|
Cuộc gặp gỡ cấp cao Tập Cận Bình – Donald Trump tại Osaka chỉ tạo cơ hội cho hai bên bắt đầu lại các cuộc đàm phán, còn thực tế diễn ra rất khó khăn. |
Tờ South China Morning Post ngày 20/7 dẫn lời một nguồn tin giấu tên từ phía Mỹ nói nguyên nhân khiến các cuộc đàm phán thương mại Trung - Mỹ chưa được khởi động lại là do hai bên chưa đạt được thỏa thuận về việc sử dụng phiên bản văn bản nào.
Ông Vương Dũng (Wang Yong), Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, cho biết: Bắc Kinh và Washington đang nỗ lực để xác định các chi tiết nhằm chuẩn bị cho việc nối lại đàm phán. Vương Dũng nói rằng phía Mỹ hy vọng rằng Trung Quốc sẽ quay trở lại văn bản được thảo luận trước vòng đàm phán thứ 10 vào ngày 30 tháng 4; còn Trung Quốc thì yêu cầu Mỹ xem xét các yêu cầu của mình để làm cho văn bản hiệp nghị được bình đẳng hơn.
Vương Dũng nói thêm rằng Washington cần phải đáp lại những lo ngại của Bắc Kinh, bao gồm xuất khẩu và đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ, lệnh cấm cung ứng sản phẩm cho người khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei và hạn chế cấp visa đối với các học giả Trung Quốc.
Ông Thời Ân Hoằng (Shi Yinhong), Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cũng nói rằng cuộc gặp gỡ cấp cao Tập Cận Bình – Donald Trump tại Osaka chỉ tạo cơ hội cho hai bên bắt đầu lại các cuộc đàm phán; còn việc đạt được thỏa thuận vẫn rất khó khăn.
|
Ông Donald Trump: kinh tế Trung Quốc trải qua một năm tồi tệ nhất trong vòng 27 năm qua; còn hiệu quả kinh tế của Mỹ là năm tốt nhất trong lịch sử từ trước đến nay
|
Ông Thời Ân Hoằng cho rằng chính phủ Mỹ luôn nói rằng Trung Quốc nên quay trở lại điểm đã rút lui, nhưng vẫn chưa cho thấy rằng họ có thể xem xét lại các yêu cầu của Bắc Kinh. Ông suy đoán rằng có lẽ Bắc Kinh tin rằng lúc này không phải là thời điểm tốt nhất để Trung Quốc và Mỹ khởi động lại các cuộc đàm phán. Một khi các cuộc đàm phán được khởi động lại, việc tiếp theo sẽ rất khó khăn và sẽ có một số vấn đề không thể chấp nhận được đối với Trung Quốc.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và đại diện thương mại Robert Lighthizer đã gọi cho các quan chức Trung Quốc vào ngày 18 tháng 7. Kênh CNBC cho biết, trước khi tham gia cuộc trao đổi qua điện thoại, ông Steven Mnuchin đã phủ nhận thông tin cho rằng Huawei là trở ngại cho cuộc đàm phán Mỹ - Trung. Ông nói, Huawei không phải là “khúc xương” trong đàm phán thương mại hai nước. Ông nói: “Cuộc đàm phán có rất nhiều vấn đề phức tạp. Hai bên Mỹ - Trung đã đi một quãng đường rất dài nhằm đạt tới một hiệp nghị, nhưng phía Mỹ cảm thấy thất vọng về sự thụt lùi trong một số vấn đề. Nếu hai bên đạt được một bản hiệp nghị tốt sẽ là cơ hội lớn lao cho các công ty và người lao động Mỹ”.
Ngày 19/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (Geng Shuang) đã xác nhận tại cuộc họp báo thường kỳ rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ đã gọi điện thoại cho nhau để thảo luận về việc thực hiện sự thỏa thuận giữa hai nguyên thủ quốc gia ở Osaka. Các đại diện của Trung Quốc tham gia cuộc gọi gồm có Phó Thủ tướng Lưu Hạc (Liu He), Bộ trưởng Thương mại Trung Sơn (Zhong Shan), v.v ... Phía Mỹ có đại diện thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.
|
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trung Sơn là một nhân tố mới trong các vòng đàm phán tới đây
|
Tuy nhiên, đối với cuộc gọi này, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 19/7 lại nói: Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã có một cuộc trò chuyện rất tốt với các nhà lãnh đạo cuộc đàm phán thương mại của phía Trung Quốc. Ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng Steven Mnuchin đúng là đã có một cuộc điện thoại với nhà lãnh đạo đàm phán Trung Quốc. Họ có cuộc trò chuyện rất tốt; ông Trump cũng ám chỉ rằng các số liệu kinh tế tồi tệ nhất của Trung Quốc trong 30 năm qua có thể sẽ giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại.
Ông Trump còn nói: “Chúng ta đang thương thuyết với Trung Quốc, hiệu quả kinh tế của họ không được tốt lắm. Họ đã trải qua một năm tồi tệ nhất trong vòng 27 năm qua. Còn hiệu quả kinh tế của chúng ta là năm tốt nhất trong lịch sử từ trước đến nay. Chúng ta hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra”.
Trước việc phía Mỹ cho rằng các cuộc đàm phán Trung - Mỹ vẫn còn phải trải qua một chặng đường rất dài, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho rằng “chặng đường ngàn dặm bắt đầu bằng bước chân”, Trung Quốc xưa nay luôn luôn chủ trương giải quyết xung đột thương mại Trung – Mỹ thông qua đối thoại và tham vấn, luôn có thành ý về đàm phán thương mại với Mỹ.
Cảnh Sảng nói rằng ông hy vọng phía Mỹ có quyết tâm và nghị lực hợp tác với Trung Quốc để đạt được một thỏa thuận kinh tế và thương mại “cùng có lợi và cùng thắng” thông qua các nỗ lực chung trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và đối xử bình đẳng với nhau.
Cảnh Sảng nói: “Hai bên Trung – Mỹ giải quyết xung đột thương mại thông qua đàm phán là một phương hướng đúng, cần phải kiên trì; nhưng khẳng định đó không phải là một quá trình đơn giản. Nếu đơn giản thì hai bên đâu cần phải trải qua 11 vòng đàm phán”.
|
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Steven Mnuchin: Hai bên Mỹ - Trung đã đi một quãng đường rất dài nhằm đạt tới một hiệp nghị, nhưng phía Mỹ cảm thấy thất vọng về sự thụt lùi trong một số vấn đề.
|
Tại cuộc gặp gỡ Donald Trump – Tập Cận Bình tại Osaka hôm 29/6, cuộc chiến mậu dịch Mỹ - Trung đã được hòa hoãn, nhưng sau đó những diễn biến của cuộc đàm phán giữa hai bên không diễn ra thuận lợi như người ta trông chờ. Bản tin của CNBC hôm 19/7 cho rằng, những tiến triển của cuộc đàm phán Mỹ - Trung gần đây đã làm tan vỡ kỳ vọng của nhiều chuyên gia phân tích và nhà đầu tư vào việc hai bên nhanh chóng đạt được một thỏa thuận về mậu dịch.
Ông Donald Giorgzheim, người lãnh đạo nhóm nghiên cứu Trung Quốc tại Ngân hàng đầu tư độc lập Evercore ISI của Mỹ, nói rằng cả Trung Quốc và Mỹ hiện vẫn chưa đặt được thời gian biểu cho các cuộc gặp mặt trực tiếp và ông tin rằng các cuộc đàm phán thương mại Trung - Mỹ đang diễn ra theo chiều ngược lại. Ông nói: “Tôi cho rằng hiện nay khoảng cách giữa lập trường của hai bên còn lớn hơn so với hồi cuối năm ngoái”.