Đài Loan tiến thoái lưỡng nan trong việc ứng phó trọng tài Biển Đông

Đài Loan lúng túng, không có căn cứ ứng phó phán quyết Trọng tài Biển Đông

VietTimes -- Chính quyền Đài Loan lo sợ gây ấn tượng "hai bờ hợp tác" trong vấn đề Biển Đông, vì vậy đưa ra các chủ trương như "sẽ không ủng hộ đường chữ U ở Biển Đông", "sẽ không ủng hộ vùng biển mang tính lịch sử ở Biển Đông".
Phó giáo sư Quách Chính Cương, Đại học Văn hóa Đài Loan, cựu ủy viên lập pháp Đảng Dân Tiến Đài Loan. Ảnh: Chinatimes
Phó giáo sư Quách Chính Cương, Đại học Văn hóa Đài Loan, cựu ủy viên lập pháp Đảng Dân Tiến Đài Loan. Ảnh: Chinatimes

Tờ Vượng báo Đài Loan ngày 29/7 dẫn lời Quách Chính Lượng, cựu Ủy viên Lập pháp Đảng Dân Tiến, Phó giáo sư Đại học Văn hóa Đài Loan cho rằng từ khi Tòa trọng tài Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển ra phán quyết về vụ kiện giữa Trung Quốc và Philippines đến nay, tình hình Biển Đông rõ ràng đã có sự thay đổi.

Ông cho rằng Philippines có thái độ thiết thực, linh hoạt; Trung Quốc không sợ xung đột; Mỹ mạnh mẽ gây sức ép; trong khi đó Đài Loan tiến lùi đều gặp khó trong cả đối nội và đối ngoại, không có căn cứ để ứng phó.

Ông Quách Chính Lượng đã viết một bài báo với tiêu đề "Đài Loan là người thua từ tình hình thay đổi sau phán quyết Tòa Trọng tài về Biển Đông", cho rằng Philippines đã chuyển sang kín tiếng để tránh xảy ra xung đột trực tiếp với Trung Quốc, đồng thời nhận thức được phán quyết chỉ có thể làm tăng con bài đàm phán với Trung Quốc..

Đối với tầm ảnh hưởng toàn cầu và ý chí quyết đấu không ngại xung đột với Mỹ của Trung Quốc, Quách Chính Lượng cho rằng mặc dù Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã không ngừng thúc giục ASEAN đưa ra tuyên bố thống nhất về “trọng tài Biển Đông”, nhưng Tuyên bố chung của ASEAN ngày 25/7 vừa qua vẫn không đề cập đến “trọng tài Biển Đông” do Campuchia kiên trì phản đối.

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.
Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.

Tuyên bố chung của ASEAN ngày 25/7 chỉ nhấn mạnh các nước cần giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, điều này chẳng khác nào "quay lại" với lập trường đàm phán song phương do Bắc Kinh chủ trương.

Còn về phía Đài Loan, Quách Chính Lượng nói thẳng ra rằng Đài Loan chắc chắn là đại diện tiến lùi đều khó, chủ trương hỗn độn, lúng túng sau khi có phán quyết của Tòa trọng tài.

Trước tiên, Chính phủ Đài Loan thể hiện thái độ không chấp nhận phán quyết của Tòa trọng tài, nhà cầm quyền Thái Anh Văn còn lập tức thăm tàu tuần duyên và bày tỏ thái độ.

Nhưng sau đó, chính quyền Đài Loan lại lo sợ gây ra ấn tượng "hai bờ hợp tác", vì vậy đã đưa ra các chủ trương như "sẽ không ủng hộ đường chữ U ở Biển Đông", "sẽ không ủng hộ vùng biển mang tính lịch sử ở Biển Đông". Trước sau rõ ràng tự mâu thuẫn.

Quách Chính Lượng cho rằng Chính phủ Đài Loan đã "nén giận" với Mỹ. Nếu cuối cùng Đài Loan rút khỏi đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và cho Mỹ thuê làm trạm vận chuyển tiếp tế ở Biển Đông thì có thể sẽ gây ra khủng hoảng hai bờ.