|
Đại học Hàng hải rao bán toàn bộ vốn góp tại DN Vận tải biển với giá từ 118,3 tỷ đồng. (Ảnh: internet) |
Giá trị phần vốn góp chào bán (tính theo giá trị góp vốn ban đầu) là 45,6 tỷ đồng, tương đương với 70% vốn điều lệ thực góp (68,8 tỷ đồng – 4,3 triệu USD) của Công ty TNHH Vận tải biển Đông Long (Đông Long), cũng là toàn bộ phần vốn góp mà Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam sở hữu tại pháp nhân này. Phiên đấu giá không giới hạn tỷ lệ chào mua đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Mức giá khởi điểm cho thương vụ được xác định ở 118.270.360.335 đồng, gấp khoảng 2,6 lần giá trị phần vốn góp chào bán.
Chưa rõ mức giá này liệu có hấp dẫn các nhà đầu tư và liệu thương vụ thoái vốn của Đại học Hàng hải có diễn ra thành công. Chỉ biết, kết quả hoạt động của Đông Long thời gian qua không mấy tích cực.
Theo các tài liệu hạn chế được công bố của Đông Long thì cả năm 2015, Đông Long ghi nhận doanh thu ở mức 7,471 triệu USD, lợi nhuận trước thuế đạt 0,784 triệu USD. Tuy nhiên, sang năm 2016, doanh thu của Đông Long giảm xuống chỉ còn 5,879 triệu USD và báo lỗ trước thuế 1,053 triệu USD.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016 của Đông Long, tính đến 31/12/2016, tổng tài sản của công ty này là 8,375 triệu USD – giảm 2,005 triệu USD so với thời điểm đầu năm. Trong đó, giá trị vốn chủ sở hữu là 7,423 triệu USD – bao gồm 4,3 triệu USD vốn góp của chủ sở hữu, 4,185 triệu USD quỹ đầu tư phát triển, và -1,062 triệu USD lỗ lũy kế.
Đáng nói là triển vọng kinh doanh của Đông Long trong nhiều năm tới cũng không hứa hẹn sáng sủa. Theo kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2016 – 2020 mà công ty này xây dựng thì đến năm 2020, Đông Long sẽ vẫn xác định sẽ… lỗ. Theo đó, năm 2017, Đông Long đề ra mục tiêu doanh thu 5,1 triệu USD và giảm mức lỗ về còn 0,8 triệu USD; doanh thu các năm 2018, 2019, 2020 được đặt ở mức quanh quẩn 4 triệu USD nhưng công ty vẫn sác định sẽ lỗ từ 0,45 – 0,15 – 0,25 triệu USD.
Bản công bố thông tin cho thấy, doanh thu thuần của Đông Long hoàn toàn đến từ các hợp đồng vận chuyển hàng hóa trên biển. Hiện tại, công ty đang trực tiếp quản lý và khai thác 3 tàu vận tải, bao gồm: tàu Hoa Nam (đóng góp 25,8% doanh thu), tàu Vimaru Pearl (38,2%) và tàu Zircon (31,8%). Công ty không có nhiều khách hàng truyền thống, các hợp đồng mới chủ yếu là do môi giới mang lại. Tàu Vimaru Ace (đóng góp 7% doanh thu) đã được Công ty bán vào tháng 02/2016 nên doanh thu do tàu này mang lại được ghi nhận không cao trong năm 2016.
Về Công ty TNHH Vận tải biển Đông Long, pháp nhân này được thành lập trên cơ sở góp vốn giữa Công ty Vận tải biển Thăng Long trực thuộc Trường Đại học Hàng hải Việt Nam và Công ty vận tải biển Kamchatka (Liên Xô).
Sau nhiều thay đổi, thì đến thời điểm hiện tại, Đông Long có vốn điều lệ 4,3 triệu USD, với hai thành viên góp vốn là Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam (nắm 70%) và Công ty Transocean Shipping Corp – một pháp nhân đến từ nước Cộng hòa Seychelles (nắm 30%). Transocean Shipping Corp bắt đầu tham gia giữ vốn tại Đông Long từ năm 2009, sau khi nhận chuyển nhượng từ Công ty Transocean Cargo Lines của Australia (được chuyển nhượng vốn từ Công ty Vận tải biển Kamchatka vào năm 2003).
Thực tế, theo Quyết định phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn mà Bộ Giao thông Vận tải ban hành vào tháng 9/2017, thì phương án chào bán đầu tiên được tính đến trong vụ thoái vốn của trường Đại học Hàng Hải Việt Nam là phương án thỏa thuận trực tiếp. Theo đó, Đại học Hàng hải sẽ chào bán toàn bộ phần vốn góp tại Đông Long cho thành viên góp vốn còn lại (tức Transocean Shipping Corp) theo phương pháp thỏa thuận trực tiếp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 53 Luật Doanh nghiệp 2014 và các quy định pháp luật có liên quan.
Trường hợp thành viên còn lại đó không mua toàn bộ phần vốn góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán thì phía Đại học Hàng Hải mới tổ chức bán đấu giá công khai.
Việc HNX vừa công bố việc đấu giá toàn bộ phần vốn góp của Đại học Hàng Hải Việt Nam tại Đông Long, có thể hiểu rằng, Transocean Shipping Corp đã từ chối mua qua chào bán trực tiếp. Và giờ đây, Đại học Hàng Hải sẽ phải mang hơn 3 triệu USD vốn góp tại Đông Long lên đấu giá.
Với mức giá khởi điểm đã nêu và với triển vọng kinh doanh không mấy sáng sủa của Đông Long e rằng thương vụ thoái vốn của Đại học Hàng Hải sẽ khá… mịt mùng./.