Tờ Jane's Defence Weekly Anh ngày 8 tháng 2 dẫn người phụ trách Viện nghiên cứu khoa học Trung Sơn, Đài Loan cho biết, Đài Loan có kế hoạch tự chế tạo 66 máy bay huấn luyện siêu âm, sẽ hoàn thành bàn giao trước năm 2026.
Viện nghiên cứu khoa học Trung Sơn là cơ quan nghiên cứu khoa học quân sự chủ yếu của Đài Loan. Nguồn vốn dành cho chương trình phát triển máy bay huấn luyện phản lực đã được đưa vào ngân sách của năm tài khóa 2017.
Máy bay huấn luyện này có tên là XT-5 Lam Thước, sẽ dùng để thay thế máy bay huấn luyện AT-3 và máy bay huấn luyện chiến đấu F-5E/F đã cũ của Không quân Đài Loan.
Máy bay huấn luyện AT-3 do Công ty công nghiệp hàng không Hán Tường, Đài Loan sản xuất, năm 1984 bắt đầu biên chế. Máy bay huấn luyện F-5E/F do Công ty Hán Tường sản xuất theo giấy phép vào thập niên 1970 vẫn đang sử dụng trong nhiệm vụ đào tạo phi công.
Khi tham dự lễ ký kết thỏa thuận tại thành phố Đài Trung, nhà lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn cho rằng kế hoạch XT-5 đánh dấu Đài Loan đã có bước đi đầu tiên hướng tới khôi phục tự nghiên cứu, tự chế tạo máy bay quân sự. Trong khi đó, vấn đề này đã dừng lại 30 năm.
Sản xuất máy bay huấn luyện XT-5 được nhà cầm quyền Đài Loan coi là một bước đi then chốt của kế hoạch phát triển ngành quốc phòng, mong muốn phát huy tối đa hiệu quả của ngân sách quốc phòng còn khiêm tốn, qua đó chấn hưng sự tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế Đài Loan.
Về thiết kế, hiện nay chỉ có thể biết là máy bay huấn luyện này sẽ trang bị "hệ thống huấn luyện mô phỏng tiên tiến".
Nhưng, điều đáng đề cập đến là, Công ty Hán Tường đã công bố hai loại mô hình máy bay tại Triển lãm quốc phòng Đài Bắc năm 2015.
Loại thứ nhất là máy bay huấn luyện cao cấp AT-3 MAX cận âm, dựa trên thiết kế của AT-3, nhưng trang bị thiết bị điện tử bản nâng cấp và buồng lái thủy tinh.
Loại thứ hai là máy bay huấn luyện cao cấp XAT-5, dựa trên máy bay chiến đấu đa dụng F-CK-1 do Công ty Hán Tường sản xuất trước đó, cũng được gọi là "máy bay chiến đấu phòng ngự tự chế" (IDF).
Công ty Hán Tường khi đó cho biết, XAT-5 sẽ sử dụng động cơ như IDF, nhưng sẽ trang bị thiết bị cất hạ cánh phiên bản tăng cường, tăng dung lượng thùng dầu.
Trước lễ ký kết thỏa thuận ngày 7 tháng 2, Bộ Quốc phòng Đài Loan còn cân nhắc hai phương án của nước ngoài: Máy bay huấn luyện M-346 của Italy và máy bay huấn luyện siêu âm T-50 của Công ty công nghiệp hàng không Hàn Quốc.
Trước khi công bố thông tin tự sản xuất máy bay huấn luyện siêu âm 3 tuần, Công ty Hán Tường từng tiết lộ đang tiến hành hoạt động nâng cấp đối với máy bay chiến đấu F-16A/B hiện có của Đài Loan – loại máy bay này mua của Mỹ.
Công ty Hán Tường cho biết lô 4 máy bay chiến đấu F-16 được nâng cấp đầu tiên của Đài Loan đã đưa đến nhà máy mới ở Đài Trung vào trung tuần tháng 1 vừa qua.