Đặng Thành Tâm: Hết muốn tự tử, đi chơi thể thao

Mới chỉ 2 năm trước đây, giới đầu tư còn ngỡ ngàng với bộ mặt rầu rĩ, lo âu, râu rỉa lởm chởm của ông Tâm khi đi họp Quốc hội. Người ta còn nhớ như in những tâm sự để đời và những phát ngôn ấn tượng của doanh nhân này.
Câu chuyện vượt bão của ông Đặng Thành Tâm là một ví trong việc tái cấu trúc doanh nghiệp.

Ánh sáng trở lại

Giống như các năm trước, tại đại hội cổ đông 2015 Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) hôm 27/4, ông Đặng Thành Tâm tiếp tục thu hút sự quan tâm đặc biệt của các cổ đông với vai trò là chủ tịch và là người điều hành đại hội.

Năm nay, điểm khác biệt ở vị doanh nhân này có lẽ là ở thần thái tươi sáng hơn, thảnh thơi và tự tin hơn sau những kết quả phục hồi của KBC - Nguồn thu chủ chốt của gia đình ông Tâm .

Nếu như trong cùng khoảng thời gian này năm trước, ông Đặng Thành Tâm chỉ dám khẳng định "KBC đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất" và "chúng ta đã thoát lỗ và có lãi", thì năm nay, doanh nhân này đã nhìn thấy dòng tiền ổn định của doanh nghiệp, đã thấy quá trình tái cấu trúc nợ cơ bản hoàn thành và thấy được sự yên tâm từ các ngân hàng.

Năm 2013, KBC có lãi 72 tỷ đồng sau khi thua lỗ hơn 435 tỷ đồng trong năm 2012. Còn 2014, KBC đã bứt phá ngoạn mục với lợi nhuận ròng đạt gần 326 tỷ đồng.

Điều quan trọng nhất, theo doanh nhân này, là KBC đã tái cấu trúc được nợ. Nợ ngân hàng thực tế của Tập đoàn KBC còn khoảng 3 nghìn tỷ đồng, còn các khoản mục khác trong tổng nợ phải trả gần 6,8 nghìn tỷ đồng là các khoản trái phiếu sẽ chuyển thành vốn, tiền người mua trả trước, khoản tiền tái đầu tư cho doanh nghiệp...

Với quy mô vốn chủ sở hữu gần 5,4 nghìn tỷ đồng, khoản nợ nói trên tạm có thể coi là an toàn với ông Tâm.

Một điểm cũng rất đáng chú ý là mà theo bật mí của ông Tâm là: trong suốt 3 năm gần đây KBC chưa phát sinh thêm khoản vay nào với ngân hàng. Ông Tâm cũng không ngần ngại khẳng định, bức tranh tái cấu trúc tài chính của KBC ngày càng khá lên so với thời kỳ đầu tư dàn trải, suy giảm kinh tế trước đó.

Vị doanh nhân từng đứng số 1 trong danh sách những người giàu có nhất trên thị trường chứng khoán này đã có thời gian để chơi thể thao sau khi bỏ ngân hàng, bỏ đa ngành, tập trung vào sở trường kinh doanh khu công nghiệp và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Rùng mình những cú sốc đã qua

Câu chuyện vượt bão của ông Đặng Thành Tâm là một ví trong việc tái cấu trúc doanh nghiệp. Nó cũng cho thấy những rủi ro mà các doanh nhân gặp phải khi quá đam mê kinh doanh trên những đồng vốn vay nợ.

Mới chỉ 2 năm trước đây, giới đầu tư còn ngỡ ngàng với bộ mặt rầu rĩ, lo âu, râu rỉa lởm chởm của ông Tâm khi đi họp Quốc hội. Trong những năm khó khăn, nhiều người còn nhớ như in những tâm sự để đời và những phát ngôn ấn tượng của doanh nhân này.

Trong lúc tâm trạng rối bời ấy, ông Tâm chia sẻ: "Tôi không lấy những gì thuộc về tôi", "Điều tôi quan tâm nhất bây giờ là trả nợ", "Không trả được nợ bắt tôi bỏ tù thì giải quyết được gì"... Và khi trấn tĩnh ông cho biết, lắm lúc muốn uống thuốc sâu tự tử cho xong chuyện.

Sự xáo trộn về tâm lý của một trong những doanh nhân hàng đầu Việt Nam có lẽ bắt đầu tư những khó khăn đồng loạt của các doanh nghiệp của ông như Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA), SaigonTel... Kết quả kinh doanh thua lỗ, doanh thu tụt giảm, nợ chồng chất lên tới cả chục nghìn tỷ, lãi vay ngân hàng phải trả khoảng 1 tỷ đồng/ngày... là gánh nặng khó có thể đứng vững.

Bên cạnh đó, nỗi lo của ông Tâm có lẽ còn nằm ở các món cổ phần và những khoản nợ tại hai ngân hàng Navibank và WesternBank.

"Làm" ngân hàng có thể mang lại lợi thế rất lớn cho các doanh nhân. Ngân hàng nắm được nhiều thông tin, nhiều cơ hội làm ăn. Ngân hàng bơm vốn ra cho các doanh nghiệp sân sau... Tuy nhiên, đó cũng có thể là con dao hai lưỡi. Nhiều doanh nhân đã gục ngã vì đã vay quá nhiều tiền và không có khả năng trả nợ.

Sau thời trốn kỹ, ẩn sâu, ông Đặng Thành Tâm gần đây liên tục xuất hiện với tâm trạng khá thoải mái và tự tin.

Cho đến thời điểm này, ông Tâm đã thoái vốn ở cả 2 ngân hàng này và liên tục lên kế hoạch trả các khoản nợ cũ và trong nhiều năm không vay thêm khoản nào mới. Các doanh nghiệp của ông Tâm đang dần ổn định. KBC đã chuyển đổi trái phiếu, phát hành riêng lẻ cấn trừ công nợ trong suốt năm vừa qua.

Tuy nhiên, KBC có lẽ đã gặp may khi thu hút được nhiều dự án FDI, duy trì được dòng tiền trong lúc nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn.

Trên thực tế, nợ xấu là một phần trong hoạt động của ngân hàng cũng như nền kinh tế. Vấn đề ở chỗ là mức độ nợ xấu như thế nào, có quá lớn hay không và doanh nghiệp có tiềm năng để trả nợ hay không khi được ngân hàng góp sức vực dậy. Tất nhiên không phải trường hợp nào cũng may mắn như KBC và ông Đặng Thành Tâm.

Theo VNN