Bán tiếp cảng biển: gió xoay chiều

Tháng đầu tiên của năm 2015, giới đầu tư hướng sự chú ý sang cổ phần các cảng biển, sau “hiện tượng” cảng Nghệ Tĩnh bán hết 3,89 triệu cổ phần ngay trong lần bán đấu giá đầu tiên ra công chúng (IPO).
Phiên đấu giá cổ phần cảng Nghệ Tĩnh đã kết thúc tốt đẹp với toàn bộ lượng cổ phần chào bán đã được bán hết.
Phiên đấu giá cổ phần cảng Nghệ Tĩnh đã kết thúc tốt đẹp với toàn bộ lượng cổ phần chào bán đã được bán hết.

Đây là một điều bất ngờ vì một loạt các cảng IPO trong năm 2014 đều rơi vào cảnh ế ẩm.

“Hiện tượng” cảng Nghệ Tĩnh

Phiên đấu giá cổ phần cảng Nghệ Tĩnh vào ngày cuối cùng của năm 2014 thu hút sự tham dự của 47 nhà đầu tư với tổng khối lượng đăng ký mua đạt hơn 8,57 triệu cổ phần, cao gấp 2,2 lần số cổ phần chào bán. Kết quả là chín nhà đầu tư đã mua hết lượng cổ phần bán ra với giá đấu thành công bình quân là 12.129 đồng/cổ phần (cao hơn giá khởi điểm ban đầu hơn 2.000 đồng).

Trong khi cảng Nghệ Tĩnh đấu giá thành công ở sàn Hà Nội thì ở sàn TPHCM, cũng trong ngày 31-12-2014, việc IPO cảng Cần Thơ lại khá trầm lắng. Tổng số lượng cổ phần đưa ra đấu giá của cảng này là 13,6 triệu cổ phần với giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần. Phiên đấu giá có đến 16 nhà đầu tư tham gia, trong đó có đến tám nhà đầu tư cá nhân nước ngoài nhưng chỉ bán được có 27.200 cổ phần (tương đương khoảng 0,2% trên tổng số 13,6 triệu cổ phần chào bán).

Vì sao xảy ra cảnh một cảng rất đắt hàng còn cảng kia lại ế nặng?

Một khi “nút thắt” về tỷ lệ vốn nắm giữ của Nhà nước giảm từ 75% xuống còn 51% thì nhà đầu tư sẽ thay đổi quan điểm đầu tư vào cảng biển.

Một nhà đầu tư đã mua cổ phần của cảng Nghệ Tĩnh tiết lộ, từ năm 2009, cảng Nghệ Tĩnh đã duy trì được các tuyến container nội địa của hãng tàu Nhật - Việt; đến tháng 3-2013, cảng tiếp nhận thêm hãng tàu Đại Tây Dương; đến tháng 11-2013, nhận thêm hãng tàu Biển Đông chạy tuyến Hải Phòng - Cửa Lò - Sài Gòn. Vì vậy, lượng hàng container tăng trưởng mạnh, riêng năm 2013 tăng đến 76%, so với năm trước. Còn chín tháng của năm 2014, lượng hàng đã tăng 58,56% so với cùng kỳ.

Hơn nữa, với lợi thế là cảng nằm ở tỉnh Nghệ An - nơi khá gần với Lào, và hệ thống đường bộ thuận lợi cho vận tải như đường 7, 8, 12 nên từ năm 2012, cảng đã thu hút được hàng phân kali và từ năm 2013 tiếp nhận thêm hàng quặng sắt quá cảnh từ Lào.

Tuy nhiên, có lẽ, chính vì sự đa dạng về ngành, nghề kinh doanh  mới là sức hút đối với các nhà đầu tư. Sau khi cổ phần hóa, cảng Nghệ Tĩnh vẫn có đến 20 ngành nghề kinh doanh, từ khai thác cảng biển đến vận tải đường thủy, đường bộ, dịch vụ logistics... Ngoài ra, cảng này cũng kinh doanh cả bán buôn bán lẻ xăng, dầu, sửa chữa máy móc, xây dựng nhà các loại.

Khác với cảng Nghệ Tĩnh, các nhà đầu tư tham dự phiên IPO của cảng Cần Thơ lại tỏ ra khá thận trọng. Một nhà đầu tư phân tích, cảng Cần Thơ mặc dù nằm ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhưng tiềm năng phát triển của cảng này không nhiều. Hiện nay, ĐBSCL có lượng thủy sản và nông sản xuất khẩu lớn nhất cả nước, song những mặt hàng này đều phải chở lên TPHCM để đưa lên các tàu lớn cập cảng ở TPHCM hoặc Bà Rịa - Vũng Tàu vì cảng Cần Thơ không đón được tàu lớn. Còn việc vận chuyển than cho các nhà máy nhiệt điện thì đã có một số cảng chuyên dùng đang được xây dựng.

Trước đó, trong năm 2014, Vinalines đã IPO một loạt các cảng như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang nhưng đều rơi vào cảnh ế ẩm.

Nhà nước chỉ sở hữu 51%, nhà đầu tư vào ngay?

Theo kế hoạch của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), vào ngày 2-2 tới, tổng công ty này sẽ tiếp tục chào bán 13,2 triệu cổ phần (tương đương 21,08% vốn điều lệ) cảng Đà Nẵng, với giá khởi điểm 12.000 đồng/cổ phần (trước đó kế hoạch này dự tính diễn ra hôm 19-1). Nếu bán hết toàn bộ số cổ phần này, Vinalines sẽ thu về gần 160 tỉ đồng. Trước đó, cảng Đà Nẵng đã IPO, song chỉ bán được hơn 1,6 triệu cổ phần.

Ngày 28-1, một cảng khác cũng sẽ được IPO là cảng Năm Căn (Cà Mau). Số cổ phần chào bán là 395.200 cổ phần (tương đương 49,4% vốn điều lệ). Mức giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần.

Rút kinh nghiệm từ thất bại của những đợt IPO trong năm 2014, là nếu Nhà nước vẫn nắm giữ tỷ lệ cổ phần lớn sau cổ phần hóa (75%) tại nhiều cảng thì nhà đầu tư không mặn mà. Lần này, Vinalines đã xin Chính phủ điều chỉnh tỷ lệ nắm giữ xuống còn 51%. Chính phủ đã đồng ý.

Ngay khi Chính phủ đồng ý điều này, khá nhiều nhà đầu tư đã quan tâm đến đợt chào bán cổ phần tiếp theo của các cảng. Theo một nguồn tin từ Bộ Giao thông Vận tải, những cảng bị ế trong đợt bán lần đầu như cảng Hải Phòng, Nha Trang, Quảng Ninh, Đà Nẵng đang nhận được sự đeo bám khá sát sao của các nhà đầu tư.

Đắt khách nhất là cảng Hải Phòng khi trong danh sách các nhà đầu tư có cả nhà đầu tư nước ngoài lẫn tổ chức tín dụng trong nước, như Ngân hàng Công thương (VietinBank) và một đối tác đến từ Oman (Mời xem thêm bài Bán cảng Hải Phòng cho Oman: mũi tên trúng nhiều đích trên TBKTSG số ra tuần trước 15-1-2015). Tiếp đến là cảng Quảng Ninh, đang được một tập đoàn đầu tư tài chính quan tâm và thương vụ này nhiều khả năng sẽ thành công. Cảng Nha Trang đang được Vinalines thương thảo để chuyển giao quyền khai thác cho một tập đoàn tư nhân.
Ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cũng cho rằng một khi “nút thắt” về tỷ lệ vốn nắm giữ của Nhà nước giảm từ 75% xuống còn 51% thì nhà đầu tư sẽ thay đổi quan điểm đầu tư vào cảng biển.

Theo TBKTSG