Trung Quốc theo dõi sát động thái của Mỹ về Đài Loan, chỉ sau một bình luận

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trung Quốc sẽ theo dõi sát sao bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách của Mỹ với Đài Loan, sau bình luận của một quan chức Mỹ về việc bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị tấn công; theo giới quan sát.
Căng thẳng chính trị khiến PLA không duy trì được đường dây liên lạc với quân đội My, theo một nguồn tin (Ảnh: US Navy)
Căng thẳng chính trị khiến PLA không duy trì được đường dây liên lạc với quân đội My, theo một nguồn tin (Ảnh: US Navy)

Quân đội Trung Quốc (PLA) đã đặc biệt chú ý tới bài phát biểu mà ông Kurt Campbell – điều phối viên khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ - đưa ra trong hôm thứ Ba tuần này; SCMP dẫn lời một nguồn tin thân với quân đội Trung Quốc cho hay.

“PLA nhận thấy tầm quan trọng của việc xây dựng các kênh liên lạc với đối tác Mỹ, nhưng căng thẳng chính trị giữa hai nước đã cản trở điều đó” – nguồn tin cho hay – “sự thiếu minh bạch cũng khiến PLA nghi ngờ rằng Washington sẽ điều chỉnh “sự mập mờ chiến lược” của họ trong vấn đề Đài Loan”.

Trong một cuộc thảo luận được tờ The Financial Times tổ chức, ông Campbell nói rằng có “sự bất lợi đáng kể” nếu như Mỹ thay đổi chính sách “mập mờ chiến lược” về việc Washington sẽ can dự nếu Đài Loan hứng chịu một đòn tấn công.

Ông nói rằng, cả Mỹ và Trung Quốc đều mong muốn duy trì một mức độ nhất định hiện trạng xung quanh Đài Loan, bởi nó là lợi ích tốt nhất của cả hai nước. Những rủi ro thực tế trung và ngắn hạn đều đến từ “những tai nạn và sự thiếu thận trọng”, nếu xét về lực lượng đồ sộ của Mỹ và Trung Quốc.

Bài phát biểu của ông được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước trong khu vực đang tăng cao. Trong một tuyên bố hồi tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã nói về “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan”. Cụm từ tương tự cũng được đưa ra trong một tuyên bố của G7 đưa ra hôm thứ Tư vừa qua.

Tuy nhiên, Shi Yinhong, Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế thuộc ĐH Renmin, nói rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy hai nước đang cố gắng giảm thang căng thẳng.

“Có nhiều tín hiệu cho thấy Bắc Kinh và Washington đang cố gắng giảm bớt căng thẳng quân sự, mặc dù ông Campbell từng cảnh báo rằng cơ chế kiểm soát khủng hoảng không hề hiệu quả” – ông nói.

Ông Shi, một cố vấn của Bắc Kinh về chính sách Mỹ, nói rằng kể từ khi PLA biên chế 3 chiến hạm vào ngày 23/4, cả hai bên đã giảm bớt các hoạt động quân sự ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

“Cuộc khẩu chiến giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn tiếp diễn, nhưng PLA không gửi thêm bất kỳ chiến hạm nào tới đường trung tuyến Eo biển Đài Loan hay triển khai máy bay bay qua khu vực xung quanh Đài Loan” – ông Shi nói, thêm rằng Mỹ cũng ngừng “những động thái khiêu khích” trong khu vực suốt 2 tuần qua.

“Hoạt động quân sự của cả hai bên có thể được thấy rõ, và điều này phản ánh lại động lực chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, cho thấy cả hai bên đều đang cố gắng giảm bớt căng thẳng chính trị” – ông Shi nói thêm.

Trong hôm thứ Ba vừa qua, ông Campbell nói rằng việc xây dựng lòng tin giữa Washington và Bắc Kinh, cùng việc đảm bảo đường dây liên lạc trong bối cảnh khủng hoảng là điều quan trọng. Nhưng ông nói rằng phía Trung Quốc lại do dự sử dụng các kênh liên lạc này.

“Bởi vậy, chúng ta không có một đường dây nóng, có một số lần mà chúng tôi đã sử dụng tới nó, và điện thoại cứ kêu trong một căn phòng trống suốt nhiều giờ liền” – ông Campbell nói.

Nhà quan sát quân sự Antony Wong Tong ở Macau nói rằng, bính luận mà ông Campbell đưa ra về đường dây liên lạc giữa hai nước là đáng quan ngại.

“Từ chối trả lời cuộc gọi đường dây nóng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước” – ông Tong nói – “Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba (từng đẩy Mỹ và Liên Xô vào bờ vực chiến tranh hạt nhân năm 1962) đã được giải quyết chính là nhờ vào việc lãnh đạo của Mỹ và Liên Xô duy trì liên lạc qua đường dây nóng”.