Nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới Huawei đã và đang trở thành trung tâm của một cơn bão chính trị toàn cầu khi Hoa Kỳ tìm cách thuyết phục các đồng minh cấm Huawei khỏi mạng 5G với lý do lo ngại an ninh. Washington cho rằng các thiết bị và công nghệ của Huawei có thể bị Bắc Kinh sử dụng làm gián điệp. Cả Huawei và chính phủ Trung Quốc đều phủ nhận cáo buộc này.
Mặc dù Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các quan chức khác của nước này đã nhiều lần tuyên bố tất cả các nhà cung cấp viễn thông sẽ được đối xử công bằng nhưng Đại sứ quán Trung Quốc cho biết họ vẫn rất lo lắng cho Huawei.
“Nếu vì lo ngại vấn đề an ninh, chính phủ Pháp phải áp đặt các quy tắc ràng buộc như nhau đối với các nhà khai thác. Các tiêu chí cần đảm bảo tính minh bạch và tất cả các công ty cần được đối xử công bằng”, Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp cho biết. Cơ quan này cũng nói thêm rằng nỗi lo lắng bảo mật đối với các thiết bị của Huawei là “không có cơ sở”.
Thậm chí, cơ quan đại sứ quán Pháp cũng không ngại "nắn gân" Pháp “Chúng tôi không muốn chứng kiến sự phát triển của các công ty châu Âu tại Trung Quốc bị ảnh hưởng do sự phân biệt đối xử với Huawei cùng chủ nghĩa bảo hộ ở Pháp và các nước châu Âu khác.
Cơ quan an ninh mạng ANSSI của Pháp được cho là đang xem xét kỹ lưỡng thiết bị viễn thông từ các nhà cung cấp khác nhau và sẽ đưa ra kết quả sơ bộ vào cuối tháng này.
Một số nhà mạng lớn đã lựa chọn các nhà sản xuất thiết bị 5G, trong đó Orange chọn cho Nokia và Ericsson.
Anh đã cho phép Huawei tham gia vào quá trình xây dựng mạng 5G ở nước này nhưng thị phần không được vượt quá 35%. Bên cạnh đó, bất chấp áp lực từ phía Mỹ, Liên minh châu Âu đã không cấm hoàn toàn Huawei, các quốc gia thành viên chỉ được khuyến nghị không nên phụ thuộc vào một nhà sản xuất và hạn chế Huawei trong mạng cốt lõi 5G.
Trong thời gian gần đây, Hoa Kỳ được cho là đang xem xét việc mua cổ phần của Nokia và Ericsson nhằm ngăn cản sự thống trị của Huawei trong công nghệ 5G.
Theo Reuters