền tảng viễn thông hiện nay như GSM, HSPA và 4G LTE. Bên cạnh đó, chiếc smartphone tầm trung này còn được tích hợp các công nghệ kết nối không dây như Bluetooth 4.1, NFC, định vị GPS và các chuẩn kết nối Wi-fi mới nhất.
Camera
Một trong những khác biệt lớn nhất giữa Huawei P10 Lite và người anh em thuộc phân khúc cao cấp P10 và P10 Plus chính là việc camera của P10 Lite không được trang bị camera kép của Leica ở mặt sau. Đây là điều dễ hiểu P10 Lite chỉ là một chiếc điện thoại tầm trung nên Huawei phải lược bỏ một số chi tiết thuộc loại cao cấp và đắt tiền. Tuy nhiên, camera 12MP với khẩu độ f/2,2 của P10 Lite vẫn hoàn toàn có thể cho ra những bức ảnh ưng ý. Máy chụp tốt trong điều kiện đủ sáng, ảnh chi tiết, màu sắc ổn. Và cũng không ngạc nhiên khi ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng không được đẹp, xuất hiện nhiễu.
Công nghệ chống rung quang học OIS hay tự động lấy nét bằng laser không xuất hiện trên P10 Lite, nhưng ứng dụng chụp ảnh trên chiếc smartphone lại giống hệt chiếc P10 cao cấp. Phần mềm này cung cấp rất nhiều chế độ chụp ảnh, bao gồm panorama, HDR, all-focus… Bên cạnh đó, nó còn cung cấp chế độ điều chỉnh bằng tay khi chụp ảnh và quay phim.
Chất lượng video có thể nói là chấp nhận được chứ không được ấn tượng. Camera này có thể quay phim với độ phân giải Full HD với tốc độ 30 khung hình/giây. Do không được trang bị chống rung quang học nên các video khi xem lại có thể bị rung lắc. Cũng giống như khi chụp ảnh, có rất nhiều chế độ hỗ trợ để quay phim.
Camera trước có độ phân giải 8MP cho phép bạn có thể selfie với những khung hình khá đẹp. Camera này hỗ trợ chế độ chụp chân dung (Portrait mode) nhưng không thực sự hiệu quả. Ngoài ra, hiệu ứng xóa phông (bokeh) đôi khi lại “làm quá”. Nói chung, camera trước của P10 Lite cho chất lượng selfie và quay video Full HD (ở mức 30 khung hình/giây) ở mức chấp nhận được.
Giải trí
Tuy không phải là một chiếc smartphone giải trí tốt nhất nhưng Huawei P10 Lite vẫn đủ sức thỏa mãn nhu cầu giải trí của bạn. Tuy nhiên màn hình LCD đã ảnh hưởng khá nhiều tới khả năng tái tạo màu sắc của P10 Lite. Bù lại, phần âm thanh của P10 Lite khá tốt. Loa ngoài dạng đơn được bố trí ở phần dưới của máy và cho ra âm thanh có chất lượng tốt hơn so với nhiều đối thủ khác. Dù vậy, âm thanh của P10 Lite vẫn thiếu một độ sâu nhất định. Không như nhiều nhà sản xuất khác, Huawei vẫn bố trí giắc cắm 3,5 trên P10 Lite nên bạn có thể cắm tai nghe và trải nghiệm chất lượng âm thanh tốt hơn.
Chất lượng cuộc gọi và thời lượng pin
Chúng tôi không có bất kỳ băn khoăn nào với chất lượng âm thanh cuộc gọi của Huawei P10 Lite. Loa đủ to và âm khá rõ và thậm chí chúng tôi có thể nghe được từ cạnh bên kia của điện thoại.
Thời lượng pin của chiếc smartphone này cũng không hề gây thất vọng. Sau khi thực hiện bài kiểm tra, kết quả cho thấy Huawei P10 đạt 8 giờ 23 phút, cao hơn cả hai người anh em là P10 và P10 Plus cũng như nhiều mẫu điện thoại cao cấp khác. Tuy nhiên, nếu so sánh với đối thủ trực tiếp của nó là Samsung A5 2017, thì nó còn thua kém khá xa về thời lượng pin khi chiếc điện thoại của Hàn Quốc đạt kết quả 11 giờ 9 phút. Ngoài ra, mất khoảng 138 phút để sạc đầy pin cho P10 Lite từ 0-100%
Kết luận
Huawei P10 Lite là một chiếc điện thoại đáng cân nhắc trong phân khúc tầm trung với mức giá khoảng 350 USD. Nó là một chiếc smartphone với hệ điều hành mới nhất, thiết kế, hiệu năng và thời lượng pin cũng như là camera chấp nhận được. Tuy nhiên, màn hình của P10 Lite lại gây thất vọng khi hiển thị màu sắc không tốt và không hỗ trợ một vài tính năng như chống rung quang học hay quay phim 4K.
Với cùng mức giá, Samsung Galaxy A5 2017 lại tỏ ra ưu việt hơn nhờ thời lượng pin tốt hơn và khả năng chống nước. Hay như Honor 8 không chỉ có những tính năng trên mà còn có camera kép ở mặt sau. Tóm lại, nếu bạn đã quen với giao diện EMUI và ưa chuộng thiết kế của Huawei, đây sẽ là một chiếc smartphone đáng đồng tiền bát gạo dành cho bạn.