Đằng sau Phú Hưng Hà Tĩnh: Doanh nghiệp 2 tháng tuổi trúng dự án trăm tỷ ở Hà Tĩnh

VietTimes -- Đó là trường hợp của CTCP Đầu tư và Xây dựng Phú Hưng Hà Tĩnh tại dự án Nhà máy Gạch tuynel Ngọc Sơn tại xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), vốn đầu tư dự kiến là hơn 160,45 tỷ đồng.
Nhà máy sản xuất gạch tuynel của CTCP Sản xuất XNK Phú Hưng tại Lào Cai (Ảnh: Báo Lào Cai)
Nhà máy sản xuất gạch tuynel của CTCP Sản xuất XNK Phú Hưng tại Lào Cai (Ảnh: Báo Lào Cai)

Theo dữ liệu của VietTimes, CTCP Đầu tư và Xây dựng Phú Hưng Hà Tĩnh (Phú Hưng Hà Tĩnh) thành lập ngày 29/10/2019, đăng ký trụ sở chính tại số số 169 Hải Thượng Lãn Ông, TP. Hà Tĩnh. Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty là ông Bùi Duy Đông (SN 1955).

Sau hơn 2 tháng đi vào hoạt động, ngày 17/1/2020, Phú Hưng Hà Tĩnh đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh trao quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án Nhà máy Gạch tuynel Ngọc Sơn tại xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà trên địa bàn tỉnh. Quyết định được ký trực tiếp bởi ông Trần Tiến Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Dự án được phát triển trên khu đất rộng 70.225,8 m2, thời hạn hoạt động 50 năm kể từ ngày có Quyết định chủ trương đầu tư, dự kiến hoàn thành toàn bộ và đi vào hoạt động trong tháng 3/2022. Số vốn đầu tư dự kiến là 160,453 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn tự có của nhà đầu tư là 41 tỷ đồng (chiếm 25,55%), còn lại là vốn vay ngân hàng và huy động hợp pháp khác.

Dự án sẽ lắp đặt mới dây chuyền sản xuất gạch bằng nguyên liệu đất đồi với công suất 90 triệu viên/ năm, sản xuất các sản phẩm gạch tuynel theo công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên liệu đất đồi và phế thải trong công nghiệp, xây dựng (tuyệt đối không sử dụng nguyên liệu đất sét ruộng) đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng cho địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận như Nghệ An, Quảng Bình...

Bên cạnh đó, dự án được kỳ vọng góp phần giải quyết việc làm cho người lao động và tăng thu ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh.

Việc Phú Hưng Hà Tĩnh sớm được cấp phép còn đến từ sự chủ động của chính quyền địa phương. Bởi, sau khi doanh nghiệp có văn bản đề nghị được thực hiện dự án (ngày 30/12/2019), chỉ 10 ngày sau (tức ngày 9/1/2020), Sở Kế Hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh đã có báo cáo thẩm định trình UBND tỉnh.

Song, việc cấp phép cho Phú Hưng Hà Tĩnh (vừa thành lập chưa lâu) một cách nhanh chóng khiến dư luận không khỏi băn khoăn về năng lực, kinh nghiệm của chủ đầu tư.

Chân dung đại gia địa ốc đằng sau Phú Hưng Hà Tĩnh

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Phú Hưng Hà Tĩnh đăng ký vốn điều lệ 90 tỷ đồng với 3 cổ đông sáng lập bao gồm: CTCP Sản xuất XNK Phú Hưng (80%), ông Bùi Duy Đông (18%) và bà Phạm Thị Thơi (2%).

Trong đó, ông Bùi Duy Đông (thường trú tại huyện Đông Hưng, Thái Bình) cũng nắm giữ tỷ lệ cổ phần chi phối tại XNK Phú Hưng - doanh nghiệp thành lập năm 2008, có trụ sở tại Lào Cai.

Tính đến đầu năm 2019, quy mô vốn điều lệ của XNK Phú Hưng là 350 tỷ đồng, trong đó, ông Đông sở hữu tới 52% vốn điều lệ. Tiếp đến là bà Vương Thu Hằng (thường trú tại Lào Cai) và ông Lại Thế Đông (cũng thường trú tại Đông Hưng, Thái Bình) với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 40% và 8% vốn điều lệ.

XNK Phú Hưng ít nhiều được biết đến với lĩnh vực sản xuất gạch tuynel trên địa bàn huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng có những thương vụ đầu tư đáng chú ý trong lĩnh vực bất động sản.

Ở tỉnh Lào Cai, XNK Phú Hưng là chủ đầu tư một số dự án như: Khu nhà ở thương mại tại khu kè KL94 phường Lào Cai; Khu nhà ở thương mại tại khu bờ kè Giáp công viên Hồ Chí Minh (sau bờ kè tả sông Hồng, quy mô 0,47ha) và Dự án Khu nhà ở thương mại (Đoạn từ đường B6 đến cầu Bắc Lệnh) đại lộ Trần Hưng Đạo (quy mô 2,75ha).

Năm 2018, doanh nghiệp này còn được chỉ định thực hiện dự án Khu đô thị mới đường B8 tại phường Bình Minh, TP. Lào Cai với vốn đầu tư 660 tỷ đồng.

Việc đầu tư bất động sản của XNK Phú Hưng còn mở rộng tại tỉnh Thái Bình với sự hợp tác với CTCP Lam Sơn Thái Bình - thành lập năm 2006, đặt trụ sở tại huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Tháng 8/2016, liên danh XNK Phú Hưng - Lam Sơn Thái Bình trở thành chủ đầu tư Khu dân cư Nguyễn Đức Cảnh tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy. Được biết, dự án này đã bị Thanh tra Chính phủ giữa năm ngoái chỉ ra nhiều sai phạm.

Bên cạnh đó, liên danh nhà đầu tư này còn được chỉ định, giao không qua đấu giá dự án Khu dân cư và đô thị phía Tây Quốc lộ 10 (tại Thị trấn Đông Hưng và xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng). Dự án có diện tích 376.292 m2, quy mô 1.571 lô đất ở.

Tháng 5/2019, liên danh XNK Phú Hưng - Lam Sơn Thái Bình tiếp tục được UBND tỉnh Thái Bình cho thuê 223.741 m2 để xây dựng kinh doanh hạ tầng Cụm công nghệ Đông La tại xã Đông La, huyện Đông Hưng.

Cuối năm 2019, Lam Sơn Thái Bình còn được UBND tỉnh gia hạn tiến độ sử dụng đất tại Cụm Công nghiệp Xuân Động, huyện Đông Hưng. Được biết, khu đất được gia hạn 2 năm, có diện tích 14.398 m2, nhằm xây dựng khu chế biến, kinh doanh lương thực, nông sản và thức ăn chăn nuôi.

Mối liên hệ giữa ông chủ XNK Phú Hưng (ông Bùi Duy Đông, SN 1955) và Lam Sơn Thái Bình (ông Nguyễn Như Sơn, SN 1952) còn thể hiện qua một thương vụ khác. Cụ thể, tháng 10/2018, ông Bùi Huy Đông và ông Nguyễn Như Sơn cùng tham gia góp vốn thành lập CTCP Địa ốc Hưng Thịnh. Doanh nghiệp này do ông Đông làm Giám đốc, đặt địa chỉ trụ sở tại tỉnh Thái Bình và đăng ký ngành nghề chính là xây dựng nhà để ở.

Ngoài ra, dữ liệu của VietTimes cho thấy, ông Bùi Duy Đông còn đảm nhiệm chức vụ giám đốc tại Công ty TNHH Thương Mại dịch vụ Á Đông, quy mô vốn 20 tỷ đồng, có địa chỉ trụ sở chính tại Thái Bình./.