Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Tân – nguyên Phó Tổng cục trưởng, phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình - cho biết tại cuộc họp về tình hình dân số do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại Hà Nội sáng nay, 26/12.
Đối mặt với nhiều thách thức
Ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam
|
“Hiện, dân số Việt Nam gần 98 triệu dân, nước ta đang đứng thứ 3 Đông Nam Á và đứng thứ 15 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số. Công tác dân số ở nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khi mức sinh chênh lệch giữa các địa phương; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng lan rộng; tốc độ già hóa dân số nhanh; thực trạng mang thai, phá thai ở tuổi vị thành niên cao,...” - ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nói.
ThS. Đỗ Thị Hồng – Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình)
|
Theo ThS. Đỗ Thị Hồng – Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình) – hiện tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế, đạt mức sinh thay thế sớm 10 năm so với mục tiêu đề ra; cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007; chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình đạt 73,6 tuổi, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người; tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm; tầm vóc, thể lực người Việt Nam được cải thiện.
Tuy nhiên, lợi thế dân số vàng chưa được tận dụng tốt, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh chóng, các giải pháp thích ứng chưa được triển khai; chất lượng dân số còn nhiều hạn chế, quản lý dân cư phân tán, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội hiện đại.
Dân số “già ở nhóm già nhất”
Ông Nguyễn Văn Tân – nguyên Phó Tổng cục trưởng, phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình - cho hay: Từ năm 2011, Việt nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Hiện, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Thời gian để chúng ta thích ứng với vấn đề này rất ngắn (20 năm), trong khi ở các nước, thời gian để quá độ từ “già hóa” sang già là từ 21-115 năm.
Thời gian để quá độ từ “già hóa” sang già của một số nước
|
Cơ cấu dân số già sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của đất nước cả về kinh tế, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe,… Theo tổng điều tra dân số (1/4/2009), tốc độ gài hóa dân số liên tục tăng: Năm 2011 (7%) đến năm 2019 (7,6%).
Khi số lượng người cao tuổi tăng lên, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động giảm đi dẫn đến tình trạng thiếu nguồn lao động. Không chỉ vậy, bình quân chi phí chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi gấp 8 lần chăm sóc một đứa trẻ, chưa có viện dưỡng lão công dành cho người cao tuổi.
Đang có 5,2 người đóng bảo hiểm xã hội cho 1 người hưởng. Dự kiến đến năm 2050 chỉ có 2 người đóng và 1 người hưởng. Do đó, chúng ta phải thay đổi chính sách đóng, hưởng, thu, chi để cân bằng giữa thu và chi bảo hiểm y tế, tránh tình trạng bội chi quỹ.
Ông Nguyễn Văn Tân – nguyên Phó Tổng cục trưởng, phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình
|
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức nghiêm trọng dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3-4,3 triệu phụ nữ, có tới hàng triệu đàn ông không thể lấy vợ.
“Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là tâm lý của nhiều người muốn sinh con trai, phần lớn những người sinh con thứ 3 là để lựa chọn con trai. Chúng ta đang “ăn mặn” và khiến đời sau “khát nước” khi chỉ muốn sinh con trai mà không sinh con gái. Đặc biệt, giải pháp phát hiện, xử lý vấn đề này rất khó, bởi đây là việc vô cùng riêng tư của mỗi gia đình.” – Ông Tân nhấn mạnh.
Thực tế, những nước trong tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã phải thực hiện giải pháp nhập khẩu cô dâu. Trung Quốc là một điển hình khi trở thành quốc gia nhập khẩu cô dâu nhiều nhất.
Đại biểu tham dự hội thảo
|
Thông tin về chất lượng dân số (thể chất, trí tuệ, tinh thần), ông Tân cho biết: Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng trong công tác dân số. Mặc dù dân trí, chất lượng nhân lực được cải thiện; chiều cao người dân tăng 3cm; suy dinh dưỡng, tử vong trẻ em giảm 2/3; tuổi thọ tăng,… nhưng số năm sống khỏe mạnh của người dân còn thấp, tầm vóc thể lực chậm cải thiện khi mất tới 30 năm để cao thêm 3cm; tầm soát mức sinh thấp (25%), tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống vẫn diễn ra.
Bên cạnh đó, quản lý dân cư còn lạc hậu, phân tán, thiếu chính xác. Thống kê dân số chỉ thực hiện mỗi năm một lần. Quản lý dân cư theo hộ khẩu vẫn là rào cản lớn đối với người dân khi tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Theo PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Người làm Báo - 8 mục tiêu chiến lược dân số đến năm 2030 gồm: 1. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng. 2. Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc thiểu số có dưới 10 nghìn người, đặc biệt là những dân tộc thiểu số rất ít người có nguy cơ suy giảm giống nòi. 3. Đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi ở mức hợp lý. 4. Nâng cao chất lượng dân số. 5. Thúc đẩy phân bố dân số hợp lý và bảo đảm quốc phòng, an ninh. 6. Hoàn thành xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh lồng ghép các yếu tố dân số vào xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. 7. Phát huy tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững. 8. Thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi: Ít nhất 50% số xã, phường đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi. |