Trưởng phái đoàn đàm phán của Triều Tiên cáo buộc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "tay trắng" đến với vòng họp lần này, trong khi phía Mỹ nói hai bên đã có "những cuộc thảo luận tốt đẹp".
Ông Kim Myong Gil - đặc phát viên hạt nhân hàng đầu của Triều Tiên - nói rằng chính sự không linh hoạt của Mỹ đã khiến các vòng đàm phán kéo dài hơn 8 giờ đồng hồ ở Stockholm (Thụy Điển) đổ bể. Vị quan chức khẳng định rằng Mỹ "vẫn chưa từng bỏ kiểu thái độ và quan điểm cũ".
"Các vòng đàm phán đã không diễn ra như kỳ vọng của chúng tôi và đổ bể. Tôi rất không hài lòng" - ông Kim trả lời báo giới ngay bên ngoài Đại sứ quán Triều Tiên tại thủ đô của Thụy Điển.
Thế nhưng, Bộ Ngoại giao Mỹ lại nói bình luận mà ông Kim đưa ra không phản ánh đúng "nội dung hay tinh thần" của vòng đối thoại, diễn ra sau nhiều tháng bế tắc.
"Phía Mỹ đang mang tới nhiều ý tưởng sáng tạo và có cuộc thảo luận tốt đẹp với các đối tác Triều Tiên" - một nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một tuyên bố - "Mỹ và Triều Tiên sẽ không vượt qua được di sản 70 năm chiến tranh và thù địch trên bán đảo Triều Tiên chỉ trong có một ngày thứ Bảy duy nhất".
Phát ngôn viên trên còn nói phái đoàn Mỹ đã chấp nhận một lời mời của Thụy Điển nối lại các vòng đàm phán sau 2 tuần nữa.
Chính quyền Bình Nhưỡng đã phóng thử nghiệm hàng loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn kể từ tháng 5 tới nay, và mới đây nhất còn thử nghiệm một mẫu tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm trong hôm thứ Tư tuần này - chỉ một ngày sau khi hai bên tuyên bố nối lại các vòng đối thoại cấp làm việc sau nhiều tháng bế tắc. Giới phân tích tin rằng Triều Tiên vẫn đang tiếp tục sản xuất chất liệu hạt nhân và cải thiện khả năng tên lửa của mình, dù cho vẫn theo đuổi hoạt động ngoại giao.
Sau khi vòng đối thoại đổ bể, ông Kim Myong Gil nói rằng việc Triều Tiên có tiếp tục tạm ngừng thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa hay không còn "tùy thuộc vào quan điểm của Mỹ".
Triều Tiên từng yêu cầu được đảm bảo về mặt an ninh và được gỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đổi lấy việc họ từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nhưng tính đến nay, tiến triển đạt được còn rất hạn chế, dù cho lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên thường xuyên trao đổi thư từ và dành những lời "có cánh" cho nhau.
"Mỹ đến với cuộc họp ở Stockholm lần này với nhiều ý tưởng mới về việc nên trao đi những lợi ích gì (cho Triều Tiên) để đổi lấy những bước đi vững chắc hướng tới giải giáp hạt nhân. Nhưng chiến thuật đàm phán thường thấy của Bình Nhưỡng chính là yêu cầu những sự nhượng bộ không tương xứng dựa trên những thứ mà họ nói là đã thực hiện, và sau đó đe dọa sẽ rút khỏi đàm phán" - Leif-Eric Easley, Giáo sư chuyên ngành quốc tế thuộc ĐH Ewha Womans, thủ đô Seoul, Hàn Quốc nhận định.
"Triều Tiên nhìn có vẻ đang mua thêm thời gian, nhưng thực chất điều mà họ đang làm là trở về thủ đô của họ và cân nhắc về các đề xuất của Mỹ, rồi chờ đợi để nhận chỉ thị từ lãnh đạo" - ông Easley nói.
Chia sẻ cùng quan điểm, ông Shin Beom-chul - chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Chính sách Asan của Hàn Quốc - cho rằng Bình Nhưỡng sẽ trở lại bàn đàm phán hạt nhân.
"Triều Tiên đang cố gắng tận dụng thêm chút thời gian để có thêm nhượng bộ từ phía Mỹ, bằng cách gây thêm sức ép với Washington" - ông Shin nói - "Mỹ cần phải yêu cầu Triều Tiên thực hiện thêm các bước tiến trong giải giáp hạt nhân trước khi gỡ bỏ lệnh cấm vận - điều mà Bình Nhưỡng không sẵn lòng chấp nhận".
(Theo Financial Times)