Ấn tượng đầu tiên của Test Lab với TOTOLINK N9 là kiểu dáng nhỏ gọn, và dù được thiết kế cho mục đích chính là ốp trần nhưng về cơ bản thì người dùng vẫn có thể đặt điểm truy cập không dây (Access Point - AP) này trên bàn làm việc.
Theo đặc tả kỹ thuật được nhà phân phối sản phẩm TOTOLINK tại Việt Nam là công ty An Phát công bố thì N9 hỗ trợ mạng Wi-Fi chuẩn 802.11b/g/n với tốc độ truyền tải dữ liệu 300Mbps, trang bị cổng LAN 10/100Mbps tích hợp khả năng cấp nguồn qua dây mạng (PoE - 802.3af).
Có thể khẳng định, TOTOLINK N9 tạo ra sự thuận tiện gần như là tuyệt đối trong việc lắp đặt đối với trường hợp router, switch hay modem giữ nhiệm vụ "cấp đường ra Internet" cho thiết bị AP này không hỗ trợ chuẩn PoE tương ứng khi đi kèm trọn bộ sản phẩm là adapter cấp nguồn dạng "hội tụ" trực tiếp vào cáp mạng LAN.
Với 2 anten ngầm độ lợi 4dBi hỗ trợ công nghệ MIMO cùng công suất phát sóng cao (500mW), TOTOLINK N9 được nhà sản xuất quảng cáo có khả năng đảm bảo kết nối ổn định trong khoảng cách 50-70m và môi trường có nhiều vật cản như tường gạch, vách thạch cao.
Ngoài chế độ mặc định Bridge, TOTOLINK N9 còn cho phép người dùng thủ công chỉnh sang hoạt động ở chế độ Repeater (khuếch đại sóng Wi-Fi từ một nguồn phát khác) và WISP.
TOTOLINK N9 cung cấp 3 chế độ hoạt động, nhưng mặc định thiết lập vận hành ở chế độ Bridge. |
Cấu hình trong 5 phút
Test Lab nhận thấy, nếu nhu cầu của người dùng chỉ đơn giản là trang bị một AP có khả năng tạo ra mạng Wi-Fi công cộng từ đường truyền mạng LAN hiện hữu cũng như không đòi hỏi đặt lại tên mạng không dây và mật khẩu đăng nhập bắt buộc thì việc cấu hình TOTOLINK N9 chỉ mất vỏn vẹn chừng 5-10 phút, trong đó việc đọc tài liệu hướng dẫn chỉ khoảng 2 phút.
Hay nói cách khác, chỉ cần nối cáp LAN cấp đường truy cập Internet từ router/modem/switch vào adapter (cổng dán nhãn LAN), và sau đó sử dụng một cáp LAN khác từ adapter (cổng dán nhãn PoE) nối vào N9 thì ngay lập tức mạng Wi-Fi mang tên TOTOLINK N9 sẽ được tạo ra và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu kết nối Internet.
TOTOLINK N9 cho phép tạo ra 3 SSID độc lập, hỗ trợ tối đa 40 truy cập đồng thời. |
Lẽ đương nhiên, tên mạng (SSID) mặc định là TOTOLINK N9 sẽ không thể được điều chỉnh và bất kỳ ai cũng có thể "xài chùa" Wi-Fi từ mạng không dây mà bạn vừa tạo ra.
Do đó, tốt hơn hết là người dùng phải chọn giải pháp mở trình điều khiển N9 và thiết lập lại các thông số liên quan đến mạng Wi-Fi.
Test Lab nhận thấy, có ít nhất là 2 cách để đăng nhập vào giao diện điều khiển dạng web của TOTOLINK N9, cụ thể như: sử dụng cáp LAN nối trực tiếp giữa PC/laptop với thiết bị; và dò địa chỉ IP mà router/switch cấp cho N9 dựa vào địa chỉ MAC.
Ngoài ra, TOTOLINK còn cung cấp ứng dụng TOTOLINK SoftAC để các quản trị viên có thể dễ dàng quản lý tập trung nhiều thiết bị N9.
Với cách thức thứ nhất, giống sản phẩm DrayTek VigorAP 910C từng được Test Lab thử nghiệm cách đây không lâu, TOTOLINK N9 cũng được "gán cứng" địa chỉ IP là 192.168.0.1. Vì thế, bạn cần đặt địa chỉ IP cho card mạng của máy tính theo định dạng 192.168.0.x.
Địa chỉ IP mặc định của TOTOLINK N9 là 192.168.0.1 |
Còn với cách thứ hai, việc dò địa chỉ IP sẽ mất chút thời gian song không quá khó để ngay cả một người dùng phổ thông có thể sử dụng tính năng dò IP trên trình quản lý router hay modem do nhà mạng Internet cung cấp.
Khi đã có trong tay địa chỉ IP của N9, bạn cần mở trình duyệt bất kỳ và nhập vào địa chỉ IP tương ứng. Ngay lập tức giao diện điều khiển N9 sẽ xuất hiện. Mặc định, TOTOLINK N9 được đặt tên đăng nhập và mật khẩu là admin/admin, và người dùng chỉ có thể đổi mật khẩu cho tài khoản quản trị viên này.
Giao diện điều khiển TOTOLINK N9 ở chế độ mặc định, tức ngay sau khi người dùng thiết lập kết nối với mạng LAN cung cấp đường ra Internet. |
Từ bây giờ, nếu cần thiết thì người dùng có thể thực hiện các thiết lập nâng cao như đổi tên mạng Wi-Fi mặc định, bổ sung 2 SSID khác và đặt mật khẩu bảo vệ đăng nhập cho các SSID tương ứng.
Kích hoạt các chế độ bảo vệ đăng nhập cho Wi-Fi.
ếu muốn thiết lập TOTOLINK N9 vận hành ở chế độ Repeater để khuếch đại sóng Wi-Fi của một mạng không dây lân cận, ở giao diện điều khiển thiết bị, bạn mở trình đơn Operation Mode và đánh dấu vào tùy chọn Repeater Mode, rồi nhấn Apply. Chuyển đổi linh hoạt
Sau đó, quay trở lại với giao diện điều khiển N9, bạn mở trình đơn Wireless, chọn mục Repeater Setting.
Ở giao diện vừa xuất hiện, bạn nhấn nút Scan để dò quét các điểm phát nguồn Wi-Fi. Ở danh sách bên dưới sau đó, bạn nhấn chọn vào tên của nguồn phát Wi-Fi cần N9 khuếch đại tín hiệu, thì ngay lập tức toàn bộ thông số của nguồn Wi-Fi ấy sẽ được "đồng bộ" lên giao diện.
Tiếp đến, ở ô Key, bạn nhập vào mật khẩu đăng nhập vào mạng Wi-Fi đó, sau đó nhấn vào nút Connect.
Sau bước này, TOTOLINK N9 sẽ sử dụng kết nối Internet từ mạng Wi-Fi "gốc" (ví dụ như trong hình minh họa là PCWorld@L5) để chia sẻ, và bạn từ thời điểm này đã có thể tháo cáp mạng (ở ngõ dán nhãn LAN) dùng cấp tín hiệu Internet trước đó khỏi adapter nguồn hay router/switch/modem.
TOTOLINK N9 thực sự khiến Test Lab hài lòng để triển khai nhiệm vụ chia sẻ kết nối Internet cho nhiều môi trường thử nghiệm, đặc biệt ở khả năng dễ cấu hình và hơn hết là việc hỗ trợ PoE nên nhóm thử nghiệm gần như chẳng lo lắng đến việc tìm nguồn cấp điện cho thiết bị.
Tuy nhiên, sẽ thật tuyệt vời hơn khi TOTOLINK N9 khắc phục được tốc độ "lưu" các thay đổi khi người dùng thiết lập thông số, bởi lẽ con số 80-90 giây đôi lúc sẽ khiến chiếc AP không dây bị nguồn cấp IP phía trên "hất cẳng" vì thời gian thiết bị này khởi động lại quá lâu và gây ra lỗi "time-out".
Sản phẩm TOTOLINK N9 hiện có giá bán tham khảo 1,25 triệu đồng.