Đằng sau cuộc mua bán 122 triệu cổ phiếu trong nửa giờ

Cổ phiếu Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam vừa trở thành một trong những "món hàng" đắt khách nhất lịch sử sàn UPCoM, khi nhà đầu tư quan tâm tới danh mục góp vốn và tài sản của doanh nghiệp này.
GELEX hiện trực tiếp sở hữu 23,11% vốn tại Khách sạn Melia Hà Nội.
GELEX hiện trực tiếp sở hữu 23,11% vốn tại Khách sạn Melia Hà Nội.

Cuối tuần trước, trong vòng 30 phút mở cửa phiên, cổ phiếu GEX của Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (GELEX) đã đi vào lịch sử sàn giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết (UPCoM) khi đạt lượng chuyển nhượng kỷ lục - 122 triệu đơn vị. Đây là lượng cổ phiếu tương đương 78,74% vốn điều lệ doanh nghiệp, được Bộ Công Thương thoái toàn bộ theo chủ trương cổ phần hóa.

Hàng loạt lệnh mua lớn với khối lượng nhiều triệu cổ phần được đặt liên tiếp, cho thấy các nhà đầu tư đã có sự chuẩn bị trước. Giá cổ phiếu dao động trong khoảng 17.700-20.000 đồng, giúp đơn vị chủ quản thu về số tiền ước tính khoảng 2.100 tỷ đồng.

Sau giao dịch kỷ lục nêu trên, giá cổ phiếu GEX liên tục tăng đầu tuần này. Riêng phiên 28/12, mã này tăng hơn 2.000 đồng và tăng tiếp 600 đồng, chạm ngưỡng 20.500 đồng ngày 29/12. Cổ phiếu cũng trở thành "ngôi sao" thanh khoản trên sàn với lượng giao dịch trung bình khoảng 2 triệu đơn vị mỗi phiên.

Sự quan tâm của giới đầu tư đối với GELEX không chỉ nằm ở kết quả kinh doanh, lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất thiết bị điện, mà còn là những tài sản mà công ty đang sở hữu. Theo một chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán VNDIRECT, những thông tin về khối tài sản lớn mà doanh nghiệp đang sở hữu là lý do chính dẫn đến hiện tượng "tranh mua" nêu trên.

Cụ thể, GELEX đang sở hữu 65% cổ phần Công ty Dây cáp điện Việt Nam (CADIVI), 65,16% Công ty Thiết bị điện (THIBIDI), 65,85% vốn tại Công ty Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM), 51,25% Công ty chế tạo Bơm Hải Dương và 100% Công ty Thiết bị điện Việt Nam... Đây đều là các công ty có vốn điều lệ và doanh thu lớn hoạt động trong ngành.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý III, GELEX còn ghi nhận 23,11%, tương ứng 180 tỷ đồng vốn góp tại Công ty TNHH SAS-CTAMAD - đơn vị quản lý trực tiếp tổ hợp Khách sạn Melia (Lý Thường Kiệt, Hà Nội). Giá trị hợp lý được công ty đánh giá là 307 tỷ đồng, cho thấy doanh nghiệp đang định giá Khách sạn Melia khoảng 1.350 tỷ (60 triệu USD). Tuy nhiên, theo giới đầu tư cho rằng với vị trí đắc địa và quy mô phòng 306 phòng của khách sạn 5 sao này, giá trị thực tế có thể lên tới 130 triệu USD. Cùng với GELEX, công ty con là Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM) cũng đang sở hữu 35% vốn tại SAS-CTAMAD.

Ngoài ra, sức hấp dẫn của GELEX còn đến từ các dự án bất động sản đã và đang triển khai. Công ty hiện có trụ sở tại 52 Lê Đại Hành (Hà Nội) là một tòa nhà gồm 3 tầng hầm và 22 tầng nổi, diện tích xây dựng gần 18.300 m2. Tổng vốn đầu tư là 443 tỷ đồng.

GELEX cũng đang tiến hành dự án xây dựng Tổ hợp Trung tâm Thương mại- khách sạn - văn phòng cho thuê đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao tại khu đất vàng số 10 Trần Nguyên Hãn và số 27-29 Lý Thái Tổ. Diện tích triển khai khoảng 9.934m2. Tổng mức đầu tư dự kiến là 1.900 tỷ đồng.

Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam được thành lập năm 1990, chuyên sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp kỹ thuật điện. Tỷ lệ tăng trưởng hằng năm của GELEX đạt 12-16%, với doanh thu 4.515 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2015 (so với kế hoạch cả năm 10.000 tỷ). Tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp theo báo cáo bán niên gần 5.300 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả là 2.553 tỷ.

Hiện Công ty chứng khoán Bản Việt đang là cổ đông chiến lược của GELEX với tỷ lệ nắm giữ 9,68%. Từ cuối tháng 10, doanh nghiệp đã niêm yết trên UPCoM với vốn điều lệ 1.550 tỷ đồng.

Theo Vne