Ngày 24/5/2021, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thẩm định Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Vạn Thương và giải trình ý kiến các bộ. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Thủ tướng xem xét, có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định.
Theo đó, dự án Khu công nghiệp Vạn Thương có quy mô 400 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 3.365 tỉ đồng, được thực hiện tại xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Vạn Thương (Vạn Thương IID).
Vạn Thương IID có vốn điều lệ 1.300 tỉ đồng, gồm các cổ đông sáng lập là Công ty TNHH Đầu tư Xuất nhập khẩu Ngọc Việt (Ngọc Việt) góp 60% vốn điều lệ và CTCP An Phú (An Phú Corp) góp 40% vốn điều lệ.
Chân dung An Phú Corp
Theo tìm hiểu của VietTimes, CTCP An Phú (An Phú Corp) thành lập vào tháng 8/2004, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và xuất nhập khẩu. Tháng 8/2007, An Phú Corp chính thức trở thành công ty đại chúng với vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng.
Tính tới cuối năm 2020, vốn điều lệ của An Phú Corp đạt 1.217,3 tỉ đồng, trong đó 2 cổ đông lớn nắm giữ 29% vốn điều lệ là CTCP Tân Hiệp (14,56%) và CTCP Hiệp Phúc (14,44%).
An Phú Corp có cơ cấu vốn khá lành mạnh. Tại ngày 31/3/2021, quy mô tổng tài sản của An Phú Corp đạt 1.392,4 tỉ đồng. Trong đó, nợ phải trả chỉ chiếm một phần nhỏ (3,38%), với 47,1 tỉ đồng; còn lại là vốn chủ sở hữu với giá trị 1.345 tỉ đồng.
Năm 2020, An Phú Corp ghi nhận doanh thu thuần đạt 37,5 tỉ đồng, giảm 72,7% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế ở mức 26 tỉ đồng, tăng 11,1% so với năm 2019. Với kết quả này, An Phú Corp đã hoàn thành 107% kế hoạch doanh thu và 208% kế hoạch lợi nhuận năm 2020.
Ngày 15/6/2021 sắp tới, An Phú Corp sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 tại TP. HCM. Theo đó, HĐQT sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2021 với doanh thu thuần đạt 35 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 12 tỉ đồng.
HĐQT An Phú Corp hiện có 3 thành viên gồm: Chủ tịch HĐQT Dương Bá Nam, ông Đặng Thanh Hải (kiêm Tổng giám đốc) và ông Trần Bá Vinh.
Tại TP. HCM, An Phú Corp đang triển khai và khai thác một số dự án bất động sản như An Phú Plaza (quận 3); khu căn hộ An Phú (quận 6); khu nhà liền kề An Phú Tiền Phong (quận Tân Phú); khu đất tại số 3 - 5 - 7 Nguyễn Huệ (quận 1). Ngoài ra, công ty này còn là chủ đầu tư dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng Sealinks tại Mũi Né, Phan Thiết.
Ngọc Việt có gì?
Nắm tỉ lệ sở hữu chi phối tại Vạn Thương IID, Công ty TNHH Đầu tư Xuất nhập khẩu Ngọc Việt (Ngọc Việt) là thành viên thuộc 'hệ sinh thái' của ông Nguyễn Thanh Sử (SN 1975).
Theo đó, Ngọc Việt được thành lập vào tháng 10/2014, trụ sở chính hiện đóng tại số 119 Pasteur, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP. HCM, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn ô tô và xe có động cơ khác.
Tại ngày 12/9/2019, Ngọc Việt có vốn điều lệ 698 tỉ đồng, gồm 2 thành viên góp vốn là CTCP Vạn Thương Sài Gòn (nắm giữ 50% VĐL) và ông Nguyễn Hồng Lam (nắm giữ 50% VĐL).
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong giai đoạn 2017 - 2019, Ngọc Việt (công ty mẹ) liên tục báo lỗ. Gần nhất là năm 2019, công ty này ghi nhận doanh thu thuần đạt 7,46 tỉ đồng, giảm 43,7% so với năm trước; lỗ sau thuế ở mức 7,17 tỉ đồng, trong khi năm 2018 cũng lỗ 11,2 tỉ đồng.
Trước đó, năm 2017, doanh thu thuần của Ngọc Việt đạt 1,34 tỉ đồng, lỗ sau thuế ở mức 5,99 tỉ đồng. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Ngọc Việt đạt 985,7 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 475,7 tỉ đồng, giảm lần lượt 2,79% và 1,45% so với đầu năm.
Về phần mình, CTCP Vạn Thương Sài Gòn mới được thành lập vào tháng 7/2018 với vốn điều lệ ban đầu 1.200 tỉ đồng, trong đó ông Nguyễn Thanh Sử là cổ đông lớn nhất góp 540 tỉ đồng, sở hữu 45% vốn điều lệ. Hai cổ đông còn lại là ông Lê Khắc Hoàng (nắm giữ 25% VĐL) và ông Hồ Xuân Dũng (nắm giữ 30% VĐL).
Năm 2019, Vạn Thương Sài Gòn ghi nhận doanh thu thuần đạt 1,15 tỉ đồng, lỗ sau thuế ở mức 31,8 tỉ đồng. Trong khi đó, năm 2018 công ty này cũng báo lỗ lên tới 11,8 tỉ đồng.
Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Vạn Thương Sài Gòn đạt 880,7 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 497,2 tỉ đồng.
Ngoài các pháp nhân kể trên, ông Nguyễn Thanh Sử còn đứng tên tại loạt pháp nhân khác như: CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm; CTCP Nông nghiệp hợp tác Vạn Thương; Công ty TNHH MTV Vạn Thương Vũng Tàu; CTCP The Spirit Of Bamboo; CTCP Đầu tư Phát triển Vạn Thương; CTCP Liên kết toàn cầu Việt Nam; CTCP Thiết bị Mê Kông; CTCP Du lịch Sài Gòn - Suối Nhum./.