Theo truyền thông trong nước, ngày 25/5/2020, tại công trình Thủy điện Plei Kần bất ngờ gặp sự cố khiến 3 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Dự án này do CTCP Tấn Phát (Tấn Phát) làm chủ đầu tư.
Ngày 17/10/2016, UBND tỉnh Kon Tum có quyết định chấp thuận chủ trương cho CTCP Tấn Phát (Tấn Phát) thực hiện thi công dự án Thủy điện Plei Kần trên sông Pô Kô thuộc thị trấn Plei Kần, xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi và xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô.
Dự án có công suất thiết kế 17MW, điện lượng trung bình hàng năm đạt 59,051 triệu Kwh. Tổng vốn đầu tư của dự án gần 576 tỷ đồng, trong đó vốn góp của doanh nghiệp là 173 tỷ đồng, vốn vay Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Kon Tum hơn 403 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của VietTimes, Tấn Phát được thành lập vào ngày 7/3/2000, trụ sở chính tại Lô T2, khu công nghiệp Hòa Bình, phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum. Doanh nghiệp này có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, truyền tải và phân phối điện.
Tính đến ngày 4/3/2020, Tấn Phát có vốn điều lệ 421 tỷ đồng, Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Ngọc Tưởng (SN 1973), Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Quân (SN 1977). Ông Nguyễn Văn Quân còn là người đại diện pháp luật cho CTCP Thủy điện Đăkgrét.
Chủ tịch HĐQT Tấn Phát - Nguyễn Ngọc Tưởng (Nguồn: Tấn Phát Group)
|
Trên trang chủ, Tấn Phát cho biết đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh 7 nhà máy thủy điện, bao gồm: Nhà máy thủy điện Đăk Ne (8,1MW), Đăk Pia (2,2MW), Đăk Gret (3,6MW), Đăk Bla 1 (17MW), Đắk Xú (3MW), Tà Vi (3MW) và nhà máy thủy điện Thượng Nhật (11MW). Đồng thời, doanh nghiệp này đang tổ chức thi công xây dựng 5 công trình thủy điện, bao gồm: Công trình thủy điện Plei Kần (17MW), Đăk Psi 6 (12MW), Đăk Piu 2 (4MW), Đăk Glun 2 (10MW) và Plei Kần Hạ.
Bên cạnh đó, Tấn Phát còn hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản với Nhà máy khai thác và tuyển quặng vàng Đăk Blô được xây dựng vào tháng 11/2015 với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng, sản lượng vàng khai thác 18kg/năm.
Tấn Phát và nhóm các công ty thủy điện là một “nhánh” của Tập đoàn Đại Trường Thành Holdings (Đại Trường Thành Holdings) do ông Nguyễn Ngọc Tưởng đứng đầu.
Sau một số dự án thủy điện công suất nhỏ, giới chủ của Đại Trường Thành Holdings bắt đầu mở rộng đầu tư sang mảng năng lượng tái tạo và phần nào cho thấy tham vọng lớn trong lĩnh vực mới này.
Tham vọng năng lượng tái tạo của Đại Trường Thành Holdings
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong số các thành viên của Đại Trường Thành Holdings có CTCP Đầu tư Năng lượng Đại Trường Thành Holdings.
Pháp nhân này được thành lập vào ngày 29/7/2016, ban đầu có tên là CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Trường Thành (đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn thực phẩm), sau đổi tên thành CTCP Địa ốc Đại Trường Thành, CTCP RES Holdings, và hiện lấy tên là CTCP Đầu tư Năng lượng Đại Trường Thành Holdings (DTT Holdings). Ngành nghề kinh doanh chính được thay đổi thành sản xuất điện.
DTT Holdings hiện đăng ký trụ sở chính tại Biệt thự CPV 5-41, Vinhomes Central Park (Khu Tân Cảng), số 720A Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Tính đến ngày 24/4/2020, DTT Holdings có vốn điều lệ 507 tỷ đồng, Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là ông Lê Văn Khoa (SN 1982).
Ông Lê Văn Khoa đồng thời là người đại diện cho CTCP Đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Phát Lợi, CTCP Đầu tư thủy điện Đăk Psi 6, CTCP Đầu tư EVS Holdings, CTCP Đầu tư thủy điện Đăk Psi Kon Tum, CTCP Đầu tư thủy điện Plei Kần Hạ.
Từ tháng 7/2019, Đại Trường Thành Holdings bắt đầu nghiên cứu đầu tư phát triển 6 dự án điện gió với tổng công suất 1.950 MW, diện tích nghiên cứu 110.102 ha.
Các dự án điện gió đang nghiên cứu của Đại Trường Thành Holdings (Nguồn: Tấn Phát Group)
|
Tiến độ thực hiện hoàn thành các dự án điện gió được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (dự kiến trước tháng 11/2021) vận hành các dự án công suất tương đương 350MW. Giai đoạn 2 (trước tháng 12/2022) vận hành các dự án công suất tương đương 1.550MW.
Tập đoàn hiện có 6 công ty thành viên đang hoạt động trong lĩnh vực này, bao gồm: Công ty Tấn Phát, Công ty năng lượng gió Tây Nguyên, Công ty Tân Phước, Công ty năng lượng sạch Kon Tum, Công ty Trường Giang và Công ty Đắk Piu 2.
Trong đó, 2 công ty mới được thành lập vào ngày 17/6/2019 là CTCP Đầu tư năng lượng sạch Kon Tum (NLS Kon Tum) và CTCP Đầu tư năng lượng gió Tây Nguyên (NLG Tây Nguyên). Cả 2 đều có vốn điều lệ 10 tỷ đồng.
Mặt bằng tổng thể bố trí dự án điện gió (Nguồn: Tấn Phát Group)
|
Tại NLS Kon Tum, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Đỗ Văn Tuyệt (SN 1985) góp 4 tỷ đồng, sở hữu 40% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại chia đều cho 2 nữ cổ đông là bà Trịnh Thị Tuyết và bà Trần Thị Hằng Nga.
Trong khi đó, NLG Tây Nguyên có cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Hà Văn Sơn (40%), ông Đặng Xuân Trí (30%) và bà Nguyên Thị Phương Dung (30%). Ông Hà Văn Sơn (SN 1992) đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc.
NLS Kon Tum và NLG Tây Nguyên nhiều khả năng sẽ là 2 doanh nghiệp chủ lực trong mảng năng lượng tái tạo của Đại Trường Thành Holdings. Bởi trong năm 2020, tập đoàn này đang có kế hoạch nâng mạnh tổng tài sản của NLS Kon Tum và NLG Tây Nguyên từ 10 tỷ đồng lên lần lượt là 940,5 tỷ đồng và 1.482 tỷ đồng.
Qua đó, 2 doanh nghiệp này cùng với Tấn Phát là 3 doanh nghiệp có quy mô tổng tài sản dẫn đầu trong “hệ sinh thái” của Đại Trường Thành Holdings.
Ngoài các công ty đầu tư xây dựng thủy điện và năng lượng tái tạo, Đại Trường Thành Holdings còn sở hữu các công ty thương mại như CTCP Phát Lợi, CTCP Thu Thủy và CTCP Phương Thảo./.